Container đâm Innova lùi trên cao tốc: 3 vấn đề cần làm rõ

Pháp luậtThứ Tư, 25/12/2019 12:55:05 +07:00
(VTC News) -

Các cơ quan tố tụng thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) chưa làm rõ 3 vấn đề trong vụ container đâm Innova đi lùi trên cao tốc khiến 4 người thiệt mạng.

VKSND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) vừa hoàn tất bản cáo trạng vụ án container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người chết, 6 người bị thương vào tháng 11/2016,.

Bên cạnh việc chỉ ra những điểm mới như tài xế container đạp phanh khi cách đuôi Innova khoảng 10m, điểm va chạm đầu tiên của 2 phương tiện, cơ chế hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thì cơ quan tố tụng thị xã Phổ Yên chưa thể làm rõ 3 vấn đề được nêu trong Quyết định kháng nghị của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Cụ thể, cáo trạng chưa làm rõ được với tốc độ của xe ô tô đầu kéo, trọng lượng của xe và khối lượng hàng chở trên xe, khi tài xế Lê Ngọc Hoàng nhấn phanh chết thì xe container còn di chuyển bao nhiêu mét nữa mới dừng hẳn lại?

Về điều này, cáo trạng nêu: Văn bản số 3630/BGTVT-KCHT ngày 19/4/2014 của Bộ Giao thông vận tải cho hay, việc xác định quãng đường phanh của xe đầu kéo theo rơ mooc liên quan đến rất nhiều yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết, nhiệt độ lốp xe, tình trạng lốp xe, tình trạng mặt đường tại thời điểm phanh, hệ số ma sát, cách xếp hàng trên xe và yếu tố chủ quan như hệ thống phanh ASB, ESP của xe đầu kéo rơ mooc.

Container đâm Innova lùi trên cao tốc: 3 vấn đề cần làm rõ - 1

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 10 người thương vong.

"Do vậy để xác định chính xác quãng đường phanh của đoàn xe bao gồm đầu kéo có biển kiểm soát 89C-07917, kéo theo sơ mi rơ moóc có biếm kiểm soát 89R- 00485 khi tai nạn xảy ra, cần phải thu thập các thông số liên quan và tổ chức thực nghiệm hiện trường mới có đủ cơ sở xác định", cáo trạng nêu.

Từ văn bản trên, cơ quan điều tra nhận định không có cơ sở và không thể thực nghiệm diễn biến vụ tai nạn giao thông.

Mặt khác, vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Việc thực nghiệm lại diễn biến vụ án không thể có phương án đảm bảo an toàn (Khoản 1 diều 204 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác”).

Vấn đề thứ 2 chưa được làm rõ là tình trạng kỹ thuật của hệ thống phanh trên xe container và rơ móoc.

Cáo trạng cho hay, tại Kết luận giám định số 229/C54-P2 ngày 27/2/2017 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Không đủ điều kiện để xác định tình trạng an toàn kỹ thuật hệ thống phanh của xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 89C-079.17 kéo theo sơ mi rơ moóc có biển kiểm soát 89R- 004.85 ngay trước khi xảy ra tại nạn. Hệ thống phanh của đoàn xe sau khi xảy ra tai nạn bị hư hỏng, không còn tác dụng.

Ngoài ra, việc giám định dấu vết số 9 là vết trượt kim loại (dài 33,3m và rộng 0,08m) trên lan can bên phải đường thường Hà Nội - Thái Nguyên do cọ sát với vật thể nào gây ra cũng chưa được làm rõ.

Về việc này, cơ quan điều tra cho biết không thể thu thập được dấu vết vật chất liên quan đến dấu vết tại vị trí số 9, do hiện trường không còn nguyên trạng.

Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, bản ảnh xác định xe ô tô Innova  sau khi va chạm bị đẩy theo hướng Thái Nguyên, ba đờ sốc phía bên phải xe va chạm vào làn tôn sóng tạo lên dấu vết số 9.

Cơ quan điều tra xác định, trong những nội dung yêu cầu điều tra lại tại Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Cấp cao có nội dung không thể thực hiện được. “Tuy nhiên, những nội dung này không làm ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự đối với Lê Ngọc Hoàng” - cáo trạng cho hay.

Theo cáo trạng, vào khoảng 15h30 ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn trong máu có nồng độ cồn lái xe ô tô Innova biển số 99A- 142.53 chở quá số người được phép chở (11 người/8 người) trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Khi đi đến địa phận xóm Sứ, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, do đi quá nút giao Yên Bình nên Sơn dừng xe lại bên phải lề đường. Sau đó, Sơn bật đèn cảnh báo nguy hiểm rồi cho xe lùi lại theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình. 

Đúng lúc này, Lê Ngọc Hoàng lái xe ô tô đầu kéo biển số 89C-079.17, kéo theo rơmooc biển số 89R- 004.85 chạy với tốc độ 62 km/h đi đến nút giao Yên Bình.

Tài xế Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm: “Đi chậm” (tới mức 60 km/h) mà vẫn đi với tốc độ 62 km/h. Bên cạnh đó, Hoàng không khẩn trương giảm tốc độ tới mức an toàn khi phát hiện xe ô tô Innova do Sơn lái phía trước cùng làn đường có bật đèn cảnh báo nguy hiểm, nên đầu xe ô tô của Hoàng đâm vào đuôi xe ô tô do Sơn cầm lái.

Cú va chạm khiến 5 người thiệt mạng, trong đó, 4 người chết tại chỗ, 1 người chết khi điều trị tại bệnh viện.

Đến nay, cơ quan tố tụng đề nghị truy tố bị can Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, tài xế container) và bị can Ngô Văn Sơn (SN 1978, tài xế xe Innova) tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.

 

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn