Phát hiện thú vị: Rừng Đại tướng ở Bắc Kạn

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 17/02/2013 11:25:00 +07:00

(VTC News) – Chúng đến bản lùng sục thì đồng chí Văn ra khỏi nhà, ẩn nấp ở khu núi đá lắm ngóc ngách.

(VTC News) – Rừng Đại tướng ở bản Nhọt (xã Gia Phù, Phù Yên, Sơn La), đã rất nổi tiếng và được sách, báo viết nhiều, nhưng ít người biết ở Bắc Kạn cũng có một khu rừng có tên như thế.

Khu rừng này thuộc thôn Lủng Cháng (xã Hà Hiệu, Ba Bể, Bắc Kạn). Trong phong trào Nam tiến, nhờ được giác ngộ, cả thôn Lủng Cháng đã theo Việt Minh.

Khoảng thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi đó là cán bộ Thượng cấp Mặt trận Việt Minh, đã hoạt động ở đây, được các cán bộ địa bàn bố trí lưu trú tại nhà ông Bàn Văn Hoan, là cơ sở đáng tin cậy. Địa điểm nhà ở là nơi hẻo lánh, gần rừng núi đá, hang hốc hiểm trở…

Ông Bàn Văn Hoan tên thật là Bàn Văn Xuân, người Dao Tiền, sinh năm 1910 (có tài liệu ghi là sinh 1909) ở thôn Lủng Cháng. Lúc tham gia cách mạng lấy bí danh là Công Trình, sau lại lấy bí danh là Bàn Văn Hoan.

Ông là người xã Hà Hiệu đầu tiên được kết nạp vào Đảng. Ông bị giặc bắt và bị Pháp xử bắn vào ngày 16-5-1944 cùng các ông Phan Văn Long, Nông Văn Bọc (ông Bọc là anh ruột của nhà thơ Nông Quốc Chấn và nhà văn Nông Viết Toại).

Tác giả ở khu Rừng Đại tướng 
Địa điểm xử bắn tại Km 7, đường Bắc Kạn - Chợ Đồn, thuộc địa phận xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông hiện nay.

Sau ngày xử bắn ông Hoan, giặc Pháp bắt mẹ và vợ con ông cùng gia đình em ruột là ông Bàn Văn Cao đi quản thúc ở khu Pá Danh (xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn). Khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945 họ mới được thả về.

Hài cốt ông Bàn Văn Hoan đã được em ruột là Bàn Văn Cao đưa về táng tại Lủng Cháng. Ông đã được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ. Ở thị xã Bắc Kạn hiện nay có một con đường mang tên người anh hùng này.

Theo lời kể của ông Bàn Văn Cao, đồng chí Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong thời gian hoạt động ở Lủng Cháng, thường xuyên ở nhà ông Hoan. Đại tướng đã nhận mẹ ông Hoan là mẹ nuôi, ông Hoan, ông Cao là em nuôi, có làm lễ kết nghĩa…

Tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn Những Chặng đường lịch sử có đoạn:

“Trên dọc đường, có những khu mới thành lập. Đồng bào dân tộc Mán Tiền ở vùng giáp giới hai tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn, đã được tổ chức thành khu Quang Trung.

Khi qua vùng này, tôi vào ở lại nhà đồng chí Hoan, người Đảng viên đầu tiên của dân tộc Mán Tiền. Gia đình tiếp đón rất niềm nở.

Để giữ bí mật cho cán bộ, vợ chồng đồng chí Hoan đã nhường phòng riêng cho chúng tôi. Theo tục lệ lâu đời, đồng bào Mán tiền rất kiêng, không bao giờ để người lạ ở trong phòng riêng của vợ chồng.

Đêm nằm nghe các em ở những nhà bên vừa giã gạo vừa ê a học Việt Minh ngũ tự kinh, vui vui, thấy tư tưởng cách mạng đã được truyền đi khá xa, các ban xung phong Nam tiến đã tiến hành công tác khá tốt.…”.
Thôn Lủng Cháng nhìn từ rừng Đại tướng 
Sau khi ông Hoan bị giặc bắn, đồng chí Văn có dịp gặp lại mẹ nuôi (tức mẹ ông Hoan). Tập Hồi ký Nhân dân ta rất anh hùng của Đại tướng cũng có hai đoạn ghi chi tiết này:

“Tới Hà Hiệu, rẽ vào nhà đồng chí Hoan, gia đình nói cho biết, đồng chí Hoan đã bị bắt, có lẽ chúng đã giải về Bắc Kạn…”.

Và đoạn: “Về Hà Hiệu, chúng tôi dừng lại, cử người vào hỏi thăm đồng chí Hoan. Bà mẹ đồng chí Hoan theo đồng chí liên lạc ra rừng gặp chúng tôi. Cụ vừa khóc vừa kể lại, đồng chí Hoan bị địch bắt đem về Bắc Kạn, chúng tra tấn anh 11 lần chết đi sống lại để truy tìm tung tích cách mạng, anh vẫn không khai một lời, cuối cùng, chúng đã bắn chết anh.

Cụ nhất định đòi chúng tôi phải vào nghỉ trong nhà. Bản này chỉ có vài ba gia đình, hết thảy đều tốt. Chúng tôi theo cụ vào nhà. Chị Hoan kể lại cho chúng tôi… Trước ngày anh Hoan bị bắn, chị có lên Bắc Kạn thăm.

Anh Hoan nói với chị: “Có lẽ nó sẽ bắn tôi, nhưng ở nhà đừng lo, cách mạng thể nào cũng thành công. Ở nhà phải trung thành với đoàn thể, giúp đỡ anh em cán bộ hoạt động”.

Rồi anh đưa cho chị một miếng cao và nói: “Tôi có miếng cao hổ cốt này, đem về giữ lấy cẩn thận, gặp đồng chí Văn thì nói tôi có lời hỏi thăm, và nhờ đưa miếng cao này cho đồng chí dùng để giữ sức khỏe mà làm công tác”.

Tôi nhìn miếng cao trong tay chị Hoan, nước mắt muốn trào ra. Bà mẹ đồng chí Hoan trỏ cum lúa nếp để trên gác bếp, nói: “Bây giờ Hoan đã mất, mùa màng lại kém, nhưng mùa nào mẹ cũng để dành thóc nếp cho các con đấy, cứ chờ đợi du kích mãi. Các con cố gắng giết sạch bọn Tây, bọn Nhật thời người Mán mới sống được…”
Tác giả đứng ở cây đa, nơi đồng chí Bàn Văn Hoan huấn luyện du kích 
Bọn kì lí, kì hào, lính dõng, tay sai của Pháp ở xã cũng đã đánh hơi Lủng Cháng là đất không an toàn với chúng, nên vài ngày lại tới tuần tra lùng sục cách mạng.

Đồng chí Văn tạm trú ở nhà đồng chí Hoan có thời gian đến mấy ngày để chờ đợi giao liên đến đón.

Đồng chí Hoan đã giao cho hội viên La Văn Lén lúc đó làm trưởng thôn của chính quyền cũ, nhưng giác ngộ tham gia cách mạng làm công tác báo động. Nhà ông Lén ở đầu thôn, mỗi khi có bọn lùng sục đến thì ông cử người nhà lên báo động.

Đồng chí Văn ở nhà ông Hoan, mỗi khi có động thì ra khỏi nhà lên khu núi đá lắm hang hốc ở đằng sau nhà ông Hoan tránh mặt. Sau khi bọn này rút thì lại trở về nhà.

Nhưng đám tay sai này cũng có nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Có lần chúng bí mật luồn lách đến vây nhà ông Hoan. Đồng chí Văn ở trong nhà không kịp tránh, nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước của mẹ nuôi mà thoát.
Một trong số hang đá, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ẩn nấp 
Bà đã xếp một đống lúa nếp ở trên gác, trong có một chỗ trống người ngồi vào lọt. Đồng chí Văn chui vào đống lúa, lấy một nắm thóc nếp ủ lên trên trông giống như các đống thóc khác, nên khi bọn này lên gác lùng sục không phát hiện ra.

Những lần khác, chúng lên lùng sục thì đồng chí Văn đều ra khỏi nhà và lên ẩn nấp ở khu núi đá lắm ngóc ngách.

Vùng núi đá này có rất nhiều ngóc ngách hiểm trở, nhưng đến nay cũng không được biết là đồng chí Văn thường tránh vào ngách nào.

Hỏi đồng chí Bàn Văn Cao hoặc bà Bàn Thị Hoa được biết, khi đưa cơm nước thì cứ để ở chỗ đã quy định rồi về, không cần gặp mặt. Khi nào cần thiết thì đồng chí Văn tự ra nơi quy định lấy. Điều đó chứng tỏ công tác bí mật lúc đó được quán triệt rất triệt để.

Hiện nay, nhà đồng chí Hoan chỉ còn lại vết tích cũ là cái nền nhà, nhưng nay dân Lủng Cháng đã sử dụng làm nương gieo ngô.

Cây vải đồng chí Hoan trồng nay còn đó tươi tốt, hàng năm sai quả. Cả vùng núi đá đằng sau nhà đồng chí Hoan nay vẫn được bà con bảo vệ, cây cối vẫn xanh tốt um tùm.

Không có tổ chức nào đặt tên nhưng những người dân mộc mạc ngưỡng mộ nên tự đặt tên khu vực đồng chí Văn từng ẩn náu, hoạt động cách mạng là Rừng Đại tướng. Khu Lủng Cháng đã được công nhận là di tích lịch sử của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Cứ mỗi độ xuân về đến thăm khu Rừng Đại tướng lại nhớ thêm những hy sinh, xương máu của các thế hệ cách mạng anh dũng.

Ô Phúc Bình
Bình luận
vtcnews.vn