Phổ cập môn học robot, chuẩn bị tương lai cho nước Việt

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 24/10/2013 10:50:00 +07:00

(VTC News) - Việc chuẩn bị cho một thế hệ tương lai giỏi về sáng tạo robot là cần kíp hơn bất cứ lúc nào.

(VTC News) - Vào ngày 3/11, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc thi Robothon Quốc gia, và sau đó, ngày 22/11 sẽ diễn ra cuộc thi Robotics Quốc tế 2013, tại Thủ đô Manila, Philippines.


Để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc tế thường niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Liên doanh DTT-EDUSPEC đề án "ứng dụng phòng Lab trong học tập kỹ năng thế kỷ 21" đã tổ chức cuộc thi Robothon Quốc gia 2013, chọn lựa đội tuyển đưa ra đấu trường quốc tế tại Philippines.

Đây là cuộc thi hết sức quan trọng, nhằm đánh giá kết quả một năm học tập môn Robotics trong các trường tiểu học. Ngoài ra, cuộc thi cũng sẽ lựa chọn những đội tuyển tài năng, để thi đấu ở tầm quốc tế, những mong đem lại vinh quang cho nước nhà.

VTC News đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Vân, đại điện phát triển hệ thống giáo dục Liên doanh Tập đoàn DTT - EDUSPEC, là tập đoàn đã đưa môn học sáng tạo robot vào Việt Nam, giúp học sinh Việt Nam tiếp cập với môn học mới mẻ này, nhằm chuẩn bị một đội ngũ kỹ sư sáng tạo cho tương lai.

robotics
Bà Nguyễn Hồng Vân 
- Việt Nam vẫn là đất nước nông nghiệp. Hai từ ‘Rô bốt’ vẫn quá mới mẻ với người Việt. Liệu Liên doanh DTT-EDUSPEC có phải “cầm đèn chạy trước ô tô”?

Nhận định của bạn là thực sự chưa hiểu rõ về robot cũng như môn học sáng tạo robot. Thực ra, robot không phải thứ của tương lai, của xã hội như trong phim viễn tưởng. Từ nhiều năm nay, robot đã mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã hội.

Chẳng hạn như kỹ nghệ sản xuất xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ… đều đã sử dụng robot thay cho sức người. Ngay cả những ngành nghề sản xuất đơn giản, những dây chuyền công nghệ, đều là một dạng robot sơ khai. Trong các ngành nghề khai khoáng, việc sử dụng thiết bị thăm dò, tức là một dạng robot, đã có từ lâu. Chỉ có những robot mới hoạt động được trong môi trường đặc thù như khai khoáng, thám hiểm.

Trong khi khả năng chế tạo robot hàng loạt, với giá thành ngày một hạ, đang là tương lai trước mắt, thì chúng ta vẫn chỉ là nước nhập khẩu các dây chuyền công nghệ, các thiết bị điện tử. Chúng ta thiếu cái gốc, ấy là các bộ óc sáng tạo. Nếu chúng ta không đầu tư cho giáo dục ngay từ bây giờ, dù đã quá muộn, thì chúng ta sẽ tụt hậu mãi mãi so với thế giới.

Chúng tôi đã nghiên cứu sâu ở nhiều nước phát triển và nhận thấy rằng, robot chính là tác nhân đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, ở đâu cũng cần có robot: nông nghiệp, công nghiệp, logistics, quản lý nhà nước, điều khiển giao thông, giám sát xuất xứ hàng hóa...

Chính phủ cũng đã ra quyết định xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) – “bộ óc” của mọi robot nên ngành chế tạo robot Việt Nam càng có cơ hội phát triển và phục vụ xã hội. Đây cần được xem là một mũi đột phá quan trọng trong việc giành lại thế chủ động trong phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Việc chuẩn bị cho một thế hệ tương lai giỏi về sáng tạo robot là cần kíp hơn bất cứ lúc nào.

robotics
Thí sinh Malaysia thi robotics tại Mỹ Đình 

- Được biết Tập đoàn DTT đã phối hợp với Tập đoàn Eduspec (Malaysia) để đưa môn học Robot vào các trường ở Việt Nam từ năm 2011?


 Ngày 3/11/2013, tại Nhà thi đấu Quân khu 5, đường Duy Tân, TP. Đà Nẵng, sẽ diễn ra Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013.

Sẽ có 48 đội tuyển tham gia, đến từ các trường tiểu học. Ở Hà Nội gồm các đội tuyển như Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Xuân Đỉnh, Tiểu học Vietkid, Tiểu học Mễ Trì.

TP.HCM gồm các đội tuyển: Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Tiểu học Lê Ngọc Hân, Tiểu học An Khánh.

Đà Nẵng gồm các trường: Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Tiểu học Trần Cao Vân.

Tiếp đó, ngày 23/11/2013, tại Thủ đô Manila, Philippines, sẽ diễn ra Cuộc thi Robotics Quốc tế 2013. Việt Nam sẽ lựa chọn những đội xuất sắc nhất trong cuộc thi Robothon Quốc gia để tham dự giải đấu này.
Chúng tôi đã đưa hoạt động giáo dục Robotics này vào Việt Nam từ đầu năm 2011. Chúng tôi lựa chọn những trường tiêu biểu, đủ điều kiện cơ sở vật chất để đầu tư. Ở Hà Nội thì có Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Xuân Đỉnh, Mễ Trì B, Ba Đình, Ban Mai, Vietkid … Trong Nam có các trường như Tiểu học Lê Ngọc Hân, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Định Của…Tại Đà Nẵng có các trường như Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Cao Vân…


Hệ thống cấu trúc bài giảng được phát triển bởi tập đoàn Eduspec, hiện tại các nước trong khu vực (Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Indonesia...) đang sử dụng để giảng dạy như một môn học trong nhà trường.

Chúng tôi đã nhờ các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam bổ sung, chỉnh sửa thêm cho phù hợp với Việt Nam. Như thế, có thể nói chương trình có hệ thống cấu trúc bài giảng rất tốt, đi đúng chủ trương cải cách của Bộ GD&ĐT “Tích hợp bậc thấp, phân hóa bậc cao”.

Bên cạnh đó, năm nào cũng tổ chức thi Robotics Quốc tế nên cũng có cơ hội cập nhật, điều chỉnh.

Các giáo viên dạy môn Robotics ở các trường tiểu học Việt Nam là những người do Liên doanh DTT-EDUSPEC tuyển chọn, có trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm và được đưa sang Malaysia tập huấn giảng dạy.

Giáo viên được bố trí giảng dạy ở các trường học liên kết với Liên doanh DTT-EDUSPEC và do DTT trả lương.

- Việc đưa môn học này vào Việt Nam có gặp khó khăn gì không, thưa bà?

Nghe đến chữ Robot thì có vẻ cao siêu, nhưng thực ra không quá phức tạp như chúng ta vẫn tưởng. Môn học Robotics trong các trường tiểu học mới chỉ ở mức giúp các em “Làm quen với cách điều khiển robot”. Môn học này có quan hệ với môn Kỹ thuật, Tin học và khả năng thực hành môn Toán của chương trình tiểu học.

robotics
Thi lắp ráp robot tại Mỹ Đình năm 2012 

Hoạt động giáo dục Robotics đang được Bộ GD&ĐT cho phép đưa vào chương trình câu lạc bộ tự nguyện, nên học hay không là quyền lợi của học sinh, không ép buộc, cũng không vận động thái quá. Môn học này kén giáo viên, kén môi trường học (hạ tầng, điều kiện ánh sáng, độ ẩm, không bụi...) và kén cả người học (đam mê, thích thú khám phá, tò mò...). Do đó, bước đầu do Liên doanh DTT- EDUSPEC tổ chức như lớp học năng khiếu, ngoại khóa ở những trường hội đủ điều kiện.

Mặc dù mới đưa môn học này vào Việt Nam, song chúng tôi nhận thấy có nhiều thuận lợi. Học sinh đam mê, các bậc phụ huynh theo sát con em mình cả trong quá trình học tập, kể cả song hành cùng con ra nước ngoài để tham gia thi đấu.

Học phí học môn này chỉ có vài trăm ngàn một tháng, tương tự như học tiếng Anh hay năng khiếu thôi.

- Môn học Robotics chắc chắn sẽ kích hoạt mạnh mẽ óc sáng tạo của học sinh?


Chúng ta vẫn lầm tưởng đây là môn học khô khan. Thực ra, môn học Robotics giúp học sinh phát triển khá toàn diện, tạo cơ hội cho việc thực hành các môn học như Toán học, Vật lý, Khoa học, Máy tính và Tiếng Anh.

Trong quá trình học tập, học sinh được tham gia để hình thành các kỹ năng mềm như tư duy chiến lược, giải quyết vấn đề và làm việc theo nhóm.

Xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện, tư duy sáng tạo, năng động và trách nhiệm.

Ngoài ra, môn học cũng xây dựng và hình thành nhân cách cho học sinh từ các chủ đề thực tiễn mang tính nhân văn. Chẳng hạn như, môn học sáng tạo robot thành bác sĩ, rồi chủ đề môi trường, vì đại dương xanh… giúp các em hình thành một tư duy nhân văn vì trái đất, xã hội. Năm nay, chúng tôi tổ chức cuộc thi với chủ đề “Thành phố thông minh” cũng là chủ đề hết sức thực tiễn với nước nhà.

robotics
Thi đấu Robot tại cuộc thi Robotics Quốc tế 2012 

- Bà đã đi tìm hiểu ở nhiều nước, và thấy nước ngoài giảng dạy môn Robot như thế nào?

Chẳng phải nhìn quá xa. Ngay các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan... đều đã đưa hoạt động giáo dục Robotics vào các trường tiểu học như một môn học trong chương trình giảng dạy để chuẩn bị tư duy cho trẻ.

Ở Trung Quốc, đất nước lớn ngay cạnh ta thôi, dù đưa môn học này vào giảng dạy chưa lâu, song phát triển như vũ bão. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của môn học này.

Còn các cường quốc robot, như Nhật Bản chẳng hạn, thì việc dạy Robotics là quốc sách. Chính vì thế môn học robotics là chính thức ở cấp phổ thông ở Nhật Bản.

Lên đại học, chương trình đào tạo về tự động hóa – robot ở một số trường đi rất sâu và luôn gắn với các công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là trí khôn nhân tạo và vật liệu mới.

Đến nước Nhật, tôi nhận thấy một đất nước ngập tràn robot đã hiển hiện trong tương lai. Nhìn lại nước mình, vẫn thấy bóng dáng con trâu và cái cày. Tôi thấy mình càng phải quyết tâm hơn nữa trong việc phổ biến môn học này ở Việt Nam.

Liên doanh DTT- EDUSPEC mới đưa môn học Robotics vào Việt Nam, có vẻ cơ hội giành giải cao trong cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 ở Philippines là khó?

Mặc dù mới đưa môn học vào Việt Nam từ năm 2012, tức là mới được vài tháng, nhưng chúng tôi đã tổ chức Cuộc thi Robotics Quốc tế 2012 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Cuộc thi quy tụ nhiều đội tuyển ở các nước lớn, đã phổ cập sâu môn học này.

Trong cuộc thi ấy, các đội tuyển của Việt Nam đạt kết quả chưa được như mong muốn, phản ánh đúng chất lượng. Các đội tuyển Việt Nam mới chỉ có vài tháng học môn này, trong khi các nước bạn đã học nhiều năm.

Cuộc thi năm nay sẽ rất khác với cuộc thi năm ngoái. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Các em học sinh cũng đã được nhào nặn qua một số cuộc thi, thậm chí đã được thử sức ở đấu trường quốc tế.

Để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 diễn ra ở Philippines, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi Robothon tại Đà Nẵng vào ngày 3/11. Chúng tôi sẽ lựa chọn những đội tuyển xuất sắc nhất để đưa ra đấu trường quốc tế.

- Xin cảm ơn bà!
Ông Voon Jhin Chan (Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Eduspec - Malaysia): Việt Nam cần sớm phổ cập môn học Robotics)
robotics
Ông Voon Jhin Chan
- Malaysia phổ cập môn học như thế nào thưa ông?


Ở Malaysia, môn học lắp ráp và lập trình robot đã gần như phổ cập. 4.000 trường học đã đưa môn học này vào giảng dạy. Eduspec đã triển khai Phòng thí nghiệm Robotics tại vài quốc gia và thấy kết quả khả quan. Các chuyên gia giáo dục ở nhiều nước quan tâm đến chương trình này và đã đưa môn học vào nhà trường nhằm chuẩn bị đội ngũ trí thức về robot cho tương lai.

- Việt Nam còn nghèo, chương trình giáo dục khá nặng, liệu thêm môn học Robot có quá tải?


Thế giới bây giờ là thế giới phẳng. Mỹ có Iphone 5, thì vài hôm sau Việt Nam cũng có. Việt Nam cần đi tắt, đón đầu. Không có cách nào khác là đầu tư cho giáo dục. Nếu chuẩn bị tri thức cho học sinh, thì tương lai, Việt Nam mới có thể làm chủ công nghệ robot. Chuyên gia robot của Việt Nam sẽ đi khắp thế giới và chuyên gia robot thế giới sẽ tìm đến Việt Nam. Có nguồn nhân lực tốt, Việt Nam sẽ nhận được sự đầu tư của các quốc gia phát triển. Môn học này không bắt buộc, phù hợp với những em có năng khiếu, ham học hỏi, sáng tạo, nên có điều kiện thì theo học để phát huy sở trường.

- Ông thấy học sinh Việt Nam tiếp thu môn học này thế nào?

Việt Nam mới đưa vào giảng dạy ở một vài trường, nhưng tôi đánh giá khả quan. Học sinh Việt Nam có ưu điểm thông minh, chịu khó và tiếp cận công nghệ rất nhanh. Eduspec thậm chí có chương trình học robot cho học sinh mầm non. Trẻ em khoảng 4-5 tuổi phát triển nhận thức tốt, có tư duy logic. Theo tôi, nên đưa môn học này vào sớm, để các em làm quen với robot, kích thích tính sáng tạo và yêu thích của các em.

Việc hoạt động theo nhóm, giúp các em có tư duy lập kế hoạch, chiến lược, ngoài ra, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Chỉ vào bậc tiểu học, các em đã có cơ hội giao tiếp, học tập từ bạn bè khắp thế giới. Các em sẽ tham gia vào thế giới phẳng một cách tự nhiên. Đây là nền tảng hoàn hảo cho học sinh có thể vui vẻ học tập thông qua trò chơi, qua đó nâng cao


Duy Phong (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn