Phạt xe không chính chủ, thế nào cho thực tế?

XeThứ Tư, 06/03/2013 06:14:00 +07:00

(VTC News) – Xe chính chủ phạt thế nào, phạt bao nhiêu và làm thế nào để không bị phạt là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi Bộ GTVT “quyết phạt” từ 1/7 tới.

(VTC News) – Xe chính chủ phạt thế nào, phạt bao nhiêu và làm thế nào để không bị phạt là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi Bộ GTVT vẫn “quyết phạt” từ ngày 1/7 tới.

Sau khi tạm hoãn do còn nhiều điều bất cập, quy định phạt xe chính chủ lại thành chủ đề nóng của dư luận khi Bộ GTVT đưa Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính (lần 2) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ra lấy ý kiến trước khi trình lên Chính phủ.

Xe chính chủ, đề tài còn nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh Thuận Thắng/Tuổi trẻ 
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất mức phạt đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô là 100.000- 200.000 đồng. Đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 200.000- 400.000 đồng. Mức phạt đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô là 2- 4 triệu đồng; đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 4- 8 triệu đồng.

Mức phạt 100.000- 8.000.000 đồng trên cũng được áp dụng cho những phương tiện cơ giới không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.


So với dự thảo lần 1, mức phạt của dự thảo lần 2 có sự điều chỉnh giảm với những người sử dụng xe máy. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế từ ngày 1/7 tới tiếp tục là đề tài gây tranh cãi khi mà các quy định liên quan như thủ tục sang tên, dự định giảm phí trước bạ với xe đã qua sử dụng chưa có sự điều chỉnh hợp lý.


Trả lời báo giới,  ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam nhận định, "thời điểm 1/7 bắt đầu phạt xe không chính chủ là phi thực tế, ép dân vì các quy định hiện nay về sang tên, đổi chủ, trước bạ chưa được chỉnh sửa".


Ông Hùng cho rằng việc xử phạt người đi xe không chính chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ là rất cần thiết, nhưng không nên đưa vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.


Người đứng đầu Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc xử phạt tại thời điểm “hàng triệu ôtô, xe máy trên cả nước chưa thể hoàn tất việc sang tên đổi chủ và nộp phí bảo trì đường bộ” sẽ gây phản ứng trong nhân dân.


Không chỉ ông Hùng mà nhiều chuyên gia đều nhận định việc xử phạt xe chính chủ là cần thiết nhưng chưa thể được áp dụng ngay t 1/7.


Còn trên các trang mạng xã hội hay diễn đàn, phần lớn các cư dân mạng đều tỏ ra lo ngại thậm chí bức xúc về khả năng áp dụng quy định này trong 4 tháng tới.

Rất nhiều câu hỏi về các trường hợp sang tên đổi chủ cụ thể được đặt ra mà chưa có lời giải đáp bởi thực tế, việc sang tên đổi chủ hàng triệu phương tiện trong cả nước trong rất nhiều trường hợp như chủ cũ chết, ra nước ngoài... rất phức tạp và khó thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành chưa tiến hành thu phí đường bộ với xe máy nên việc xử phạt được nhiều người đánh giá là không thực tế.


Khánh Hòa
Bình luận
vtcnews.vn