Phạt tiền người đi đò không mặc áo phao

Thời sựThứ Tư, 28/08/2013 08:00:00 +07:00

Giống như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, người đi đò ngang tới đây sẽ bị phạt tiền nếu không mặc áo phao.

Giống như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, người đi đò ngang tới đây sẽ bị phạt tiền nếu không mặc áo phao.

Tuy nhiên, quy định này nhiều khả năng sẽ không dễ thực hiện giống như việc xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm.

Không áo phao, nộp phạt 200.000 đồng


Theo đó, lần đầu tiên, người tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông (gọi tắt là đò ngang) không mặc áo phao, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh bị phạt 100-200 nghìn đồng (Nghị định 93 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, có hiệu lực từ 15/10 tới đây).

phạt tiền, áo phao, người đi đò, xử phạt, vi phạm
Từ 15/10, người đi trên đò ngang không mặc áo phao sẽ bị phạt đến 200.000 đồng. Ảnh: TPO. 

Ông Trần Sỹ Duy - Trưởng phòng Pháp chế Vận tải và An toàn Giao thông (Cục Đường thủy Nội địa) - tham gia soạn thảo thông tư này cho biết: Từ năm 2005, Bộ GTVT triển khai rầm rộ cuộc vận động người đi đò mặc áo phao, nhưng không tránh khỏi hiện tượng “xôi đỗ”. Sau các vụ chìm đò, đặc biệt tai nạn thương tâm khiến 42 người dân ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) thiệt mạng (vào đúng chiều 30 Tết năm 2009), năm 2012, Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định bắt buộc hành khách đi trên đò ngang phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi. Tuy nhiên, thông tư này chưa quy định xử phạt với hành khách.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Đường thủy Nội địa cho rằng, nếu chỉ xử phạt chủ đò là chưa đủ: “Dù có áo phao, dụng cụ nổi, nhưng hành khách không chịu mặc. Xử phạt hành khách là để bảo vệ tính mạng cho chính họ”.

Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT Đường thủy nói: “Trong trường hợp đò được phép chở 12 người, nếu hành khách trong phạm vi (dưới 12 người) lên đò mà không có áo phao để mặc sẽ phạt chủ đò. Trường hợp hành khách thứ 13 lên đò, không mặc áo phao, nhưng chủ đò không ngăn cản sẽ phạt chủ đò, người đi đò không bị phạt. Khi chở quá số người, chủ đò đã hướng dẫn, nhưng hành khách lên đò không mang áo phao sẽ bị phạt”.

Không đủ lực lượng xử phạt


Dù chưa phạt tiền, nhưng quy định buộc mặc áo phao có từ hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong đi khảo sát tại nhiều bến đò ngang trên sông Hồng (Hà Nội) và một số tỉnh phụ cận như Thái Bình, Nam Định..., gần như cả chủ đò và hành khách không màng tới áo phao (treo để đối phó với cơ quan chức năng). Thậm chí, có nhiều đò không có áo phao.

Tại làng chài Vung Viêng (Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh - cũng thuộc phạm vi của đường thủy nội địa) lại có hiện tượng trái: Khách du lịch đồng loạt mặc áo phao, riêng chủ đò không mặc. Thuyền bán bánh kẹo, nước ngọt lênh đênh trên vịnh Hạ Long không một chiếc phao; trẻ nhỏ 1 đến 2 tuổi bò lổm ngổm trên thuyền, sát mặt nước.

Theo ông Duy, tới đây sẽ đẩy mạnh việc thay áo phao bằng dụng cụ nổi cầm tay (các tấm xốp được ghép lại, đủ để làm nổi người có trọng lượng đến 70 kg) hoặc cặp nổi (vừa để đựng sách vở vừa trở thành phao cứu sinh cho học sinh lớp 1 đến lớp 5). Việc này sẽ tránh được hiện tượng mùa hè mặc áo phao thì nóng, mùa đông mặc lại vướng áo ấm.

Khó khăn của chương trình xử phạt “mũ bảo hiểm” qua sông này chính là tuần tra, xử lý. Toàn quốc có khoảng 2.000 bến đò ngang, trải dài suốt 42.000 km đường sông (chỉ tính tại các đoạn đường sông có khả năng khai thác vận tải thủy; nếu tính đầy đủ, cả nước có đến 220.000 km sông kênh). Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát chuyên nghiệp (gồm 2 lực lượng thanh tra đường thủy nội địa và CSGT đường thủy) chỉ mới triển khai tại 20.000 km, còn lại coi như vùng “trắng”. Đó là chưa kể các bến đò tại các khu vực sông, kênh rạch nhỏ chưa được thống kê.

Tại những vùng “trắng” này, trách nhiệm thuộc về địa phương, chủ yếu là chính quyền xã. Tuy một số địa phương quản lý tốt, nhưng vẫn còn tình trạng xã thu tiền rồi khoán trắng cho chủ đò. Ông Trần Văn Cừu cho rằng, việc kiểm soát an toàn giao thông đường thủy, trong đó có mặc áo phao muốn thành công phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền xã. Còn theo trung tá Nguyễn Quang Nhật, để địa phương vào cuộc, tới đây, Bộ Công an, Bộ GTVT cần sớm ban hành thông tư liên tịch để các lực lượng này được phép xử lý.

: Nhường sự sống cho người khác


Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn