Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015

Giáo dụcThứ Bảy, 16/05/2015 06:08:00 +07:00

PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp - PGS trẻ nhất Việt Nam 2011 đã trở thành một trong bốn nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015.

(VTC News) - Ngày 16/5, Bộ KH&CN tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 cho 4 nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Ngày 16/5, Bộ KH&CN tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 cho 4 nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 xét tặng các công trình nghiên cứu cơ bản, bao gồm khoa học tự nhiên (toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học); khoa học-kỹ thuật và công nghệ; khoa học y-dược; khoa học nông nghiệp.

Độ tuổi cho nhà khoa học trẻ được nâng lên 35 tuổi (thay vì 30 tuổi như năm 2014).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với GS Hoàng Tụy, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chúc mừng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với GS Hoàng Tụy, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chúc mừng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015. 
Từ 43 hồ sơ đăng ký tham dự giải thưởng, 9 hồ sơ được các Hội đồng Khoa học chuyên ngành đề xuất xem xét tại Hội đồng Giải thưởng và từ đó chọn ra 3 hồ sơ cho giải thưởng chính, 1 hồ sơ cho nhà khoa học trẻ.

Ba trường hợp đạt Giải thưởng chính là: GS.TSKH Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) với công trình “Xấp xỉ và khôi phục tín hiệu có số chiều rất lớn trên lưới thưa”, một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với bài toán tổng quát về xấp xỉ nhiều chiều. Công trình được đăng trong Tạp chí Nền móng của Toán học tính toán (tạp chí đứng thứ 5 trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế về lĩnh vực tính toán).

GS.TSKH Nguyễn Đông Yên, Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), với công trình “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lồi” được công bố trên một tạp chí chuyên ngành đứng thứ 6 về chỉ số ảnh hưởng và thứ 7 về chỉ số trích dẫn trên thế giới. Công trình nói trên đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới để giải quuyết lớp bài toán có nhiều ứng dụng trong lý thuyết tối ưu.

PGS.TS Trần Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ địa chất, với công trình “Bản chất đới trượt Tam Kỳ-Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó”, công bố trên Tạp chí Gondwana Research, tạp chí có uy tín cao trong lĩnh vực địa chất trên thế giới. Công trình đã có phát hiện mới, quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 dành cho nhà khoa học trẻ thuộc về PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với công trình “Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc” được đăng tải trên Tạp chí Acta Mathematica, 1 trong 5 tạp chí toán học có uy tín nhất thế giới. Công trình nghiên cứu một vấn đề quan trọng trong lý thuyết kỳ dị có ứng dụng trong nhiều ngành toán học khác nhau và có khả năng giải quyết một giả thuyết được nhiều nhà toán học nổi tiếng trên thế giới nghiên cứu.

Theo Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu, mỗi giải chính sẽ nhận 200 triệu đồng và Bằng chứng nhận của Bộ trưởng KH&CN, còn giải trẻ nhận 50 triệu đồng/giải.

Phát biểu tại buổi lễ, GS Ngô Việt Trung - đại diện cho Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu chia sẻ Giải thưởng là một trong những nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong bối cảnh số lượng nghiên cứu công bố quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt trong những năm qua với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ quốc gia.

Đây là giải thưởng duy nhất mà đội ngũ xét chọn chỉ gồm những nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy.


Năm 2014, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam có hơn 2.200 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, cơ chế chính sách đối với KH&CN đặc biệt quan trọng, vì tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học có môi trường sáng tạo tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn cộng đồng các nhà khoa học tiếp tục đồng hành với Bộ KH&CN trong việc góp sức tháo gỡ  rào cản, vướng mắc trong hoạt động KH&CN; thay đổi tư duy cũ, tạo ra cơ chế mới thuận lợi, tiệm cận với thông lệ quốc tế để các nhà khoa học sáng tạo, đóng góp được nhiều nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn