Phó Thủ tướng: Đào tạo ngành y, chất lượng hàng đầu, tăng cường hậu kiểm

Giáo dụcThứ Năm, 03/12/2015 08:36:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh quan điểm phải đặt lên hàng đầu tiêu chất lượng đào tạo đối với ngành y, dược.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh quan điểm phải đặt lên hàng đầu tiêu chí chất lượng đào tạo đối với ngành y, dược.

Gần đây, dư luận xôn xao việc ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.
Quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y, Dược đã khiến dư luận xôn xao
Quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y, Dược đã khiến dư luận xôn xao 
Báo cáo lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho biết việc mở các ngành đào tạo đại học được thực hiện theo quy định theo Thông tư 08 ban hành ngày 17/ 2/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện tại, cả nước có 12 cơ sở đào tạo y khoa chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và 9 trường đa ngành (trong đó có 5 trường tư thục).

Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo chung cho tất cả các ngành nên chưa phù hợp với các ngành học đặc thù như y, dược.

Sau khi thông tư 08 được ban hành, một số trường đại học ngoài công lập đã tiến hành đầu tư và làm các thủ tục để xin được mở ngành y, dược.

Nếu các trường đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, tiêu chí như quy định tại thông tư 08 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở ngành.

Tuy nhiên, dư luận cũng bày tỏ băn khoăn điểm đầu vào hàng năm ngành y của những trường top đầu có mức 27-28 điểm thì tại các trường ngoài công lập chỉ trên 20 điểm.

Vì vậy, dư luận cũng tỏ ra nghi ngại về chất lượng bác sĩ, dược sĩ tại được đào tạo tại các trường ngoài công lập.
 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có đề án trình Bộ cho phép mở ngành Y đa khoa và Dược học từ tháng 6/2012.

Thời điểm đó, trường chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện nên Bộ chưa cho phép. Ngay sau đó, trường đã tiến hành đầu tư bổ sung, hoàn thiện các điều kiện theo quy định.


Tới tháng 7/ 2015, trường tiếp tục trình hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Y, Dược. Trước thực tế trường đã đầu tư cơ sở vật chất trước khi 2 Bộ có chủ trương tạm dừng cho phép mở ngành đào tạo Y, Dược nên 2 Bộ đã lập Đoàn liên ngành để thẩm tra.

Đoàn liên ngành đã có biên bản trong đó yêu cầu trường phải hoàn thiện một số việc. Bộ Y tế ủng hộ chủ trương cho trường mở ngành nếu đáp ứng được các yêu cầu của Đoàn thẩm định.
Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra lại điều kiện mở ngành của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ ngày 7-11/12

 

Sau khi xem xét hồ sơ bổ sung của trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký Quyết định cho phép trường mở hai ngành Dược học và Y đa khoa.


Xôn xao việc ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa và Dược học (Nguồn: VTV)

Hiện trường mới được mở ngành, chưa tuyển sinh. Hai bộ cùng kiến nghị tiếp tục hướng dẫn trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các công việc cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà Đoàn thẩm định đã đặt ra và sẽ chỉ cho phép trường tuyển sinh khi đã đảm bảo đầy đủ điều kiện.

Dự kiến đoàn kiểm tra liên ngành của 2 bộ sẽ kiểm tra lại các điều kiện mở ngành tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ ngày 7-11/12/2015.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định:  “Việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu”.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 2 Bộ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đào tạo Y, Dược tại các trường đại học đa ngành và có phương án, giải pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

Đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì tiến hành kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết và Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép trường được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Bên cạnh việc chú trọng chất lượng đào tạo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần phải quan tâm đến công tác hậu kiểm việc đào tạo ngành y, dược tại tất cả các cơ sở chứ không riêng các trường ngoài công lập.
Đào tạo bác sĩ, dược sĩ thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu vì liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân
Đào tạo bác sĩ, dược sĩ thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu vì liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân 

GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hậu kiểm rất quan trọng, không chỉ riêng cho các trường ngoài công lập mà ngay trường công lập cũng phải có đánh giá định kỳ. Trước đây ta chưa từng hậu kiểm nhưng nay việc mở rộng nhiều cơ sở đào tạo, hậu kiểm là rất quan trọng”

Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y, dược.

“Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh”, ông Cường khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng “nếu trường nào không ổn, không đạt các tiêu chí trong đào tạo phải đóng của là hoàn toàn bình thường. Bởi nhân lực ngành y đào tạo mà ấm ớ thì chết dân”.

Tháng 4 và tháng 11/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát, xác định yêu cầu, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.

Tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất tạm dừng cho phép các trường đại học đa ngành mở ngành đào tạo y, dược.

Tới tháng 5/2015, Văn phòng Chính phủ lại có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng đôn đốc 2 Bộ phải ban hành ngay văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo trong lĩnh vực Y tế.

Về số lượng, hiện ở nước ta mới có 7,8 Bác sĩ/10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20-60 Bác sĩ/10.000 dân …


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn