Phí dịch vụ logistic tại Việt Nam cao gấp hai lần các nước phát triển

Đầu TưThứ Năm, 26/11/2020 14:45:38 +07:00
(VTC News) -

Chi phí dịch vụ logistic tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao gấp gần hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Logistics 2020 sáng 26/11.

Cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chi phí dịch vụ logistic tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực Asean như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore.

Phí dịch vụ logistic tại Việt Nam cao gấp hai lần các nước phát triển - 1

Diễn giả tranh luận tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020.

Trong đó, chi phí vận tải tương đương 30-40% giá thành sản phẩm. Theo người đứng đầu VCCI, tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngành logistics chịu tác động lớn từ dịch COVID-19.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chi phí logistics cao tập trung vào các nguyên nhân: cơ hở hạ tầng còn điểm nghẽn, sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn khá lỏng lẻo và gánh nặng thủ tục hành chính. “Đáng chú ý, chi phí không chính thức trong khâu thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến đã góp phần khiến chi phí logistics tăng lên”, ông Lộc nói.

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Tuấn Anh nhận định, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi.

Tuy vậy, những thách thức đặt ra cũng rất lớn, khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đối thủ gay gắt hơn. Dẫn chứng là EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Hiện nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa theo WTO còn rất hạn chế. Do đó với các hiệp định tự do, các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam dự báo sẽ còn lớn hơn nữa.

Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.

"Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn