'Ông trùm' đường dây đánh bạc: Trụ sở CNC có phòng treo biển tên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa

Pháp luậtThứ Hai, 19/11/2018 15:27:00 +07:00

Theo lời khai của Nguyễn Văn Dương, trong trụ sở làm việc của Công ty CNC ở phố Hồ Giám (Hà Nội), có phòng làm việc treo biển tên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.

Sáng 19/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, HĐXX tiếp tục xét hỏi những bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng trên mạng internet được 2 cựu tướng công an bảo kê.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với Phan Sào Nam, HĐXX chuyển sang thẩm vấn "ông trùm" thứ 2 của đường dây này là Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).

Đứng trước bục xét hỏi, bị cáo Dương khai, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao C50) là người đại diện C50 ký hợp tác với Công ty CNC, trong đó C50 dự thảo sẽ góp 20% vốn ở CNC nhưng không đóng góp về nhân sự. Tuy nhiên, sau khi quá trình hợp tác, ông Hóa nói việc góp vốn của Cục không đảm bảo quy định pháp luật nên không thực hiện đúng thỏa thuận.

“Bị cáo không nhớ hết về đóng góp với C50 nhưng công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án” – Dương nói.

Nguyen Van Duong

 Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại bục xét hỏi. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Sau đó, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?”.

Dương trả lời: “Là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Trong khoảng thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, hàng tháng, hàng quý, hàng năm tôi đều báo cáo với C50 và C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra”.

Theo Dương, trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Hà Nội), địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.

"Công ty có đề xuất với C50, đó là lãnh đạo cục, tôi nhớ không nhầm là anh Dũng - cục phó. Về trụ sở cũng không khó khăn gì, tôi có báo cáo anh Hóa cần có trụ sở làm việc, cũng như có trụ sở để cho cán bộ cục tham gia", Dương khai.

Theo lời Dương, tại trụ sở CNC sau khi chuyển về phố Hồ Giám ban đầu dành tầng một cho cán bộ Cục C50. Tại đây, ở tầng 2 còn có phòng làm việc treo biển tên Cục trưởng C50 theo lời đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hóa nhưng chỉ thời gian ngắn khoảng 1 tháng.

Sau đó, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa Nguyễn Văn Dương) hỏi bị cáo Dương về lý do tại sao đang làm ở UIDC mà Dương lại chuyển sang làm CNC?

Nguyen Van Duong1

 Lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Văn Dương vào khu vực xét xử. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Bị cáo Dương trả lời: “Ban đầu, làm ở UDIC có nhiều dự án, bận nhiều công việc. Nhưng sau khi tôi trao đổi với anh Hóa và lúc đó, được một chú cựu Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu nên tôi thấy lĩnh vực công nghệ cũng mới với bản thân, đây là lĩnh vực mình rất yêu thích, đây là điều rất vinh dự để có sự cống hiến cho lực lượng công an nói riêng, đất nước nói chung".

Dương nói do bản thân tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, không học công nghệ nên mới đầu chuyển sang CNC có hạn chế về công nghệ.

Dương cho rằng bản thân chưa bao giờ có suy nghĩ lợi dụng CNC là công ty bình phong của C50 để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Dương, C50 cũng có kế hoạch tuyển dụng bị cáo Dương vào ngành công an với mục đích nhằm phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài, phục vụ lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Vào thời điểm đó, chủ trương đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt.

Video: ''Ông trùm'' Nguyễn Văn Dương nói về mối lương duyên để trở thành công ty bình phong

Tùng Lâm - Phạm Chiểu
Bình luận
vtcnews.vn