Những đại án tham nhũng chấn động năm 2017

Pháp luậtThứ Bảy, 17/02/2018 07:16:00 +07:00

Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Đinh La Thăng... là những án tham nhũng gây chấn động nhất trong năm 2017 bởi con số thất thoát lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Giang Kim Đạt và đồng bọn chiếm đoạt gần 16 triệu USD

Chiều 18/8/2017, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 4 bị cáo trong đại án tham ô xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines).

Theo bản án sơ thẩm, trên cương vị Tổng giám đốc, Trần Văn Liêm đã bổ nhiệm Trần Văn Khương và Giang Kim Đạt vào những vị trí quan trọng tại Vinashinlines. Sau đó, cả 3 đã cùng nhau chiếm đoạt tiền của công ty thông qua việc thực hiện các dự án mua tàu, cho thuê tàu biển…

Số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là gần 16 triệu USD, trong đó Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh) tham ô 255 tỷ đồng. Để che giấu nguồn tiền phạm pháp trên, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ.

IMG_0729_1

Giang Kim Đạt tại toà.

Với hành vi trên, Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm (nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines) bị TAND Hà Nội tuyên tử hình, Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) chung thân về tội Tham ô tài sản, Giang Văn Hiển 12 năm về tội Rửa tiền.

Hà Văn Thắm làm thất thoát 1.500 tỉ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến năm 2014, thực hiện chủ trương của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank), ngân hàng này đã chi hơn 1.500 tỉ đồng trả lãi suất ngoài hợp đồng cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền.

Trong số tiền này, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 246 tỉ đồng; tham ô hơn 49 tỉ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng.

Từ tháng 11/2012, Hà Văn Thắm chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó Tổng Giám đốc) cho Phạm Công Danh (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) vay 500 tỉ đồng thông qua công ty Trung Dung trong khi không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn không đúng mục đích.

Hành vi này bị quy kết làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về quy chế cho vay khiến OceanBank thiệt hại hơn 500 tỉ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng quá trình hoạt động kinh doanh tại OceanBank đã xảy nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, vi phạm các quy định về cho vay… Ngày 6/5/2015, NHNN quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

havantham laodong

Hà Văn Thắm được áp giải tới toà.

Theo đó, hành vi của các bị cáo bị cơ quan tố tụng cáo buộc làm "lũng đoạn, mất an ninh thị trường tiền tệ", tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Ngoài ra, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cho nhà nước.

Với những nhận định trên, VKS đề nghị tổng hình phạt chung thân với bị cáo Hà Văn Thắm về 4 tội danh: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

VKS đề nghị hình phạt tổng hợp tử hình với Nguyễn Xuân Sơn về 3 tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, 46 thuộc cấp của Hà Văn Thắm cùng một số người bị VKS đề nghị các mức án từ 18 tháng tù treo tới 18 năm tù giam về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại án Phạm Công Danh

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 24/1/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là Trust Bank) đối với Phạm Công Danh cùng đồng phạm. HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của Phạm Công Danh và 26 đồng phạm có đơn kháng cáo xin giảm án.

Toà bác kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh và nhóm của Trần Ngọc Bích, Quách Kim Chi, Hứa Thị Phấn, Hoàn Văn Toàn,…; giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 9/9/2016 mà TAND TP.HCM đã tuyên.

phamcongdanh-dantri 3

Phạm Công Danh tại toà.

Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lĩnh án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.

Cùng hai tội danh nêu trên, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cũng bị tuyên y án 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù.

Tòa buộc bị cáo Phạm Công Danh hoàn lại cho VNCB số tiền 63 tỉ đồng là số tiền đã gây thiệt hại cho VNCB trong hành vi lập khống đề án CoreBanking; buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường 930 tỉ đồng - số tiền bị cáo Danh gây thiệt hại cho VNCB trong các hành vi rút tiền VNCB thông qua việc cho vay không có hồ sơ, lập khống hồ sơ thuê mặt bằng,…

Bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải liên đới trả khoản nợ 3.866 tỉ đồng mà các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh đã ký kết với VNCB

Buộc bà Hứa Thị Phấn nộp 851 tỉ đồng được xác định là tiền do việc cố ý làm trái trong các hoạt động cho vay; buộc bà Phấn nộp số tiền 97 tỉ đồng được xác định trong hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay; giải quyết vụ án khác dân sự khác nếu các bên có yêu cầu.

Thu hồi 5.190 tỉ đồng là tiền mà Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh và các cá nhân thuộc nhóm của Bích vay vào các ngày 21/8 và 26/8/2013 của VNCB. Số tiền này được giải quyết việc xử lý vật chứng 124 sổ tiết kiệm.

Như vậy cha con bà Trần Ngọc Bích còn thiếu VNCB 5.190 tỉ đồng, còn Phạm Công Danh có nghĩa vụ trả lại cho bà Trần Ngọc Bích 5.190 tỉ đồng.

Buộc Trần Quý Thanh nộp 362 tỉ đồng được xác định trong hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay để chuyển trả VNCB. Buộc bà Trần Ngọc Bích nộp 72 tỉ đồng được xác định trong hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay để chuyển trả VNCB.

Vụ án Đinh La Thăng 

Ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

images2085683_thang 5

Ông Đinh La Thăng tại toà.

Quá trình điều tra xác định, ông Thăng có vi phạm trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại PVN và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – thuộc PVN). Ông Thăng được cho có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định thầu trái quy định tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ông cũng tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC và đồng phạm sử dụng sai mục đích hơn 1.115 tỉ đồng, gây thiệt hại khoảng 120 tỉ đồng.

Ngày 8/1/2018, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử. Đến ngày 22/1/2018, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù.

Trịnh Xuân Thanh lĩnh án chung thân

Sau một thời gian bỏ trốn, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tới trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đầu thú.

Trước đó, ông Thanh từng bị báo chí phanh phui ra nhiều sai phạm. Đến tháng 9/2016, CQĐT đã khởi tố ông Thanh về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại PVC.

Trinh-Xuan-Thanh-2 3

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Tiếp đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” tại Tổng Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PVP Land – thuộc PVC). Theo kết luận điều tra, ông Thanh đã bán cổ phần của PVP Land thấp hơn giá thực tế để hưởng tiền chênh lệch.

Bản án nhận định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích chiếm đoạt số tiền chênh lệch.

Trịnh Xuân Thanh được chia hưởng 14 tỉ đồng, nhận vali tiền do ông Thắng chuyển cho lái xe của mình.

Theo tòa, các bị cáo, nhân chứng, người liên quan đều có lời khai phù hợp, dù bị cáo Thanh không thừa nhận thì HĐXX có đủ cơ sở kết luận về hành vi này.

Bản án khẳng định các luận cứ bào chữa của các luật sư đều "không có căn cứ được chấp nhận". Các luật sư, bị cáo nhầm lẫn về khái niệm "tài sản nhà nước" nên mới việc cho rằng không có hành vi phạm tội tham ô tài sản.

"Chỉ cần có 1% tài sản nhà nước cũng là tham ô tài sản", bản án khẳng định và cho rằng các bị cáo đã gây thiệt hại 87 tỉ đồng cho doanh nghiệp có cổ phần tài sản của nhà nước.

Sau hơn một giờ đọc bản án, theo điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, HĐXX tuyên án Trịnh Xuân Thanh bị tù chung thân, phạt bổ sung 50 triệu đồng.

Video: 2017 – Năm kỷ lục của đại án tham nhũng

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn