Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam không để lôi kéo vào bất cứ liên minh nào

Thế giớiThứ Năm, 18/08/2016 17:28:00 +07:00

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đường lối của Việt Nam là độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo vào bất cứ liên minh nào.

Sáng 18/8, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phân tích rõ nhiều vấn đề liên quan đến ngoại giao của Việt Nam hiện nay.

Trong đó nổi bật là mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn trong tình hình mới, vấn đề đoàn kết của ASEAN hiện nay hay các nguy cơ liên quan tranh chấp Biển Đông.

PTT-Pham Binh Minh-2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn sáng 18/8 - Ảnh: Tùng Đinh

- Thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng Việt Nam có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc còn trong nước xuất hiện tâm lý "bài Trung Quốc" và ủng hộ Mỹ, cho rằng Washington có thể kiềm chế Bắc Kinh ở Biển Đông trong quần chúng nhân dân. Phó Thủ tướng có nhìn nhận gì về vấn đề này?

Cạnh tranh giữa các nước lớn luôn diễn ra và liên quan đến lợi ích chiến lược, lợi ích kinh tế. Nơi nào có cạnh tranh chiến lược mà xử lý không tốt thì có thể dẫn đến đối đầu, có thể cả chiến tranh khu vực, điều này đã được lịch sử chứng minh.

 
Đường lối của Việt Nam là độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo vào bất cứ liên minh nào.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm, không để bất cứ lực lượng nào lôi kéo ta vào sự cạnh tranh. Đường lối của Việt Nam là độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo vào bất cứ liên minh nào.

Để được như vậy, phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở những lợi ích chung. Do đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam từ ‘thêm bạn bớt thù’ đã chuyển sang ‘làm bạn với tất cả các nước’.

Bảo vệ độc lập chủ quyền là do chúng ta, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước, nhưng không nước nào có thể đứng ra bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam và tự chủ trong đối ngoại cũng là đóng góp vào đường lối đó.

- Những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo của các nước lớn trong tương lai được cho là có thể làm đổi chiều trong các lĩnh vực hợp tác, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?

Trong quan hệ giữa các quốc gia, vấn đề nội bộ cũng là một yếu tố có thể tác động đến vấn đề hợp tác nhưng sẽ ảnh hưởng không nhiều nếu duy trì được một khuôn khổ quan hệ.

Ví dụ, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ mà dù đảng nào cầm quyền vẫn không có sự ảnh hưởng. Trong lịch sử, lãnh đạo của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã đến thăm Việt Nam và quan hệ ngày càng phát triển.

Video chất lượng sản phẩm Việt Nam là yếu tố quan trọng khi tham gia TPP

Về mặt kinh tế hay TPP, cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều nhắc đến vấn đề này. Tuy nhiên, TPP được xây dựng với sự đóng góp của 12 nước, trên cơ sở lợi ích chung và các nước sẽ cùng nhau theo đuổi những lợi ích này.

Hiện nay, chưa biết ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ nhưng dù là đại diện của Đảng nào có thể nói đều mong muốn phát triển mối quan hệ với Việt Nam.

- Phó Thủ tướng có nhận định gì về tình hình ASEAN hiện nay khi có nhiều thông tin nói vai trò trung tâm và sự đoàn kết của khối đang gặp nhiều thách thức?

“Từ khi thành lập, các thành viên ASEAN hiểu rằng, nhóm chỉ có vai trò trong quốc tế và khu vực khi là một khối thống nhất, sự đoàn kết nội khối được đảm bảo. Vì vậy, ASEAN có 2 vấn đề trọng tâm là vai trò trung tâm và sự đoàn kết.

Nếu đứng riêng rẽ, các thành viên ASEAN có thể nói đa số là các nước vừa và nhỏ, không thể có vai trò, vị thế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nếu các thành viên đoàn kết, cùng có tiếng nói chung thì từng nước sẽ có thế mạnh riêng cùng với cộng đồng ASEAN.

Cơ chế của sự đoàn kết bên trong ASEAN đó là đưa ra được các quyết định trên cơ sở đồng thuận với mục tiêu là các nước cùng nhau đạt được lợi ích tối thiểu, vì nước nào cũng muốn lợi ích tối đa thì sẽ không đạt được sự đồng thuận.

Trong thời gian vừa qua, có những vấn đề tưởng chừng phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN như vấn đề Biển Đông. Nhưng trong ASEAN không chỉ có Biển Đông, có nhiều vấn đề khác cũng có lúc gây ra khó khăn với các thành viên, tuy nhiên, các nước vẫn cố gắng đạt được sự đồng thuận.

Có những bình luận cho rằng, quan điểm của ASEAN không được như mong đợi, tuy nhiên đó các quan điểm đạt được với mẫu số chung lớn nhất với lợi ích tối thiểu của từng quốc gia”.

 - Trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết của vụ kiện Philippines với Trung Quốc thì Thủ tướng Hun Sen tuyên bố không ghi nhận phán quyết và Hội nghị ASEAN tại Lào cũng không đạt được kỳ vọng về tuyên bố chung đối với phán quyết này, Phó Thủ tướng có ý kiến gì về vấn đề này?

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vụ kiện giữa hai nước. Khi phán quyết của tòa đưa ra, từng nước đã có những phát biểu quan điểm của mình đối với vụ kiện này.

Có những nước nói là hoan nghênh việc ra phán quyết, có những nước nói ghi nhận, có những nước không nói ghi nhận thì cũng nói về những vấn đề liên quan, đó là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.

PTT-Pham Binh Minh-9

Nhiều vấn đề ngoại giao quan trọng được Phó Thủ tướng chia sẻ trong sáng 18/8 - Ảnh: Tùng Đinh

Ngoài ra, cũng có những nước nhân việc đó nói về lập trường chung là giải quyết hòa bình các tranh chấp và đương nhiên cũng có nước nhưng là số ít nói về việc không tán thành vụ kiện. Đó là quan điểm của mỗi quốc gia.

Việc từng nước phát biểu, thể hiện quan điểm của mỗi quốc gia nhưng trong ASEAN thì có thảo luận tất cả các vấn đề có liên quan.

Tất cả các Hội nghị của ASEAN từ trước đến nay vẫn có thảo luận, đề cập đến các tình hình mới; mức độ, tính chất, hình thức có thể khác nhau nhưng luôn được đề cập.

Video đội tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lào không đề cập trực tiếp vấn đề vụ kiện nhưng có điểm mới trong tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN là việc nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong đó khẳng định ngoài tôn trọng giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thì nhấn mạnh tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Đây là điểm mới trong tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN, trong bối cảnh vụ kiện như vậy, có thể hiểu rằng tất cả các biện pháp hòa bình là ngoại giao, pháp lý đều được tôn trọng trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế.

- Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về khả năng leo thang căng thẳng ở Biển Đông, có thể dẫn đến xung đột quy mô lớn và liên quan đến nhiều nước?

Biển Đông là vấn đề không chỉ của riêng các nước trong khu vực. Đây là tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giới. Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải là nhu cầu chung, không chỉ của các nước trong khu vực mà các nước trên thế giới.

 
Việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược xu thế chung hiện nay, các nước cần ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng các biện pháp kiềm chế, tự kiềm chế trong các khuôn khổ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Do đó, các nước đều phải có trách nhiệm đóng góp vào đảm bảo duy trì, ổn định ở Biển Đông. Bởi vì bất cứ sự cố gì xảy ra ở đây sẽ ngăn chặn tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới.

Biển Đông là đúng có sự tranh chấp ở một số đảo, đá của một số nước trong khu vực, việc giải quyết tranh chấp đó phải bằng do bên liên quan thực hiện.

Việc giải quyết phải thông qua đàm phán, thương lượng còn việc xảy ra tình trạng leo thang là trách nhiệm của các nước để xảy ra.

Việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược xu thế chung hiện nay, các nước cần ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng các biện pháp kiềm chế, tự kiềm chế trong các khuôn khổ.

Hiện nay các nước đều kêu gọi kiềm chế, kiểm soát hành động, không để có va chạm dẫn đến xung đột trong khu vực.

Xung đột sẽ không thể lường trước được và trong tất cả các cuộc chiến tranh thì không có kẻ nào chiến thắng.

Hiện nay, giữa ASEAN - Trung Quốc cũng đang thực thi tuyên bố về ứng xử Biển Đông, tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói cố gắng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông - COC - giữa các nước ASEAN - Trung Quốc vào năm 2017.

Đó là tín hiệu tích cực để các nước có trách nhiệm, các nước lớn có trách nhiệm.

Còn khi xảy ra xung đột thì cộng đồng quốc tế sẽ có tiếng nói phản đối các cuộc xung đột, chiến tranh.

Tùng Đinh (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn