Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Giáo dụcThứ Tư, 12/09/2018 14:18:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục (sửa đổi) vào sáng nay (12/9) rằng, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt trong ít nhất vài năm tới.

Sáng 12/9, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục (sửa đổi), phản hồi ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trước những ý kiến chiều xung quanh một số thí điểm trong giáo dục, nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, giáo dục dù tốt vẫn luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt ít nhất trong vài năm tới”.

vuducdam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt.

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, khi có một sự kiện, cả cộng đồng góp ý và đó là điều rất tốt. Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1, năm trước là câu chuyện về công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền. “Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những tranh luận vừa qua, theo Phó Thủ tướng cũng chỉ là về phương pháp dạy phát âm cho trẻ chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mới đây một số tổ chức quốc tế đã nhận xét rất tốt về giáo dục Việt Nam, song dù vậy thì giáo dục vẫn phải luôn đổi mới và bàn về giáo dục phải rất thận trọng.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm: “Không thể có kiểu làm SGK tự chọn như vậy được. Giờ Quảng Nam đã có sách riêng thì không lẽ có hệ thống giáo dục riêng cho Quảng Nam? Như vậy không được”.

Về sách Công nghệ Giáo dục và mô hình trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến: “Thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, chắc từ hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam học phổ thông, Công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy.

Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành giờ khổ sở quá vậy. Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên.

Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết. Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá”.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn