Phạt khoảng 100 tỷ đồng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Sức khỏeThứ Tư, 16/11/2016 11:17:00 +07:00

Theo báo cáo mới nhất của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trong quá trình kiểm tra có đến 20% cơ sở chế biến thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bị cơ quan chức năng xử phạt khoảng 100 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%. Số tiền phạt đối với những cơ sở này khoảng 100 tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong lĩnh vực ATTP có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, mức phạt đã tăng lên rất nhiều, tương xứng với từng hành vi và số lượng hàng hóa vi phạm (mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm), thậm chí nếu mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm còn có thể phạt tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm.

xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-ve-an-toan-thuc-pham

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm một phần xuất phát từ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Cả nước có gần 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

Ngoài ra, việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý. Các sản phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ lớn dẫn đến hệ lụy thực phẩm bị ảnh hưởng rất lớn.

Cùng với đó, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không bảo đảm. Kèm theo tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp.

Cũng theo báo cáo, để cải thiện tình tình trạng này cần có những biện pháp kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở để ngăn ngừa và răn đe.

Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới. Tiếp tục triển khai các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liện an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

an_toan_thuc_pham_18.11.2015

 Cục Ân toàn thực phẩm tăng cường giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Ảnh minh họa

Cũng theo báo cáo, Cục ATTP sẽ kiến nghị với Quốc hội việc tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, VSATTP, đặc biệt là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.

Kiến nghị với Chính phủ để bố trí ngân sách đủ đảm bảo theo kế hoạch của Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kiểm nghiệm ATTP đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục cho mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các tỉnh ở tuyến quận/huyện, xã/phường.

Ngoài ra, với các bộ ban ngành, cần phải phối hợp chặt chẽ để nâng cao ý thức cũng như chấm dứt tình trạng mất vệ sinh ATTP. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý sử dụng trong chăn nuôi. Còn với Bộ Công Thương, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới và hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Với Bộ Thông tin và Truyền thông, cần chỉ đạo hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình các cấp từ Trung ương đến cấp xã/phường dành thời lượng thích đáng, thời gian phát sóng phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về các hoạt động bảo đảm ATTP, cần lưu ý bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém, bấp cập cần dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền, biểu dương những đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP.

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp cần thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo quy định tại Điều 65 của Luật ATTP. Chủ động bố trí thêm nguồn kinh phí của địa phương cho công tác ATTP bên cạnh kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP (rất nhiều tỉnh hầu như không hỗ trợ thêm). 

Ngoài ra, địa phương cũng cần thực hiện đầy đủ Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị quyết số 47/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2014, trong đó có yêu cầu tăng cường năng lực cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

      Lý giải hiện tượng nhiều sản phụ tử vong do thuyên tắc mạch ối

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn