Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo viên bạo hành trẻ em

Giáo dụcThứ Tư, 06/06/2018 13:30:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục đối với các giáo viên có hành vi bạo hành với trẻ em.

Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn làm rõ các vấn đề ngành giáo dục

Trưa 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và bổ sung thông tin cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Phó Thủ tướng chọn trả lời đầu tiên về phổ cập mầm non và các vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trong mầm non.

Pho Thu tuong Vu Duc Dam tra loi mot so van de DBQH quan tam (2)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm ngày 6/6. 

"Chúng ta đều hết sức chia sẻ và bức xúc trước một số hiện tượng và một số nơi xảy ra bạo hành ở trường học, đặc biệt là đối với trẻ ở mầm non. Có rất nhiều nguyên nhân, như Bộ trưởng đã nói, trong đó có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non", Phó Thủ tướng nêu.

Hiện nay chúng ta có khoảng 60% giáo viên mầm non đã được học cao đẳng trở lên, còn gần 40% đã học trung cấp. Trung cấp cũng dạy 2 năm, do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm rất quan trọng.

Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra, từ việc xét cho mở trường đến mở các nhóm lớp độc lập của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương ở đây bao gồm cả cán bộ theo dõi về giáo dục của ngành giáo dục.

Điều quan trọng nhất đó là độ bao phủ của mầm non, nhất là bậc nhà trẻ còn rất thấp, 27,7%.

"Như một đại biểu đã nói, tại sao một số trường không nhận trẻ từ đủ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định? Thực ra có nhiều lý do, một trong những lý do rất đơn giản là nếu độ bao phủ đó không phải là 27,7% mà là 90% thì đương nhiên sẽ có nhiều trường nhận đủ các cháu, từ mức khó như Bộ trưởng nói là 3 tháng tuổi.

Còn mới có 10 người nhu cầu đi học, lớp đủ cho 3 người thì đương nhiên cơ sở giáo dục đó có xu hướng chọn đối tượng dễ hơn cho họ", Phó Thủ tướng lý giải.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải phát triển nhanh cơ sở các trường, nếu chưa có trường thì các cụm lớp độc lập nhưng phải đủ điều kiện.

"Vấn đề này tôi tha thiết mong chính quyền các địa phương phải làm tốt hơn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Chúng tôi đi khảo sát cụ thể nơi nào mà chú trọng thì tỷ lệ trẻ được đến trường tốt hơn", ông Đam bày tỏ.

Tại các khu công nghiệp công nhân thu nhập thấp, trường công học phí trung bình của mầm non là 900.000 đến 1.100.000.

"Nếu ở đó các trường tư do những người lấy nhà riêng cho làm và phần lớn là những người đã gắn bó với ngành giáo dục làm bằng tấm lòng là chính cũng lấy học phí khoảng đó và cộng thêm một chút. Nếu trường tư đầu tư từ ban đầu thì buộc họ phải lấy cao hơn, rất khó khăn cho công nhân", Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy ngoài việc lập trường công, chúng ta rất cần mô hình nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ một phần cho địa điểm và để trường tư mở làm học phí.

"Đối với các giáo viên không chỉ ở mầm non mà ở các bậc học khác nếu có bạo hành với trẻ em, tôi cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp là phải đưa ra khỏi ngành giáo dục. Không thể vì một số cá nhân đó ảnh hưởng chung đến toàn ngành. Dù rằng việc đưa ra khỏi ngành có thể làm rất khó khăn cho đời sống sau này của cá nhân người đó hoặc gia đình họ nhưng không thể vì thế làm ảnh hưởng cả ngành giáo dục", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Video: Toàn cảnh vụ cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn