Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM cần phân tích ca mắc mới và xu hướng các ổ dịch

Tin nhanh 24hThứ Tư, 14/07/2021 19:32:08 +07:00
(VTC News) -

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM phải có sự phân tích về diễn biến dịch, về xu hướng diễn biến tại các ổ dịch, để người dân nắm được tình hình.

Chiều 14/7, tại cuộc giao ban trực tuyến trong 30 phút với lãnh đạo TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá qua 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công tác xét nghiệm tại TP.HCM đã được cải thiện. Việc kết quả xét nghiệm được trả đúng hạn đã giúp cho công tác khoanh vùng, truy vết được tiến hành nhanh và hiệu quả. 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, khi công bố số ca bệnh hằng ngày TP.HCM phải có sự phân tích về diễn biến dịch, về xu hướng diễn biến tại các ổ dịch, để người dân nắm được tình hình. Theo đó, diễn biến thực tế cho thấy, số ca mắc trong một số khu vực cách ly giảm, trong khi ở các khu vực phong toả số ca mắc tăng. Điều này cho thấy, sự cần thiết phải có hợp tác, phối hợp của người dân tại các khu phong toả để chống dịch hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM cần phân tích ca mắc mới và xu hướng các ổ dịch - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc giao ban với TP.HCM chiều 14/7.

Thông tin mới nhất về diễn biến dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 24h (từ 6h sáng 13/7 đến 6h sáng 14/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.144 ca mắc COVID-19.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc mới này chủ yếu ở trong các khu cách ly, khu vực phong tỏa và 170 ca phát hiện khi tầm soát trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, thành phố đã hình thành trung tâm điều trị bệnh nhân nặng với quy mô 1.000 giường tại cơ sở 2 BV Ung bướu. Tại đây, Sở Y tế TP.HCM đang vận động các doanh nghiệp để trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phục vụ điều trị, đồng thời sẽ huy động từ ngân sách để mua sắm trang thiết bị.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm của TP.HCM trong những ngày qua đã đi đúng hướng trọng tâm, trong điểm, tập trung vào khu vực nguy cơ cao. Các quận, huyện trên địa bàn có cán bộ phân loại, tuỳ theo mức độ nguy cơ để triển khai xét nghiệm.

“Thành phố đang tập trung lấy xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ cao theo phương châm rõ-nhanh-chắc-hiệu quả, để trả kết quả theo đúng thời hạn mẫu đơn 14 tiếng và mẫu gộp 24 tiếng phải có kết quả”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý, tại những khu phong tỏa vẫn còn tình trạng giao lưu giữa gia đình này với gia đình khác, gây ra những bất cập và nguy cơ lây chéo. Đặc biệt, trên MXH đã xuất hiện thông tin: “Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM thực hiện lệnh giới nghiêm, ngưng hoạt động của tất cả các ngành nghề và cấm người dân ra ngoài, đồng thời kêu gọi mua đồ tích trữ”, gây ra tình trạng bối rối và người dân đổ đi mua hàng ở các siêu thị.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 130.000 lao động tự do, trong đó có 9.000 người bán vé số, với số ngân sách chi ra là 195 tỷ đồng (đạt 57% kế hoạch): “Thành phố đã bác bỏ thông tin trên MXH và tình hình đã trở lại ổn định. Thành phố cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trưởng và Sở Công thương phối hợp, kiểm tra và xử lý một số điểm có tình trạng tăng giá đột biến một số mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, xu hướng mua hàng online tăng 5%, theo đó, các siêu thị, điểm bán hàng bình ổn đã tăng cường nhân lực để chuẩn bị hàng hóa đảm bảo giao hàng nhanh trong 24 giờ. TP.HCM đã lập các đội hỗ trợ và phản ứng nhanh để tiếp nhận thông tin khẩn cấp và đáp ứng yêu cầu của người dân trong điều kiện giãn cách xã hội”.

Cũng theo lãnh đạo TP.HCM, 12 chốt ra vào thành phố hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm, đảm bảo lưu thông hàng hoá. Trong khi, các chốt, trạm kiểm soát trong nội thành chuyển sang công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố. 

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, TP.HCM đã làm việc với BQL KCN, khu công nghệ cao và lãnh đạo các quận huyện, theo đó, từ 0h ngày 15/7, chỉ các doanh nghiệp đảm bảo hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch, vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ; đảm bảo “một cung đường 2 địa điểm” và có cam kết cụ thể với chính quyền địa phương sẽ được duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp không đảm bảo sẽ tạm dừng hoạt động cho đáp ứng các quy định phòng, chống dịch an toàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp duy trì sản xuất sẽ tổ chức xét nghiệm định kỳ 7 ngày 1 lần.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, TP.HCM tiếp tục quản lý, tăng cường kiểm soát cách ly trong khu vực phong toả, không để tái diễn tình trạng tập trung đông người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM cần phân tích ca mắc mới và xu hướng các ổ dịch - 2

TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16.

“TP.HCM cần tuyên truyền, vận động người dân về tình trạng khó khăn chung, để người dân đồng lòng chống dịch trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ người lao động nghèo. Trong diễn biến dịch mới, thành phố cần điều chỉnh linh hoạt các quy định để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Cần liên thông đồng nhất về phần mềm CNTT trên toàn quốc, theo đó, bắt buộc mọi người dân phải “check in” bằng QR code”, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm với TP.HCM.

Tại cuộc giao ban, TP.HCM cũng thống nhất thực hiện đề nghị Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng về việc liên thông hệ thống QR code trong 48 giờ tới để đảm bảo đồng bộ. Đồng thời, triển khai đồng bộ nền tảng công nghệ để phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

VOV.VN(Thiên Bình)
Bình luận
vtcnews.vn