Ông Lê Tấn Hùng ký khống hợp đồng: Bắt thêm giám đốc và kế toán trưởng Công ty du lịch Thanh niên xung phong

Pháp luậtThứ Bảy, 24/08/2019 14:43:00 +07:00

Cơ quan điều tra vừa thực hiện việc bắt tạm giam giám đốc và kế toán trưởng Công ty CP Thanh niên xung phong vì liên quan đến việc ông Lê Tấn Hùng tham ô.

Ngày 24/8, nguồn tin của VTC News cho biết, sáng cùng ngày, Cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện việc khám xét và bắt tạm giam ông Trần Văn Trường - Giám đốc Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong (V.Y.C) và kế toán trưởng Đỗ Sĩ Hoài Thanh.

2 người trên bị bắt vì liên quan đến việc cấu kết với ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ký khống các hợp đồng du lịch.

Bên cạnh đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Đoàn Quang Hồi (SN 1972) - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình Quốc tế và kế toán trưởng Nguyễn Thị Nguyên (SN 1968) về hành vi “Tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

bat-tam-giam-cong-ty-du-lich

Bà Nguyễn Thị Nguyên - Kế toán trưởng Công ty Hòa Bình Quốc Tế.

Cũng trong ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can về hành vi “Tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 đối với bị can Lê Tấn Hùng (SN 1963) và Nguyễn Thị Thúy (SN 1966) - nguyên Kế toán trưởng Sagri.

Theo tìm hiểu, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng - lúc này là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13,3 tỷ đồng với Công ty Thương mại Dịch vụ Hòa Bình Quốc tế (PIT Travel) và Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có 22 người không tham gia chuyến đi. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM cũng khẳng định, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Từ đó, Thanh tra TP.HCM kết luận, Sagri không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho 2 công ty du lịch trên với tổng số tiền hơn 13,3 tỷ đồng.

Được biết, hợp đồng đi du lịch được Sagri ký với 2 công ty du lịch này vào năm 2016. Sau đó, chuyến đi được chuyển sang năm 2017. Nếu không thực hiện chuyến du lịch vào năm 2017, Sagri sẽ mất trắng hơn 13,3 tỷ đồng.

Thực tế, Sagri đã thực hiện việc chuyển khoản 13,3 tỷ đồng cho các công ty du lịch dù không thực hiện chuyến đi như dự kiến.

Tuy nhiên, đến ngày 24/7/2017, 2 công ty du lịch trên lại ký biên bản chấp nhận hoàn trả cho Sagri tổng cộng hơn 9,7 tỷ đồng thay vì lấy hết. Ngày 25/7/2017, cả 2 công ty hoàn trả tiền cho Sagri và chỉ lấy gần 4 tỷ đồng.

Việc hoàn trả này được thực hiện ngay khi Thanh tra TP.HCM đang vào cuộc kiểm tra và chuẩn bị hoàn tất kết luận (cuộc thanh tra bắt đầu từ 28/3/2017 đến 23/6/2017). Thanh tra thành phố cho rằng việc hoàn trả tiền khi vụ việc bị phát hiện là nhằm chạy tội.

Thanh tra thành phố kết luận: “Nếu không phát hiện kịp thời, có khả năng ngân sách Nhà nước sử dụng không đúng mục đích. Đoàn thanh tra nhận thấy Tổng Công ty (Sagri - PV) có dấu hiệu câu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật”.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn