Pháp sẽ góp phần quan trọng giải quyết tranh chấp Biển Đông

Thế giớiThứ Năm, 26/09/2013 04:13:00 +07:00

(VTC News) - Nhà ngoại giao danh tiếng của Việt Nam phân tích về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mối quan hệ Việt - Pháp.

(VTC News) - Nhà ngoại giao danh tiếng của Việt Nam phân tích về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mối quan hệ Việt - Pháp.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao
Nguyễn Dy Niên
 
Hôm 25/9, giờ Paris, 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp và chứng kiến ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước như: Nghị định thư tài chính cho dự án trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Cần Thơ; Thỏa thuận về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan giám sát an toàn Pháp (ACPR).
Sau sự kiện mang tính chiến lược này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn VTC News về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng và những cơ hội mới trong mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.

Ông Niên nói: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp, như lời Tổng thống Pháp nói là chuyến thăm mang tính lịch sử, mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai nước.

40 năm trước, người dân Pháp ủng hộ nhiệt tình và thể hiện rất nhiều tình cảm chân thành với Việt Nam sau Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam. Cả rừng hoa, rừng người ở Pháp vui mừng trước thắng lợi của Việt Nam.
40 năm sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp và mang lại những hình ảnh tươi đẹp về Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho mối quan hệ hai nước.
- Thưa ông, giới nghiên cứu chính trị, lịch sử thế giới vẫn cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Pháp là mối quan hệ mẫu mực giữa phương Đông và phương Tây. Điều này dường như càng rõ nét hơn trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp...
Đây là chuyến thăm mang tính chiến lược của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Trong chuyến sang Pháp lần này, Thủ tướng hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ Việt Nam – Pháp lên tầm đối tác chiến lược.
Trước hết, chúng ta cần phải thấy rằng Pháp là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng ta nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Pháp thì có nghĩa là nâng tầm quan hệ với tất cả thành viên còn lại trong Hội đồng bảo an – cơ quan có tiếng nói quyết định trong các vấn đề quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Pháp  

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Pháp trong sự tiếp đón long trọng của Chính phủ và nhân dân Pháp và việc ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp góp phần cực kỳ quan trọng cho việc nâng tầm Việt Nam trên trên trường quốc tế.
Với riêng Pháp, có thể nói đây là cơ hội để hai nước đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ. Nói rõ ràng hơn thì đây là bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam – Pháp.
Tôi thấy giới học giả Pháp và học giả Việt Nam cực kỳ ấn tượng với bài nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện quan hệ quốc tế Pháp, một trong 10 viện nghiên cứu quan hệ quốc tế lớn nhất Châu Âu và là một trong 50 viện nghiên cứu lớn nhất thế giới.
 

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa vượt ra ngoài biên giới nước Pháp.
 
Khi đó, Thủ tướng đã dùng một hình ảnh rất ấn tượng và ý nghĩa, đó là: quá trình phát triển quan hệ hai nước chúng ta như hình ảnh con tầu đang căng buồm lướt sóng thể hiện trên Biểu trưng của thủ đô Paris, dù phải trải qua nhiều bão tố, sóng gió, những thời khắc rất khó khăn, dù có "chòng chành nhưng không bao giờ chìm đắm".
Điều này thể hiện quan hệ Việt Nam – Pháp là mối quan hệ mang tính liên tục. Vừa qua, Pháp có thay đổi về nội các sau cuộc bầu cử, nhưng quan hệ với Việt Nam chưa bao giờ đứt đoạn.
Lâu nay, giới nghiên cứu chính trị, lịch sử thế giới vẫn cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Pháp là mối quan hệ mẫu mực giữa phương Đông và phương Tây.
Điều đáng nói nữa là Pháp là nước trụ cột trong cộng đồng Pháp ngữ với rất nhiều nước thành viên ở châu Âu, châu Phi. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa vượt ra ngoài biên giới nước Pháp.
- Việc quan hệ Việt Nam – Pháp được nâng lên mức đối tác chiến lược sẽ có những thay đổi cụ thể thế nào, thưa ông?

Điều thay đổi rõ rệt nhất là quan hệ chính trị, ngoại giao sẽ được nâng lên rõ rệt với nhiều chuyến thăm hơn nữa. 
Việt Nam – Pháp sẽ trao đổi nhiều vấn đề về chính trị, an ninh. Mà vấn đề an ninh quốc phòng thì chỉ có thể trao đổi giữa các đối tác chiến lược với nhau.
Thời gian qua, Pháp đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc nâng cấp vũ khí, khí tài cho quân đội Việt Nam. Pháp cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ bờ biển, tuần tra bảo vệ chủ quyền.
Với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Pháp, tôi cho rằng thời gian tới hai nước sẽ còn trao đổi nhiều điều hơn nữa, ở mức cao hơn nữa.
Ngoài ra, quan hệ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là văn hóa giữa hai nước cũng sẽ khăng khít hơn trước rất nhiều.
- Theo ông, cụ thể văn hóa Pháp và Việt Nam sẽ có những mối tương tác nào?

Nói đến Pháp, chúng ta phải nói đến văn hóa. Tôi nghĩ rằng Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, cả phương Đông lẫn phương Tây. Nhưng về phương Tây thì chúng ta tiếp thu văn hóa Pháp khá nhiều. Nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đương đại có giá trị đều ẩn chứa đôi nét của văn hóa Pháp. Chúng ta đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư đều có thể thấy phảng phất nét lãng mạn đặc trưng của văn hóa Pháp.
Nhìn chung, hiện nay ở Việt Nam chúng ta nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Pháp, nhưng tôi cho rằng cái thần thái trong văn hóa Việt vẫn chịu ảnh hưởng của Pháp nhiều hơn.
Về kiến trúc mà nói, ở miền nam nước Pháp, tại nhiều thành phố khác nhau, chúng ta dễ có cảm giác mình đang ở tại những Hàng Ngang, Hàng Đào bởi những nét kiến trúc rất giống nhau.
Mối quan hệ Việt – Pháp có nhiều điều đặc biệt. Tất nhiên, thời kỳ chiến tranh, thời kỳ thực dân đô hộ có nhiều cái không hay. Nhưng hai nước đã vượt lên điều đó để hướng tới mối quan hệ bình đẳng, tốt đẹp hơn.
- Ông dự báo thế nào về cán cân thương mại Việt – Pháp sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
 

Tư thế ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ ràng lập trường, mong muốn hòa bình, phát triển của Việt Nam.
 
Hiện tại cán cân thương mại Việt – Pháp mới chỉ ở mức 3,2 tỷ USD, con số còn chưa được cao nếu so với hàng chục tỷ USD mà Việt Nam có với các nước khác.
Chúng ta sẽ cân bằng xuất khẩu và nhập khẩu với Pháp để con số này cao hơn nữa. Giới kinh tế Pháp cũng đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam và bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Tôi cho rằng Việt Nam cũng sẽ biết nắm bắt cơ hội để phát triển hơn nữa nền kinh tế của chúng ta, như lời phát biểu của Thủ tướng lúc gặp gỡ các tập đoàn kinh tế Pháp tại thủ đô Paris.
- Giới học giả Pháp nói họ ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...
Tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo luôn thích đi thẳng vào vấn đề. Từ Đối thoại Shangri-la, khi trả lời các câu hỏi về quốc phòng và an ninh của các chuyên gia hàng đầu của nhiều quốc gia, Thủ tướng cũng luôn đi thẳng vào câu hỏi.
Tư thế ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ ràng lập trường, mong muốn hòa bình, phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Có lẽ chính phong cách năng động, nhiệt thành của Thủ tướng đã khiến học giả Pháp và nhiều nước bị cuốn hút.
- Mỹ từng tuyên bố sẽ “xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương” trong khi Nga từ lâu đã là đối tác chiến lược của Việt Nam. Việc Pháp trở thành đối tác chiến lược của chúng ta sẽ có ảnh hưởng thế nào trong vấn đề Biển Đông, thưa ông?
Quan điểm của Việt Nam là chúng ta hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển với tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta hợp tác với tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy với các nước. 
Tôi cho rằng mối quan hệ Việt – Pháp là mối quan hệ xây dựng. Trong vấn đề Biển Đông, với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng bảo an, tôi tin rằng đối tác chiến lược Pháp sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên tinh thần hòa bình, hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế.
- Ý ông là Việt Nam sẽ có thêm một người bạn, thêm một tiếng nói khách quan trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc?
Đúng vậy. Chúng ta có thêm một người bạn tốt, một người bạn hiểu Việt Nam, biết rõ biên giới Việt Nam cả trên bộ lẫn trên biển. Pháp cũng là nước từ thời xưa đã công nhận trên các bản đồ của họ về việc Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Các chuyên gia luật biển của Pháp hiểu rất sâu về Biển Đông và họ cũng chia sẻ với chúng ta rất nhiều tư liệu quý giá.
 

Với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng bảo an, tôi tin rằng đối tác chiến lược Pháp sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên tinh thần hòa bình, hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế.
 
Tôi tin rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho chúng ta trong rất nhiều vấn đề, không chỉ riêng Biển Đông.

- Câu hỏi cuối cùng, ông đánh giá thế nào về vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc ký Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và lời tuyên bố của Tổng thống Pháp về việc nước này sẽ luôn là "người bạn chung thủy" của Việt Nam?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp, như lời Tổng thống Pháp nói là chuyến thăm mang tính lịch sử, mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai nước. 40 năm trước, người dân Pháp ủng hộ nhiệt tình và thể hiện rất nhiều tình cảm chân thành với Việt Nam sau Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam. Cả rừng hoa, rừng người ở Pháp vui mừng trước thắng lợi của Việt Nam.
40 năm sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp và mang lại những hình ảnh tươi đẹp về Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho mối quan hệ hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách người đứng đầu Chính phủ Việt Nam góp phần quan trọng trong việc khiến cho quan hệ Việt - Pháp trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai, cũng như một hạt giống được vun đắp từ lâu, nay có cơ hội và vươn lên mạnh mẽ.
Điều Tổng thống Pháp Francois Hollande nói điều về tình bạn chung thủy Việt - Pháp cho thấy mong muốn của người Pháp trong quan hệ với Việt Nam. Đó không chỉ là mong muốn của lãnh đạo Pháp, mà còn là của hàng triệu người Pháp. 
Nhiều năm qua, những người tiền nhiệm của ông Hollande cũng luôn giành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam. Ông Hollande đã nói lên tình cảm của người dân Pháp về Việt Nam. Khi những hình ảnh về Việt Nam được công chiếu ở Pháp, người dân nước này đã thốt lên rằng Việt Nam quá đẹp, quá đáng yêu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Pháp đã đưa con thuyền quan hệ Việt Pháp đi tới đích, đó là quan hệ đối tác chiến lược.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Lê - Vân Tuyền (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn