Philippines kiện Trung Quốc những gì ở Biển Đông?

Thế giớiThứ Hai, 11/07/2016 11:20:00 +07:00

PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó viện trưởng Viện Biển Đông của Học viện Ngoại giao có bài viết phân tích rõ ràng về nội dung của vụ kiện của Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vụ kiện tại Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Để khởi kiện tại cơ chế này, về thủ tục, Philippines phải đáp ứng được các điều kiện: Chứng minh có tồn tại tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS giữa Philippines và Trung Quốc; Hai bên đã trao đổi quan điểm về giải quyết tranh chấp mà không đạt được kết quả và hai bên không chọn cơ chế giải quyết tranh chấp nào khác thay cho UNCLOS.

bien dong

Hình ảnh Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo trái phép các đảo ở Biển Đông

Trung Quốc cho rằng Philippines không được phép khởi kiện vì chưa hoàn thành các điều kiện này. Toà Trọng tài trong phán quyết về thẩm quyền khẳng định rằng Phlippines đã hoàn tất các điều kiện về thủ tục và công nhận quyền đơn phương khởi kiện của Philippines.

Nội dung

Về nội dung, để khởi kiện được ra Toà Trọng tài này, các tranh chấp mà Philippines khởi kiện phải là tranh chấp về giải thích và thực hiện UNCLOS và không thuộc các ngoại lệ mà Toà Trọng tài không có thẩm quyền.

Philippines đưa ra 15 đệ trình để khởi kiện Trung Quốc với bốn nhóm vấn đề chính như sau.

Thứ nhất là tính phi pháp của đường lưỡi bò. Tiếp theo là phân loại thực thể và xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm: Scarborough, Chữ Thập, Châu viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan (trong đó có Huy gơ) và Gaven. Theo đó, Philippines lập luận:

9 doan

Đường 9 đoạn vô căn cứ mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông

- Scarborough, Chữ Thập, Châu viên và Gạc Ma là các đảo đá, chỉ được hưởng vùng biển tối đa 12 hải lý.

- Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven là bãi nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền và chiếm đóng. Trong đó, Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines.

Thứ ba, các hành động của Trung Quốc đã vi phạm đặc quyền về nghề cá, dầu khí của Philippines trong vùng EEZ và vùng thềm lục địa; vi phạm quyền đánh cá truyền thống của Philippines trong lãnh hải của Scarborough; vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải và làm trầm trọng tranh chấp.

Và cuối cùng là Trung Quốc không được tái diễn các hành vi vi phạm và không được tuyên bố vùng EEZ và thềm lục địa từ các thực thể tại Trường Sa.

Trung Quốc cho rằng các vấn đề mà Philippines khởi kiện là tranh chấp chủ quyền và phân định biển, vì vậy, không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà Trọng tài.

Tại phán quyết về thẩm quyền toà bác lập luận của Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền và kết luận có thẩm quyền với 7/15 đệ trình của Philippines về các vấn đề: Thứ nhất, phân loại 9 thực thể. Xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại Scarborough; Vi phạm của Trung Quốc về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.

8/15 đệ trình còn lại về các vấn đề: Đường lưỡi bò; Xác định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines; Các vi phạm khác của Trung Quốc về nghề cá và dầu khí trong vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines và Trung Quốc không được làm trầm trọng hoá tranh chấp sẽ được tiếp tục xem xét và kết luận tại phán quyết về nội dung của vụ kiện.

Sau phiên tranh tụng về nội dung đã diễn ra vào tháng 11/2015, phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài có thể sẽ diễn ra theo hai kịch bản lớn.

Kịch bản thứ nhất là Philippines giành thắng lợi với toàn bộ yêu cầu. Kịch bản thứ hai là Philippines chỉ giành thắng lợi với các vấn đề về: Bác bỏ giá trị pháp lý của đường lưỡi bò; Phân loại 9 thực thể; Xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại Scarborough; Khẳng định Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.

Video nhóm tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông

Còn lại Philippines có thể không thành công trong việc thu hẹp các vùng biển có tranh chấp do Toà Trọng tài có thể coi một hoặc một số thực thể của Trường Sa có vùng EEZ và thềm lục địa.

Từ đó, phát sinh vấn đề phân định biển và Toà Trọng tài không có thẩm quyền để kết luận về liệu các bãi nửa nổi, nửa chìm là Vành Khăn và Cỏ Mây có thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines hay không và không kết luận được về các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Cho dù kịch bản nào diễn ra, vụ kiện chắc chắn sẽ có tác động với cục diện tại Biển Đông, tới các bên trong tranh chấp và Việt Nam.

Lan Anh
Bình luận
vtcnews.vn