'Phố cà phê đường tàu' sao có thể coi là nét văn hóa Hà Nội

Bạn đọc viếtThứ Năm, 10/10/2019 12:45:00 +07:00

Kinh doanh tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể biện minh để tiếp tục tồn tại với lý do là "một nét văn hóa cực kỳ độc đáo của Hà Nội!".

Thông tin Hà Nội sẽ mạnh tay dẹp bỏ "phố cà phê đường tàu" do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi trên báo chí và mạng xã hội.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình nên dẹp bỏ, có không ít ý kiến cho rằng phố cà phê này nên giữ lại bởi đây là địa điểm thu hút du khách, là "địa điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô", thậm chí có người còn coi đây là "một nét văn hóa cực kỳ độc đáo của Hà Nội!".

ca_phe_1_zvbp

 Tình trạng kinh doanh tự phát lấn chiếm đường sắt tại phố cà phê đường tàu.

"Văn hóa" và "độc đáo" như thế nào thì chưa bàn nhưng tình trạng lộn xộn, các quán cà phê mọc lên như nấm, bàn ghế kinh doanh kê tràn ra cả giữa đường tàu để phục vụ, thỏa mãn một bộ phận giới trẻ và những du khách quốc tế có thú vui sống ảo, tìm cảm giác mạnh mỗi khi đoàn tàu chạy qua sát người với cự ly chỉ vài chục xăng ti mét, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tính mạng của khách nếu chỉ một giây phút mất tập trung, là lý do "phố cà phê" này cần phải bị dẹp bỏ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL mới đây, lãnh đạo Tổng Cục Du lịch cũng cho biết: "Tổng Cục Du lịch khuyến khích ngành du lịch đầu tư sáng tạo, phát triển điểm du lịch mới. Tuy nhiên, các điểm du lịch phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch và tuân thủ quy định của pháp luật". 

Nhiều người viện dẫn lý do rằng, trong nhiều năm "cà phê đường tàu" tồn tại, chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, có ai dám chắc rằng với tình trạng kinh doanh tự phát và lượng du khách đổ về ngày càng đông, hàng quán kinh doanh lộn xộn, lấn chiếm tràn lan và có chiều hướng tăng mạnh hơn nếu không có sự kiểm soát, sẽ không có vụ tai nạn nào xảy ra trong tương lai?

Thói quen kinh doanh tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, mưu sinh, sự buông lỏng quản lý trật tự đô thị của chính quyền địa phương từ lâu đã là "vấn nạn" và khiến bộ mặt của Thủ đô càng thêm nhếch nhác chứ không phải là một Thủ đô hiện đại, văn minh như mục tiêu mà chính quyền và người dân Hà Nội đang hướng tới.

pho_ca_phe_gidw

 Quang cảnh lộn xộn, bát nháo tại phố cà phê đường tàu cần phải được dẹp bỏ.

Có thể ai đó sẽ cho rằng, việc dẹp bỏ hoàn toàn "phố cà phê đường tàu" là chặt đứt sinh kế của nhiều người dân sinh sống tại khu vực này. Tuy nhiên với mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, ý thức "thượng tôn pháp luật" phải được đặt lên hàng đầu.

Hà Nội đâu thiếu những địa điểm du lịch mang đậm giá trị văn hóa truyền thống thu hút du khách quốc tế. Thêm nữa, Hà Nội cũng đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách, cho nên những hoạt động kinh doanh tự phát, vi phạm hành lang an toàn đường sắt càng phải nên dẹp bỏ. 

Theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 7/10, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các quận huyện có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn. Trên thực tế, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cũng chính thức ra quân giải tán các quán cà phê kinh doanh sát ngay đường tàu. Theo ghi nhận, một số quán cà phê đã đóng cửa, bị dẹp biển bảng cửa tên quán cũng như dọn dẹp bàn ghế, phần lấn chiếm ra hành lang đường tàu.

Hy vọng đợt ra quân này, Hà Nội sẽ làm triệt để chứ không phài làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa".

"Xóm cà phê đường tàu" hay "Phố cà phê đường tàu" là một đoạn đường sắt chạy dọc từ đường Điện Biên Phủ- Phùng Hưng. Đoạn đường chỉ dài vài trăm mét này trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây đã mọc lên hàng chục quán cà phê nằm sát ngay đường ray xe lửa, thu hút một lượng lớn du khách quốc tế cũng như giới trẻ Việt tò mò đến khám phá, chụp ảnh "sống ảo".

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự giao thông đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp, trong đó, có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt. Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. 

Hoàng Lâm/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn