Phát hoảng với thịt hổ có mùi... thuốc tây

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 16/02/2010 09:39:00 +07:00

Những mẩu chuyện TS Vũ Thế Long kể như bài học cảnh giác cho những kẻ thừa tiền, muốn bồi bổ bằng đủ mọi thứ lạ lùng trên đời như thịt hổ, cao hổ cốt…

Là chuyên gia khảo cổ, TS Vũ Thế Long đã có rất nhiều kỷ niệm với loài hổ, trong đó có cả những lần ông được chứng kiến hoặc được “mời xơi” cả… thịt ông Ba Mươi. Những mẩu chuyện ông kể như bài học cảnh giác cho những kẻ thừa tiền, muốn bồi bổ bằng đủ mọi thứ lạ lùng trên đời.

Từng chứng kiến cảnh chở hổ chết về hàng đặc sản

Hơn 50 năm trước, tôi là học trò Trường Quang Trung, Hà Nội. Trên đường về, ngay góc đường Lê Văn Hưu - Ngô Thì Nhậm có một cửa hàng thịt thú rừng mới mọc ra. Họ quây vỉa hè làm thành quán nhậu. Quán thịt rừng này có vẻ bình dân nhưng tôi tò mò nhất là họ kê cái tủ bầy la liệt những bào thai thú rừng. Nào là bào thai hươu nai, dạ dày nhím và cả một bình ngâm bao tử hổ. Chẳng biết có đúng là hổ hay không nhưng trong cái bình ấy, có con vật lông lá trông tựa con mèo con nhưng họ viết nguệch ngoạc vào một mẩu giấy mấy dòng chữ mực tím “Hổ bao tử” để cạnh một bình khác có ghi “Pín hổ”. Chẳng biết họ làm trò để câu khách theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” hay đúng là hổ thật cũng nên. Tôi chỉ mong có một ngày nào đó họ làm thịt hổ để xem cho thỏa chí tò mò.

Những người thừa tiền, dư của thích hưởng thụ các món ngon vật lạ, trong đó có cả thịt hổ. 

Thế rồi cái ngày ấy cũng đến. Chiều hôm đó, đang ngồi học bài trong nhà, đứa em gái tôi hớt hải ngoài phố chạy về báo tin giật gân: “Anh ơi, ngoài phố có người chở hổ rao bán”. Tôi mắng “Vớ vẩn, mày nghe ở đâu ra. Chuyện bịp, Hà Nội bói đâu ra hổ”.

Nói vậy nhưng tôi vẫn quẳng sách vở cùng em gái theo lũ trẻ lao ra cuối phố. Đến đầu Hòa Mã thì có đám người đang xúm đen, xúm đỏ quanh một chiếc xe bò. Tôi chạy bổ đến xem thì quả là hổ thật. Một con hổ to như con bò nằm chềnh ềnh trên thùng chiếc xe bò bánh gỗ, Con hổ chết lè lưỡi dãi dớt chảy ra lầy nhầy, chiếc đuôi dài thõng xuống lê trên mặt đường. Con vật bốc mùi hôi lờm lợm. Ba bốn người chở hổ, người cầm càng, kẻ đẩy xe và luôn tay đuổi lũ trẻ để đi nhanh đến quán thịt rừng Lê Văn Hưu. Chúng tôi cùng lũ trẻ vừa đẩy xe vừa la hò khoái trá, mong đến nhanh quán thịt rừng để xem người ta “tùng xẻo” con hổ già này ra sao.

Xe tới nơi, lão chủ quán râu rậm mặt đỏ chạy ra đón và sai mấy tay phu xe lực lưỡng khiêng hổ vào nhà rồi đóng sầm cửa lại. Chúng tôi tiu ngỉu đứng ngoài chờ cả tiếng mà không thấy cửa mở. Chẳng biết họ lột da phanh thây và nấu cao con hổ này ra sao. Chờ mãi không có động tĩnh gì, đành thất vọng bỏ về. Hôm sau đi học qua, thấy cửa hàng trưng một tấm biển to tướng “ Hôm nay có thịt hổ”. Lũ học trò chúng tôi đi qua chỉ thấy mùi hành mùi tỏi phi thơm điếc mũi.

Đến gùi thịt hổ ôi thiu của dân bản

Lớn lên, mê sinh vật học, tôi vào học khoa Sinh ngành động vật của Trường Đại học Tổng hợp. Theo thầy đi thực tập, đi săn, tôi cũng được ăn một vài thứ thú rừng, trong đó, có thịt nai, thịt hoẵng và tình cờ có lần được ăn cả thịt voi nhưng cũng chưa bao giờ được thấy hổ.

Ra trường, làm nghề nghiên cứu cổ sinh vật, lặn lội suốt rừng sâu núi thẳm mấy chục năm trời rồi cũng có lần sự kiện mà tôi mong đợi ấy cũng xảy ra.

Đêm ấy, sau một ngày đào đục trong hang sâu Thẩm Òm Quỳ Châu (Nghệ An), để tìm các hóa thạch cổ hàng chục vạn năm, chúng tôi đã tìm ra răng người cổ hóa thạch, voi răng kiếm, gấu tre hóa thạch và cả một vài răng hổ. Cả nhóm quây quần bên bếp lửa bập bùng trong đêm lạnh. Bỗng anh bạn người Thái Đen trong kíp đào hang chạy vào báo tin: Ở bản bên, cách hơn chục cây số người ta săn được hổ. Ai muốn xem thì sang ngay nhé.

Tôi quyết định phải đi xem cho bằng được. Cùng anh bạn dân công đốt đuốc luồn rừng mấy tiếng sau tôi đã tới một ngôi nhà sàn hẻo lánh. Thấy bóng người, chó sủa ran. Chúng tôi leo thang lên sàn. Một mùi hôi khó chịu xộc vào mũi, cả đám người đang xúm quanh mấy gùi thịt hổ trong ánh lửa bập bùng của mấy cây đuốc. Con hổ đã được lột da còn trơ lại cái sọ và những khúc xương nằm trong mấy chiếc gùi. Người ta bảo con này bị mắc bẫy lao xuyên qua thân, chết đã mấy hôm, nay mọi người mới biết và xẻ thịt gùi về. Tôi lấy thước đo đạc vài chỉ số xuơng răng vì dù sao đây cũng là cơ hội hiếm hoi được “tiếp cận” với một “tiêu bản hổ” vẫn còn sặc mùi…ôi thiu. Khi ra về tôi còn được “địu” theo một cân thịt hổ.

Những vị khách bữa tiệc hôm ấy đã phải sợ đến già. 

Anh em trong đoàn thức quá nửa đêm chờ chúng tôi về. Tôi mở gói lá trình cho cả nhóm xem miếng thịt hổ trăng trắng có mùi gây gây. Có anh nhìn thấy ghê ghê bịt mũi. Có anh háo hức chờ ăn thử xem sao. Tôi hỏi bác chủ nhà: thịt hổ nấu ra sao? Ông già lắc đầu: “Già đâu có biết. Người Thái dòng họ Lường mình có tổ tiên là hổ nên không bao giờ ăn thịt “khái” cả”. Loay hoay mãi không biết nấu thế nào. Tôi quyết định cứ nấu như thịt bò xem sao.Thái thịt hổ, bắc chảo lên phi hành tỏi rồi bỏ vào xào cho chín. Những miếng thịt hổ trăng trắng xèo xèo trong mỡ săn lại. Cũng không thấy mùi gì đặc biệt. Chắc hành tỏi phi nó át mất mọi mùi vị rồi.

Thịt nấu xong đổ ra đĩa, trừ mấy tay sợ không dám ăn, lũ chúng tôi làm một vài miếng để tự ghi cho mình một “kỉ lục”. Tôi cũng từ từ nhâm nhi và cố tìm xem thịt hổ nó ra sao, nhưng quả thật nó cũng gần như vị thịt thăn lợn nhưng bở hơn. Có lẽ vì con hổ đã chết ba bốn hôm rồi. May mà trên rừng lạnh nếu không thịt đã thối thì đố ai dám ăn.

Hám ăn thì phải chịu

Tưởng rằng chỉ có một lần trong đời ăn thịt hổ đã là đủ, nào ngờ có lần anh bạn tôi lại gọi đến giúp một chân một tay. Thì ra con hổ ở một vườn thú chẳng may qua đời sau bao tháng các thầy thuốc thú ý tận tình cứu chữa mà không khỏi. Hội đồng Khoa học quyết định giữ bộ xương và da, dựng lên làm khung xương và thú nhồi để phục vụ cho tham quan học tập.

Đĩa thịt hổ đầy mùi... thuốc Tây. 

Thế là chúng tôi được mời “xử lý” phần thịt hổ vì chẳng lẽ đem chôn. Người ta chia cho mỗi người 5 lạng. Tôi đem số thịt được chia đến chỗ nhà hàng quen nhờ nấu. Cũng chẳng ai biết nấu ra sao nhưng họ cứ tự sáng tác ra bài bản kiểu bò xào ớt xanh.

Tôi gọi điện mời bè bạn và anh em có chân trong Câu lạc bộ Văn hóa ẩm thực đến để chứng kiến, cốt để cho mọi người hết “tò mò” về thịt hổ. Ăn xong, tôi hỏi thịt hổ thế nào. Mỗi người nói một phách, rốt cuộc đều ăn cả nhưng cũng chẳng biết vị nó ra sao. Bỗng có anh đứng dậy phát biểu thật thà “Tớ cảm thấy có mùi thuốc tây!”. Cả lũ phát hoảng. Thì khi ăn chẳng ai nghĩ ông Ba mươi này đã được bác sỹ phục thuốc cho cả tháng nay. Hẳn là thịt ngài vẫn còn tích thuốc. Trót ăn rồi biết làm sao bây giờ?

Ôi khốn khổ cho những kẻ hám của lạ! Hám ăn thì phải chịu thôi!
               
Những câu chuyện tôi kể trên đây như những bài học mà tôi “bất đắc dĩ” phải trải nghiệm. Tôi hy vọng rằng, những người đang tìm đủ mọi cách, thậm chí bằng cả những cách trái pháp luật để “bồi bổ” cơ thể mình bằng những thứ tưởng rằng quý giá như thịt hổ, cao hổ cốt… hãy tỉnh ngộ. Những thứ đó, chưa nói đến các quy định bảo vệ động vật hoang dã, mà đứng về giá trị ẩm thực, hoặc chữa bệnh cũng chỉ là những đồn thổi được phóng đại quá đáng. Vì vậy, đừng vì tò mò (muốn thưởng thức thịt hổ) hoặc thiếu hiểu biết (về giá trị của thịt hổ, cao hổ) mà phí tiền vô ích tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật.

(Theo TTVH)
Bình luận
vtcnews.vn