Phó Hiệu trưởng ở Bắc Kạn sử dụng ma túy trong trường đối diện hình phạt nào?

Pháp đìnhChủ Nhật, 20/09/2020 14:48:58 +07:00
(VTC News) -

Luật sư phân tích trách nhiệm của vị Phó Hiệu trưởng khi cùng đồng nghiệp sử dụng ma túy trong trường học.

Khoảng 22h ngày 17/9, Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và THCS xã An Thắng, huyện Pác Nặm), Lý Nguyên Bảo (SN 1973,  giáo viên của trường Tiểu học và THCS An Thắng), Mồng Văn Duy (SN 1988, trú thôn Nà Bản); Mã Văn Đới (thôn Nặm Vằn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm) có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại phòng làm việc.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 7 cục nhựa thuốc phiện, 2 lọ đựng sái thuốc phiện, 1 bộ dụng cụ sử dụng thuốc phiện, 1 gậy điện, 4 điện thoại di động và 418.000 đồng.

Phó Hiệu trưởng ở Bắc Kạn sử dụng ma túy trong trường đối diện hình phạt nào? - 1

Ông Dương Xuân Kiểm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS An Thắng.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật thì ma túy là chất cấm. Mọi hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy đều là hành vi vi phạm pháp luật và thường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là tội phạm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên từ khi sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2009, Việt Nam đã “phi hình sự hoá” hành vi này, xác định người sử dụng trái phép chất ma túy là người bệnh và sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Bộ luật hình sự năm 2015 cũng không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.

Trong khi đó, đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để người khác sử dụng chất ma túy một cách trái phép.

"Người có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 255 Bộ luật Hình sự với hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là tù chung thân.

Với hành vi tổ chức cho từ 2 người sử dụng trái phép chất ma túy trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại Khoản 2, Điều 255 Bộ luật hình sự nêu trên", luật sư Cường cho hay.

Đối với vụ việc này, có 5 người đang sử dụng ma túy, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các thầy giáo có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Luật sư Cường cho hay, nếu cá nhân nào không vi phạm hành vi trên, thì sẽ bị xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy với hình thức bị xử phạt hành chính và có thể bị bắt buộc cai nghiện.

"Nếu hai vị giáo viên phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử lý theo quy định kỷ luật viên chức với hình thức buộc thôi việc", luật sư Cường nhấn mạnh.

Trong vụ việc trên, thầy giáo cùng với lãnh đạo nhà trường tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là thông tin gây sốc với nhiều người. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự và vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thầy, gây ra sự mất an toàn trong môi trường học đường.

Bởi vậy vụ việc này sẽ là một bài học cho những ai kém tu dưỡng rèn luyện đạo đức, đồng thời cũng là bài học cho công tác quản lý cán bộ trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Đối với 2 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 2 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn