Phó giáo sư trẻ kỳ vọng về giáo dục trong năm mới

Giáo dụcThứ Ba, 20/02/2018 13:23:00 +07:00

PGS Lê Hoàng Sơn mong muốn đồng lương giáo viên tốt hơn để thầy cô toàn tâm toàn ý cho công việc.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn - Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - vừa được công nhận là PGS năm 2017 và là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Hà Nội năm 2017. Ông đã có những công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, được các công ty công nghệ sử dụng trong và ngoài nước.

Trong khoảng 10 năm nghiên cứu, ông Sơn có 100 công bố khoa học, trong đó 48 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục SCI/SCIE - bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới.

Đầu năm mới, Zing.vn có cuộc trò chuyện với PGS trẻ xung quanh câu chuyện đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Đào tạo quốc nội, công bố quốc tế

- Là người thực hiện 30 đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, có nhiều nghiên cứu được công ty nước ngoài đặt hàng, ông tâm đắc nhất với đề tài nào?

Các đề tài của tôi phần lớn được bắt nguồn từ bài toán thực tiễn do nhu cầu của xã hội. Tôi luôn tâm niệm một nghiên cứu tốt nên bắt nguồn từ yêu cầu trong thực tiễn, từ đó dẫn đến cải tiến và đột phá về mặt lý thuyết, cuối cùng quay ngược trở lại để phục vụ xã hội.

PGS tre ky vong ve giao duc trong nam moi hinh anh 1

 PGS.TS Lê Hoàng Sơn tham dự hội thảo tại Italy. (Ảnh: NVCC)

Phần lớn nghiên cứu do nhóm chúng tôi thực hiện thường có sự phối hợp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như khoa học Trái đất, y tế, môi trường, kinh tế... nhằm tạo ra sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng. Vai trò kết nối, phân tách các nhiệm vụ chuyên ngành, và phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất là cái tôi luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Ví dụ, ứng dụng của hãng xe Mercedes, Mỹ, về yêu cầu tạo 3D View cho các sản phẩm xe hơi của hãng. Nhóm chúng tôi đã thực hiện dựng mô hình 3 chiều từ các ảnh 2 chiều chụp ở nhiều góc độ khác nhau, đồng thời cho phép người xem tham quan, Zoom In/Out, truy cập thông tin, xem ảnh, tìm hiểu hãng xe, đời xe, giá xe.

Trong nghiên cứu khác về mảng tin học - y tế , chúng tôi phối hợp các chuyên gia y tế tại ĐH Y Hà Nội như PGS Trương Mạnh Dũng, PGS Võ Trương Như Ngọc, bác sĩ Lê Quỳnh Anh (Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt), TS Trương Quang Trung (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội)... xây dựng phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt.

Nó xuất phát từ bối cảnh hiện nay các nghiên cứu nhân trắc về đầu mặt trên thế giới, sử dụng phương pháp đo dựa trên ảnh, phim chụp rất phát triển. Trong lĩnh vực y học nói chung và răng hàm mặt, ngoại khoa, phẫu thuật tạo hình hàm mặt nói riêng, các số đo, chỉ số đầu mặt là những thông tin rất quan trọng giúp chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị để phục hồi các chức năng cơ bản, cũng như thẩm mỹ đã mất do bệnh lý vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Dựa trên hệ thống phần mềm, người sử dụng có thể nhìn thấy một cách trực quan hệ thống chỉ số được đo đạc, so sánh và phân tích các quá trình phát triển đầu mặt theo thời gian, hay tái dựng hình ảnh kỹ thuật số tương ứng của đối tượng quan sát.

Video: PGS Văn Như Cương và cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục

Việc xây dựng phần mềm hỗ trợ việc xác định các đặc điểm nhân trắc đầu - mặt ở người Việt Nam là nhu cầu rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay không chỉ đối với ngành y mà còn của nhiều chuyên ngành khác như bảo hộ lao động, an toàn giao thông, nhận dạng hình sự, khảo cổ, hội họa, điêu khắc...

Trong quá trình thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã có nhiều thời điểm “ăn nằm ở dề” tại bệnh viện để tìm hiểu về cấu trúc giải phẫu, kiến thức chuyên môn, cũng như sửa chữa lại các sai sót trong quá trình đo đạc thực tế.

Kết quả thu được sau một năm triển khai là rất đáng khích lệ. Phần mềm đã ứng dụng tại Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội và một số cơ sở khác.

Tôi nghĩ rằng đây có thể là hướng đi cho các nhà khoa học Việt Nam khi giải quyết bài toán cho cộng đồng, vừa có tính lý thuyết, hàn lâm, vừa ứng dụng để ra đời những sản phẩm có ích cho người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của người làm nghiên cứu khoa học.

PGS tre ky vong ve giao duc trong nam moi hinh anh 2

 PGS.TS Lê Hoàng Sơn chụp ảnh kỷ niệm cùng lớp CEO Bangladesh. (Ảnh: NVCC)

- Khác với nhiều nhà khoa học trẻ thế hệ 8X, lý lịch khoa học của ông có một địa chỉ đào tạo duy nhất, xuyên suốt từ đại học đến tiến sĩ, đó là Khoa Toán - Cơ - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhiều người cho rằng ra nước ngoài là cách để giỏi nhanh nhất. Ông có thể chia sẻ thêm về sự lựa chọn, gắn kết của mình?

Trong suốt quá trình học tại Khoa Toán - Cơ - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi cũng có một số cơ hội làm thạc sĩ và nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng vì một số lý do nên tôi lựa chọn ở lại Việt Nam để học tập và nghiên cứu.

Đầu tiên, ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH quốc gia Hà Nội là những môi trường tốt nhất trong nước về nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhiều giảng viên trong trường là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, là những người mà tôi đã học hỏi rất nhiều cả về chuyên môn, kỹ năng sống, tác phong, ứng xử.

Tôi cho rằng đào tạo không chỉ là ở chuyên môn mà còn là cách sống và tác phong mẫu mực. Sinh viên sẽ học được nhiều hơn khi ở gần thầy cô là tấm gương như vậy.

Khi làm nghiên cứu, điều quan trọng không phải làm ở đâu mà là làm cái gì. Để một nghiên cứu khoa học có cơ hội thành công, tôi nghĩ cần có sự lựa chọn đề tài tốt, tìm ra được cái mới.ư, cộng với sự góp sức của người thầy và sự cố gắng của bản thân. Nếu không đủ 3 yếu tố trên, bạn làm ở đâu thì cũng sẽ rất khó khăn.

Chính vì thế, trong quá trình làm nghiên cứu sinh trước đây, tôi đã lựa chọn theo chương trình sandwich dưới sự hướng dẫn của PGS Nguyễn Đình Hóa, Viện Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội và GS Pier Luca Lanzi, giảng viên ĐH Politecnico di Milano, Italy.

Với tư tưởng và định hướng rõ ràng, tôi kiên định thực hiện nghiên cứu và đã bảo vệ thành công trước hạn. Tôi nghĩ rằng việc đào tạo nước ngoài hay trong nước không ảnh hưởng chất lượng nghiên cứu khoa học.

- Làm nghiên cứu sinh trong nước có khó khăn hơn ở nước ngoài, thưa ông?

Thực tế có nhiều nhà khoa học giỏi nhưng không có điều kiện học tập, nghiên cứu ở nước ngoài do một số lý do đặc biệt. Nghiên cứu sinh trong nước, ngoài chuyên môn, còn phải lo đến cơm áo gạo tiền, công việc ở cơ quan và gia đình.

Trong khi đó, nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài được toàn tâm toàn ý nghiên cứu và cũng có học bổng của lab hay trường hỗ trợ nên sẽ thuận lợi hơn. Tất nhiên, kết quả đầu ra không phụ thuộc chuyện hoàn cảnh làm ở đâu, nhưng rõ ràng nghiên cứu sinh trong nước phải nỗ lực gấp 3-4 lần các bạn ở nước ngoài.

Mong nhà khoa học không phải lo kinh tế

- Nhìn lại hành trình của mình, người thầy nào có sức ảnh hưởng lớn nhất với ông?

Tôi của ngày hôm nay chịu ơn rất nhiều người thầy khi đã định hình tính cách và đam mê khoa học của bản thân. Có lẽ nếu kể ra thì cả ngày không đủ, tôi xin nhắc tên một người thầy tiêu biểu với mình là GS.TSKH Phạm Kỳ Anh - nguyên trưởng khoa Toán Cơ - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên giám đốc Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao.

Thầy là người đã nối nhịp đưa tôi về công tác tại đơn vị. Thầy luôn truyền lửa, nghiêm khắc và nhắc nhở tôi làm việc đến cùng. Trong khoa học, thầy là chuyên gia đầu ngành uy tín. Bao giờ thầy cũng luôn có mặt tại cơ quan sớm nhất để làm việc lúc 6h sáng và cũng là người về muộn nhất. Trong đời sống, thầy tình cảm, sống hết lòng vì người khác.

Hiện nay, thầy đã 70 tuổi nhưng vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Trước tấm gương của thầy, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

PGS tre ky vong ve giao duc trong nam moi hinh anh 3

Giáo trình do PGS.TS Lê Hoàng Sơn làm chủ biên. (Ảnh: NVCC) 

- Là PGS trẻ, ông trăn trở hay kỳ vọng gì về nền giáo dục Việt Nam trong năm mới?

Tôi chỉ mong sao ngành giáo dục ngày càng phát triển hơn. Học sinh có một môi trường giáo dục thân thiết, điều kiện học hành thuận lợi. Mối quan hệ giáo viên và học sinh tốt đẹp. Đồng lương giáo viên tốt hơn để họ đủ sống, toàn tâm toàn ý cho công việc.

Thực trạng có nhiều nhà khoa học vừa nghiên cứu vừa phải lo đến kinh tế là điều rất khó khăn. Tôi mong sẽ có sự thay đổi về cơ chế quản lý thông thoáng để các nhà khoa học yên tâm làm việc, có điểm tựa để bứt phá.

Đây là những điều ước đầu năm Mậu Tuất, hy vọng sẽ sớm thành hiện thực. Chúc cho các đồng nghiệp, thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô ở vùng sâu, xa một năm mới hạnh phúc, luôn vũng bước trong sự nghiệp trồng người.

Trong khoảng 10 năm nghiên cứu, PGS.TS Lê Hoàng Sơn có 100 công bố khoa học, trong đó có 48 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục SCI/SCIE - bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới.

Trong số hơn 30 đề tài nghiên cứu khoa học của PGS.TS Lê Hoàng Sơn, một nửa số đó đã được ứng dụng ở quốc tế. Ví dụ như: Hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông (COMGIS), Xây dựng ứng dụng Iphone trên Android, Xây dựng Web Portal về các loại rượu bằng công nghệAmazon (Wine Terminal), Bảo tàng trực tuyến (XPOMarket).

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn