Phát hiện đám mây bụi và cực quang tím bí ẩn trên sao Hỏa

Thế giớiThứ Năm, 19/03/2015 04:21:00 +07:00

Giới khoa học thiên văn đã thực sự bất ngờ với sự hiện diện của đám mây bụi ở độ cao khoảng 150 đến 300km cách bề mặt sao Hỏa.

Giới khoa học thiên văn đã thực sự bất ngờ với sự hiện diện của đám mây bụi ở độ cao khoảng 150 đến 300km cách bề mặt sao Hỏa.

Cơ quan vũ trụ hàng không Mỹ (NASA) hôm qua (18/3) cho biết, tàu vũ trụ Maven vừa phát hiện ra hai hiện tượng kỳ lạ trong bầu khí quyển của sao Hỏa, bao gồm một đám mây bụi tầng cao bí ẩn và luồng cực quang tím sáng.
Ảnh chụp bầu khí quyển sao Hỏa (ảnh: BBC) 
Giới khoa học thiên văn đã thực sự bất ngờ với sự hiện diện của đám mây bụi ở độ cao khoảng 150 đến 300km cách bề mặt sao Hỏa nói trên.

Trước đó, tất cả kính viễn vọng trên tàu Maven cũng như các phương tiện quan sát khác không hề phát hiện ra đám mây bụi này.

Theo các chuyên gia, nếu mây bụi xuất phát từ bầu khí quyển của sao Hỏa thì có lẽ giới thiên văn đã bỏ qua một chu trình quan trọng nào đó trong bầu khí quyển của hành tinh Đỏ. Giới khoa học cũng không rõ đám mây bụi này là hiện tượng tạm thời hay sẽ tồn tại lâu dài.

Một số lý do giải thích cho đám mây trên có thể do bụi tỏa lên từ bầu khí quyển, bụi đến từ hai mặt trăng của sao Hỏa hoặc xuất phát từ gió Mặt Trời hoặc các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời. Tuy nhiên, ở ngay cả điểm đậm đặc nhất thì đám mây bụi này vẫn rất mỏng.

Trong khi đó, các bức ảnh về luồng cực quang tím sáng do tàu Maven gửi về được gọi là “Ánh sáng ngày Giáng Sinh”. Luồng cực quang này được phát hiện hồi cuối năm ngoái tại bán cầu phía bắc sao Hỏa.

Tàu vũ trụ Maven được phóng lên sao Hỏa năm 2013 với nhiệm vụ tìm câu trả lời tại sao hành tinh Đỏ lại mất đi phần lớn nước và bầu khí quyển của mình.

Nguồn: Vũ Hợp/VOV
Bình luận