Phát hiện tín hiệu lặp lại bí ẩn vụ nổ vô tuyến nhanh

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 19/06/2020 08:48:41 +07:00
(VTC News) -

Các nhà thiên văn học vừa tiết lộ phát hiện mới nhất về các vụ nổ vô tuyến nhanh bí ẩn (FRB) từ dải thiên hà xa xôi khi các tín hiệu tiếp tục lặp lại sau 16 ngày.

Nhóm các nhà thiên văn học kết hợp với Phòng thí nghiệm bản đồ cường độ hydro (CHIME) của Canada công bố thông tin này hôm 17/6  trên tạp chí Nature. Theo đó, nghiên cứu phân tích chi tiết các tín hiệu đến từ vụ nổ vô tuyến nhanh bí ẩn FRB 180916. J0158 + 65, được nhóm nghiên cứu cho là một nguồn không xác định nằm trong dải thiên hà, cách Trái đất khoảng 500 triệu năm ánh sáng.

Sử dụng kính viễn vọng vô tuyến CHIME ở khu vực Okanagan Falls (Canada), các nhà thiên văn học xác định rằng, các FRB sẽ phát nổ trong khoảng thời gian 5 ngày, với phần lớn các vụ nổ kéo dài trong 14 giờ. Các tín hiệu về vụ nổ sau đó sẽ biến mất  trong khoảng 11 ngày trước khi khởi động trở lại.

Phát hiện tín hiệu lặp lại bí ẩn vụ nổ vô tuyến nhanh - 1

Nhóm khoa học công bố phát hiện mới về vụ nổ vô tuyến nhanh từ vũ trụ. (Ảnh minh họa)

Trong hơn 500 ngày quan sát, sau khi kiểm tra tổng cộng 38 vụ nổ, nhóm nhà nghiên cứu chỉ phát hiện ra mô hình FRB.

Kiyoshi Masui, thành viên của dự án hợp tác CHIME và trợ lý giáo sư vật lý tại Viện Công nghệ Vật lý học Massachusetts (MIT) nói rằng mô hình vụ nổ vô tuyến nhanh bí ẩn này hoạt động giống cơ chế của chiếc đồng hồ.

Đây là mô hình rõ ràng nhất mà chúng ta thấy được từ một trong những nguồn trong vũ trụ”, ông Kiyoshi Masui nói. “Và đó là manh mối lớn mà chúng ta có thể sử dụng để bắt đầu săn lùng hiện tượng vật lý của những gì gây ra từ vụ nổ bí ẩn này, điều mà trước đó chưa ai thực sự hiểu được".

Những vụ nổ FRB  định kỳ này là điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây và nó là một hiện tượng mới trong vật lý thiên văn”, Masui cho biết thêm.

Các vụ nổ vô tuyến nhanh bí ẩn (FRB) là nhóm các xung sóng vô tuyến cực mạnh, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2007 và vẫn là một bí ẩn về nguồn gốc đối với các nhà khoa học. Hiện nhóm nhà nghiên cứu suy đoán rằng, chúng là kết quả của các tia lửa sao hoặc sản phẩm của các vụ va chạm sao neutron.

Năm 2016, những bí ẩn đằng sau FRB đã khơi dậy sự tò mò của giới nghiên cứu khoa học khi các nhà thiên văn học phát hiện ra những vụ nổ lặp lại đầu tiên được tìm thấy ở một thiên hà lùn nằm cách Trái đất khoảng 3 tỷ năm ánh sáng.

Trước năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện thêm các vụ FRB, tuy nhiên, chúng thường là tín hiệu một lần, không lặp lại.

Trong một tuyên bố liên quan đến những phát hiện mới, Dongzi Li, thành viên nhóm nghiên cứu nói với Space.com rằng, tính tuần hoàn trên quy mô thời gian hàng tuần rất hiếm khi được dự đoán trong các lý thuyết nghiên cứu được nêu ra trước đây.

Quy mô thời gian của những vụ nổ này là rất đáng ngạc nhiên”, ông Dongzi Li lưu ý.

Mặc dù nguồn gốc của các tín hiệu FRB vẫn chưa được làm rõ, song nhóm nghiên cứu cho rằng các vụ nổ trên có thể đến từ một ngôi sao neutron duy nhất, hoặc từ ngôi sao neutron quay quanh một ngôi sao neutron khác hoặc từ lỗ đen vũ trụ. Kịch bản thứ 3, được nhóm nghiên cứu đưa ra là khả năng có một nguồn phát vô tuyến bao quanh một ngôi sao khác.

Phong Vũ(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn