Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Doanh nghiệp ngại kiến nghị vì sợ lộ danh tính'

Thời sựThứ Tư, 28/12/2016 17:48:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính nên cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính.

Sáng 28/12, trong hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-2

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng cho biết thay vì ban hành vào tháng 3-4 hằng năm, năm nay Nghị quyết 19 được ban hành ngay từ đầu năm.

Qua các đồ thị trình bày tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120.

Nói về môi trường kinh doanh do WB đánh giá, xếp hạng qua 3 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2016), Phó Thủ tướng cho biết trong 10 nhóm chỉ số có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá điểm. 

Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24 nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125.

Còn báo cáo của WEF về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu chia làm 3 trụ cột với 12 nhóm tiêu chí và 114 tiêu chí cụ thể.

So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN-4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.

 
Nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

"Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”.

Nêu một số ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, nhiều người thường nghĩ là của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN hay cấp phép xây dựng thuộc Bộ Xây dựng… Phó Thủ tướng cho biết có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác.

Ví dụ trong khởi sự kinh doanh, Việt Nam hiện đứng thứ 121, có tới 9 nhóm tiêu chí cụ thể liên quan đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an.

Ví dụ thứ hai là cấp phép xây dựng đứng thứ 24/190 nhưng vẫn còn 166 ngày và nếu cải tiến sẽ tốt hơn thì lại có liên quan đến Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng…

Theo Phó Thủ tướng, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành, vì vậy rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Nhấn mạnh đến thực tế hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.

 
Trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách và để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng Trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”.

Đề cập đến vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thực hiện cải cách, Phó Thủ tướng nêu ví dụ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công cho doanh nghiệp.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng khi nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng, dù năng lực kiểm định của Việt Nam có hạn.

thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-7

Toàn cảnh hội nghị Chính phủ với các địa phương

Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Nghị quyết đưa ra mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp như: Khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải xuống 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày phải rút ngắn thêm 30 ngày; thuế có tiến bộ nhưng vẫn còn 540 giờ và phải tiếp tục giảm; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày…

Về nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng Việt Nam theo xếp hạng của WEF từ 60 lên vị trí 50.

Việc cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào cải thiện những chỉ số còn kém như thể chế vĩ mô đang ở vị trí 93 trong vài năm sẽ nâng lên khoảng 70; tiếp tục đẩy mạnh nhóm giải pháp về KH&CN, sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng từ 74 lên 60, trong đó chú trọng cải thiện nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông, vốn chỉ tốt so với yêu cầu cũ, để đáp ứng yêu cầu, khả năng tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với trách nhiệm được giao làm đầu mối, các Bộ: KH&ĐT (cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh), KH&CN (đổi mới sáng tạo), Thông tin và Truyền thông (thực hiện Chính phủ điện tử) phải có tập huấn phổ biến sâu cho sở, ngành bên dưới để cùng vào cuộc.

Các bộ, ngành cố gắng sửa thông tư, quy định nhưng quan trọng nhất là thực thi của địa phương bởi “ra văn bản nhưng không nghiêm túc vào cuộc thì rất khó”.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, giám sát, đánh giá độc lập; huy động các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học... tổ chức các đoàn giám sát thực tế, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt tăng cường đầu mối tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiêp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Bộ KH&ĐT.

 
Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Việc thực hiện Nghị quyết cần có cơ chế đánh giá thường niên kết hợp với việc thực hiện chương trình phát triển bền vững, Báo cáo Việt Nam 2035.

Trong Nghị quyết 19 nếu chúng ta để ý và thực hiện tốt thì luôn gắn sát với những điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, chỉ đạo.

Cụ thể như để thực hiện thông điệp phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì tất cả các thủ tục liên quan đến khởi sự doanh nghiệp chúng ta sẽ quyết tâm làm. 

Để thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp, cần nâng tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ 0,5% hiện nay lên 5-10% tổng số doanh nghiệp, bằng cơ chế hỗ trợ tối đa về hạ tầng công nghệ, truyền thông, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm...

Trong việc chuẩn bị sẵn sàng tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết nhấn mạnh tất các chỉ tiêu về năng lực sáng tạo, Chính phủ điện tử.

Việc xây dựng Chính phủ hành động, Nghị quyết giao rất rõ 250 chỉ tiêu và công khai, minh bạch là con đường tốt nhất để xây dựng Chính phủ liêm chính, trách nhiệm được chỉ rõ, kỷ cương phải tăng cường.

Không chỉ về KHCN mà trong điều hành phải tạo được sự thi đua sáng tạo trong toàn xã hội.

"Nghị quyết thực hiện tốt thì Việt Nam sẽ xếp thứ hạng cao, chắc chắn kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn