Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Giám đốc bệnh viện ký quyết định thay Sở

Pháp luậtThứ Bảy, 19/05/2018 07:21:00 +07:00

Theo quy định, Sở Y tế mới được phép thành lập đơn nguyên chạy thận, tuy nhiên ông Trương Quý Dương (Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) tự ý ký quyết định.

Ngày thứ 4 xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình lộ ra nhiều tình tiết bất ngờ trong quá trình thành lập đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện.

Bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi với ông Đỗ Đình Vận, Phó giám đốc bệnh viện về quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu của bệnh viện. Tuy nhiên, ông Vận cho biết không nắm được, sẽ yêu cầu tìm để trình trước toà.

Ông Vận khẳng định, đơn nguyên lọc thận trực thuộc khoa Hồi sức tích cực, có định hướng tách ra thành khoa thận nhân tạo riêng, nên hoạt động theo quyết định 1895 năm 1997 của Bộ Y tế về quy chế bệnh viện. 

luat-su-bao-chua-10-1137103 copy 9

LS Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi với ông Đỗ Đình Vận, Phó giám đốc bệnh viện về quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu của bệnh viện.

Ông Vận cho biết, dù chạy thận đã có tại Việt Nam từ lâu nhưng thời điểm 2010, bệnh viện mới bắt đầu triển khai nên đây là dịch vụ mới. Muốn thành lập khoa, phòng phải xin ý kiến Sở Y tế, với đơn nguyên có thể trong khoa và bệnh viện xem xét quyết định nhưng vẫn phải có ý kiến của Sở.

Tuy nhiên, ông Vận thừa nhận không nắm được quyền hạn, chức trách của giám đốc bệnh viện trong quy chế bệnh viện.

Sau đó, luật sư trích dẫn quy chế bệnh viện của Bộ Y tế, trong đó quy định rõ, giám đốc bệnh viện không được quyền ra quy định trái pháp luật, trái với quy chế bệnh viện. Đối với dịch vụ y tế phát sinh mới, cụ thể là lọc máu nhân tạo, phải được Sở Y tế cấp phép.

Tuy nhiên, trong quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu của bệnh viện không có “bóng dáng” của Sở Y tế.

Luật sư Phúc nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cơ bản nhất, tất cả những vấn đề của vụ án này chỉ là nguyên nhân phái sinh. Chúng tôi xác định đây là nguyên nhân gốc, tại sao có khoa lọc máu, việc thành lập đã hợp pháp chưa?”.

Trong phiên xử ngày 17/5, luật sư của bị cáo Trần Văn Sơn cũng cung cấp công văn của Sở Y tế Hoà Bình trả lời cơ quan điều tra, trong đó tại đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện có đặt 5 máy không báo cáo với Sở.

Để làm rõ nguồn gốc các máy lọc thận tại đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các gia đình nạn nhân) tiếp tục đặt câu hỏi với ông Vận.

Ông Vận cho biết, thời điểm bệnh viện bắt đầu chạy thận vào năm 2010, ông chưa làm PGĐ nên chỉ nắm được chủ trương liên kết xã hội hoá với công ty Thiên Sơn, còn cụ thể không rõ. Sau đó ông Vận uỷ quyền cho luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời tiếp.

Ông Huế thông tin thêm, từ năm 2010 đến thời điểm xảy ra sự cố, bệnh viện có tổng cộng 6 hợp đồng ký kết với Thiên Sơn về đặt máy.

“Việc chọn công Thiên Sơn, ký kết, giao kết hợp đồng giữa bệnh viện với công ty này đều do cựu giám đốc Trương Quý Dương quyết định. Tính đến thời điểm sự cố, 18 máy đang vận hành đều thuộc sở hữu của công ty Thiên Sơn”, luật sư Huế trả lời.

xet-xu-bs-hoang-cong-luong-bat-thuong-loi-khai-sinh-doi-0638043 10

 Sau 4 ngày xét xử, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình vẫn chưa xuất hiện.

Trong các giao kết hợp đồng, nếu máy nào chạy hết số ca trong khuyến cáo sẽ chuyển sang sở hữu của bệnh viện. Hiện bệnh viện đang giữ một số máy nhưng tính năng rất hạn chế.

Về quy chế vận hành các máy lọc thận do Thiên Sơn đặt, luật sư Huế cho biết, theo đúng thoả thuận, hãng cung cấp máy và công ty Thiên Sơn có trách nhiệm tư vấn kỹ thuật, vận hành thiết bị với kỹ sư của bệnh viện. Phía bệnh viện giao cho phòng vật tư thiết bị để phối hợp sữa chữa, vận hành. Việc giao này rất rõ trong hợp đồng và quy chế của bệnh viện.

Luật sư Huế cho biết, tất cả các vấn đề liên quan đến sửa chữa thiết bị, hoàn toàn được giám đốc giao phòng vật tư thực hiện.

Video: Toàn cảnh phiên xét xử sơ thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương

Khi được hỏi bộ phận nào sẽ chịu trách nhiệm về sự cố, phòng vật tư hay giám đốc bệnh viện, luật sư Huế trả lời, luật quy định rất rõ, người lựa chọn nhà thầu thì phải chịu trách nhiệm, còn phòng vật tư có trách nhiệm sửa chữa trang thiết bị.

Luật sư Huế cũng cho biết, ban lãnh đạo sẽ tuân thủ phán quyết toà án, tuy nhiên bày tỏ mong muốn HĐXX chỉ rõ, đâu là trách nhiệm của bệnh viện, đâu là trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, dù đã qua 4 ngày xử nhưng những người liên quan trực tiếp là cựu giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng vẫn không có mặt tại toà, nhiều nội dung chưa được đối chất.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn