Y sĩ làm hơn 100 trẻ mắc bệnh sùi mào gà sẽ bị xử lý thế nào?

Pháp luậtThứ Sáu, 29/12/2017 07:15:00 +07:00

Luật sư đã phân tích về hành vi phạm tội và đưa ra khung hình phạt có thể được dùng để xử lý đối với y sĩ làm hơn 100 trẻ mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên.

Liên quan đến vụ hàng loạt trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên, ngày 28/12, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm – luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho các cháu bé bị mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi vô ý của Y sĩ Hoàng Thị Hiền gây ra khiến cho 103 cháu bé bị bệnh sùi mào gà.

Thiệt hại về sức khỏe của các cháu bé là dấu hiệu bắt buộc để khởi tố bị can.

“Hành vi của y sĩ Hiền đã vi phạm quy định về phòng khám không phép, không có chứng chỉ hành nghề và không có chuyên môn kỹ thuật", luật sư Thơm nói.

Video: Bắt tạm giam nữ y sĩ cắt bao quy đầu khiến hơn 100 trẻ mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên

Trong đó, việc sử dụng phòng khám không phép là vi phạm Điều 42 Luật khám bệnh, chữa bệnh về điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc không có chứng chỉ hành nghề là vi phạm Khoản 6 Điều 2 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

"Y sĩ Hiền Không có chuyên môn kỹ thuật là vi phạm điểm a khoản 3 Điều 25 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 “Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó”" – luật sư Thơm phân tích.

4d3ae95c-8ce1-4263-a049-e1702ae787ee-1143530

 Y sĩ Hoàng Thị Hiền.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, y sĩ Hoàng Thị Hiền đã thực hiện việc khám, nong và rửa bao quy đầu cho các cháu ở các địa bàn huyện Yên Mỹ và Khoái Châu trong suốt một thời gian từ 2016 đến 2017.

Mỗi bệnh nhân được điều trị tại đây, đối tượng đã thu từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Hậu quả các cháu bị lây nhiễm bệnh sùi mào gà từ các dụng cụ y tế của y sĩ Hoàng Thị Hiền sử dụng.

Hành vi vô ý của Y sĩ Hoàng Thị Hiền gây ra khiến cho các cháu bé bị bệnh sùi mào gà. Thiệt hại về sức khỏe của các cháu bé là dấu hiệu bắt buộc để khởi tố bị can.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã tổ chức giám định, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Kết quả giám định bước đầu của Cơ quan chuyên môn xác định: Có một cháu bị tổn thương cơ thể là 25%; 5 cháu có tỷ lệ tổn thương là 21%; 2 cháu là 10%; 4 cháu có tỉ lệ tổn thương là 8% và 20 cháu là 6%. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể đối với 32 cháu là 302%.

Luật sư Thơm phân tích theo hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự 2015 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 thì Điều 242 Bộ luật hình sự 1999 sẽ được thay bằng Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp phạm tội gây hậu quả với 23 cháu bé với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 302% thì đối tượng Hoàng Thị Hiền đã phạm vào điểm c, khoản 3 Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.

Căn cứ Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 “Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng …”.

"Do bị can Phạm Thị Hiền đã phạm tội rất nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp bắt tạm giam là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường dân sự cho các cháu bé sẽ được giải quyết dựa trên căn cứ ở Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015", ông Thơm phân tích.

Trước đó, ngày 26/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh" theo Điều 242 Bộ luật hình sự 1999 xảy ra tại Phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng.

Như vậy, sau gần 5 tháng, kể từ ngày khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra đã có đầy đủ căn cứ xác định bị can Hoàng Thị Hiền đã có hành vi phạm quy định khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 242 Bộ luật hình sự 1999.

Điều 590 Bộ luật dân sự 2015. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, đối tượng Hoàng Thị Hiền sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí tổn thất về vật chất và tinh thần cho các cháu bé do hành vi vi phạm của mình gây ra. Nếu các bên không thỏa thuận được thì sau này khi xét xử Tòa án sẽ quyết định mức bồi thường trên cơ sở pháp luật.

Điều 315 BLHS 2015. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn