Phí quản lý chung cư: Nhiều chủ đầu tư làm bậy

Kinh tếThứ Hai, 19/09/2011 07:22:00 +07:00

(VTC News) – Chưa có quy định về mức trần đối với phí quản lý chung cư nên chủ đầu tư áp phí cao, dân phẫn nộ.

(VTC News) – Chưa có quy định về mức trần đối với phí quản lý chung cư nên chủ đầu tư áp phí cao, dân phẫn nộ.

 Chung cư cao cấp The Manor. (Ảnh: Hà Thành)

Chiều 18/9/2011 tại chung cư Keangnam đã diễn ra cuộc họp giữa ban đại diện của các chung cư Keangnam Hà Nội Landmark Tower, The Manor, 93 Lò Đúc, Golden Westlake,  Sky City 88 Láng Hạ  để kêu gọi UBND TP Hà Nội quy định mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư.

Cuộc họp tập trung vào 2 vấn đề chính là phí quản lý và vấn đề sở hữu chung, riêng giữa cư dân và chủ đầu tư.

Bà Trương Thúy Mai (Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam) cho biết, ban đại diện các chung cư này sẽ ký vào đơn thư gửi UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục thuế TP Hà Nội về kiến nghị ban hành quy định mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư.

Phí quản lý “nóng” hầm hập

Bà Nhung Hạnh (Tổ trưởng tổ dân phố chung cư The Manor) cho biết: “Các cư dân của chung cư The Manor đã ở được 4 năm, hiện nay 100% dân cư đã đến ở, nhưng có những bất cập chưa giải quyết được. Trong hợp đồng đã ký nêu rõ, 4 tháng sau khi đến ở, cư dân sẽ có giấy chứng nhận sở hữu. Tuy nhiên, cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có”.

Theo lời bà Hạnh, vừa qua, Công ty TNHH SXKD XNK Bình Minh (BITEXCO) là chủ đầu tư chung cư The Manor thông báo thu tiền lệ phí trước bạ và lệ phí làm sổ đỏ. Tuy nhiên, khi tổ dân phố hỏi Sở Tài Nguyên – Môi Trường TP Hà Nội, thì được biết BITEXCO vẫn chưa có bất cứ động thái gì về vấn đề này. Phí dịch vụ từ năm 2007 đến nay vẫn chưa ngã ngũ, mặc dù hiện nay đã có tổ dân phố.

Được biết, theo luật quy định rằng, khi chung cư có 50% cư dân về ở, trong vòng 12 tháng có hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. “Ban quản trị là những người do dân bầu nên để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Nhưng đến nay đã 4 năm, cư dân The Manor không có ban quản trị. Chính vì thế công tác điều hành do ban quản lý thực hiện, trong khi đó ban quản lý là người của chủ đầu tư đặt ra”, bà Hạnh bức xúc nói thêm.

Trong cuộc họp chiều qua, bà Thúy (Trưởng ban đại diện cư dân chung cư 93 Lò Đúc) cho hay, chủ đầu tư là công ty TNHH khách sạn Kinh Đô vừa rồi có đưa thông báo đến các hộ dân, tăng phí quản lý lên gấp đôi và truy thu từ đầu năm.

Vấn đề nổi cộm thời gian qua được nhiều người quan tâm là chủ đầu tư tòa nhà 93 Lò Đúc đã cơi nới thêm tầng 27. Theo phản ánh của bà Thúy, tầng 27 theo luật là sở hữu chung của dân cư. Nhưng chủ đầu tư là công ty TNHH khách sạn Kinh Đô mặc nhiên xem đó là sở hữu riêng của mình.

Bà Nhung Hạnh đang nói lên những bức xúc của mình và cư dân The Manor. (Ảnh: Gia Bảo)

Qua lời của bà Thúy, PV VTC News được biết, từ khi cư dân về sinh sống từ năm 2007 thì chủ đầu tư đã thu giá 5.000 đồng/m3 nước sạch và sau đó tới tháng 7/2010 mức giá nước sạch lại tăng lên 6.000 đồng/m3.

Tuy nhiên, trước đó từ ngày 1/1/2010, nước sạch sử dụng cho các hộ gia đình trên địa bàn các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện: Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn được tính theo lũy tiến. Trong 16m3 đầu tiên được tính giá 4.000 đồng/m3; từ trên 16m3 đến 20m3 là 4.700 đồng; từ trên 20m3 đến 35m3 là 5.700 đồng; trên 35m3 là 9.400 đồng. Chung cư 93 Lò Đúc nằm trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng.

Bà Thúy cho hay: “Khi người dân mới về ở đưa thắc mắc vì sao giá nước sạch lại thu tới 5.000 đồng/m3, thì chủ đầu tư là công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô trả lời rằng, mới sử dụng tòa nhà, nên chưa tách được khối văn phòng đã thuê từ tầng 4 trở xuống. Vì vậy, cư dân tạm thời nộp như thế, còn khi tách được, chủ đầu tư sẽ trả lại tiền. Nhưng, họ lại làm ngược lại và thậm chí còn tăng thêm giá tiền nước”.

Ngoài ra, mức phí gửi xe ở chung cư 93 Lò Đúc cũng trái với quy định. Cụ thể, người dân đang chịu mức phí gửi xe là 100.000 đồng/xe máy/tháng, còn ô tô 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá mà UBND TP Hà Nội quy định là 45.000 đồng/tháng/xe máy và 800.000 đồng/tháng/ô tô”.

Nhưng, điều bức xúc hơn nữa là, gần cuối năm ngoái công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô hứa sẽ trả lại cho các cư dân số tiền 12,5 triệu đồng/hộ đã được thu để lắp hệ thống gas, vì tòa nhà 93 Lò Đúc không đủ tiêu chuẩn để lắp đặt hệ thống gas. Đến nay, người dân phải gọi gas và phải trả thêm chi phí cho nhân viên mang đến. Chủ đầu tư đã hứa trả số tiền đã thu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn trả cho cư dân.

Còn câu chuyện ở chung cư Keangnam cũng khiến cư dân bức xúc không kém. Bà Trương Thúy Mai (Thành viên ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam) cho hay: Cư dân Keangnam tha thiết được thành lập tổ dân phố chính thức. Ban đại diện lâm thời đã gửi đơn lên UBND huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, huyện lại chỉ xuống xã, xã chỉ lên huyện, cứ vòng quanh nên vẫn chưa thể thành lập được tổ dân phố. Vì chưa có tổ dân phố, nên cư dân chưa thể đấu tranh quyền lợi của cư dân với chủ đầu tư”. 

Về mức phí quản lý, trước đây chủ đầu tư áp mức phí quản lý là 0,99 USD/m2/tháng. Tuy nhiên, cư dân phản đối, lý do không chấp nhận mức giá trên, bà Mai giải thích: “Mức giá trên niêm yết bằng USD là vi phạm pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, mức phí đó là quá cao, nên mỗi căn hộ phải tốn tới vài triệu đồng mỗi tháng phí quản lý, chưa kể đến phí điện, nước, phí trông xe…”.

Tiếp đó, chủ đầu tư Keangnam Vina đã đồng ý chuyển sang mức giá theo tiền đồng với mức phí cụ thể là 18.600 đồng/m2/tháng. Song, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đề nghị, nếu phí dịch vụ và chất lượng dịch vụ cũng ngang bằng Golden Westlake, thì cư dân sẽ chấp nhận. Tuy nhiên chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu đó, nên ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam không chấp nhận mức phí mà Keangnam Vina đưa ra.

Ban đại diện các chung cư có mặt trong cuộc họp. (Ảnh Gia Bảo)

Theo lời bà Mai, có những chi phí toàn tòa nhà rất vô lý, trong đó phải kể đến là thuê máy photocopy 6 triệu đồng/tháng, chi phí mua hóa chất để diệt côn trùng lên đến 40 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi mong mỏi các cấp chính quyền cụ thể là UBND TP Hà Nội quan tâm đưa ra mức phí trần quản lý nhà chung cư. Kể cả có những chung cư mà năm nay cư dân đã  thỏa thuận được phí quản lý với chủ đầu tư, nhưng nếu không có mức phí trần thì năm sau lại phải đối mặt với việc chủ đầu tư tăng phí. Lúc đó, cư dân lại phải tiếp tục đấu tranh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc”, bà Thúy Mai bày tỏ lo lắng.

Sở hữu chung, riêng “sốt” xình xịch

Trong cuộc họp chiều qua, ông Tô Hồng Sơn (Đại diện cư dân cư dân tòa nhà Golden Westlake) cho rằng: “Suốt 2-3 năm nay, hàng loạt những chung cư mọc lên, nhưng chuyện tranh cãi giữa chủ đầu tư và các cư dân lại chỉ xảy ra ở những chung cư được mang tiếng cao cấp”.

Ông Sơn giải thích, ở những khu chung cư được mang tiếng cao cấp, các chủ đầu tư nghĩ rằng cao cấp là nơi người giàu sinh sống, nên họ vô tư thu các phí quản lý, dịch vụ với mức cao. Vì không có trần phí quản lý, nên tranh cãi xảy ra. Vì vậy, việc UBND TP Hà Nội đưa mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư là cơ sở pháp lý để các chủ đầu tư tuân theo. Lúc có giá trần phí quản lý thì sẽ không có việc tranh cãi, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.

Theo lời ông Sơn, nhà nước đã quy định rõ không được niêm yết phí quản lý bằng USD, nhưng các chủ đầu tư nước ngoài ngang nhiên áp giá bằng USD, vì vậy cần có biện pháp xử lý những vi phạm đó. Ngoài ra, các chủ đầu tư phải xác định được sở hữu chung và sở hữu riêng, đồng thời nhà nước phải quy định rõ ràng ngay từ đầu là địa điểm sảnh lễ tân, chỗ để xe thuộc quyền sở hữu của cư dân.

Ông Sơn cho rằng cần có giá trần đối với phí quản lý để chủ đầu tư tuân theo. (Ảnh Gia Bảo)

Cũng bức xúc về chuyện sở hữu chung, riêng, bà Nhung Hạnh cho biết, tầng hầm tại hầu hết các tòa nhà chung cư hiện nay đều bị biến thành nơi kinh doanh, dù theo luật đó là khu vực thuộc sở hữu chung. Chủ đầu tư lấy cớ, tiền tầng hầm không nằm trong tiền căn hộ. Đây là vấn đề bất cập.

Bà Hạnh bức xúc: “Có chủ đầu tư nào tự bỏ tiền xây tầng hầm, rồi thu lại bằng tiền gửi ô tô?. Khi mua căn hộ, chúng ta hiểu đó là nơi để xe, là cửa ngõ của tòa nhà, là kết cấu là Internet, nước, điện... Còn chủ đầu tư cứ nhận là của chủ đầu tư khiến cư dân thấy rất bức xúc. Dù khi đi mua nhà họ đã hứa hẹn đủ thứ với người mua, nhưng rồi lời nói gió bay”.

Bà Thúy (Đại diện cư dân 93 Lò Đúc) nói thêm: “UBND TP Hà Nội nếu không đưa ra được trần phí quản lý nhà chung cư, năm nay có thể có chung cư đã giải quyết được yêu cầu thu phí quản lý hợp lý, nhưng những năm tới liệu có ai dám chắc chủ đầu tư không tăng phí quản lý. Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế hiện nay, các tòa nhà chung cư liên tiếp  mọc lên, nên nếu vấn đề này không được giải quyết, thì nó sẽ là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của các cư dân”.

Gia Bảo

Bình luận
vtcnews.vn