Nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo lừa hàng chục tỷ đồng thế nào?

Pháp luậtThứ Năm, 13/04/2017 17:02:00 +07:00

Lợi dụng lòng tham của người dân, Trần Đức Trung (56 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới dụ họ đóng tiền theo mô hình đa cấp, đóng 1 lãi gấp 4 lần.

Mới đây, cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã bắt giữ ông Trần Đức Trung (56 tuổi), cựu Giám đốc và bà Lê Thị Hằng (54 tuổi), Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh vào lòng tham

Cũng như mô hình nhiều công ty đa cấp đã bị pháp luật trừng trị, Trung và Hằng vẽ ra một mô hình đánh vào lòng tham của người nghèo rồi “hút máu” họ.

Sau khi ngồi vào ghế Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam - trụ sở 308-309 tòa nhà 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Trung và cấp phó của mình là Hằng lập ra chương trình "Trái tim Việt Nam" để làm công cụ cho việc phạm tội và giao cho Hằng điều hành.

Sở dĩ, chúng chọn tên chương trình là "Trái tim Việt Nam" vì cái tên này hơi giống với chương trình từ thiện nổi tiếng "Trái tim cho em", nhằm tạo lòng tin cho người dân. Nhưng mục đích hoạt động của chương trình "Trái tim Việt Nam" không phải là từ thiện, mà nó chỉ là “công cụ niềm tin” để Trung và Hằng mang đi lừa người dân trên khắp cả nước.

Hinh anh

Đánh vào lòng tham của người dân, Trung và Hằng lừa đảo của nhiều người với danh nghĩa là chương trình  từ thiện.

Sau khi được thành lập, Hằng mở nhiều chi nhánh của chương trình ở các tỉnh thành Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định… và quy mô vươn rộng ra toàn quốc. Núp dưới danh nghĩa là Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, chương trình tổ chức các cuộc hội thảo và mời người dân, chủ yếu là dân nghèo tham dự.

Bà Hoàng Thị Linh (SN 1959, trú tại Bắc Giang) cho biết, thấy người của trung tâm giới thiệu đến dự hội thảo về hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới. Những tưởng đến đây sẽ được lắng nghe kinh nghiệm thoát nghèo và được hỗ trợ tiền. Nào ngờ, tại đây họ chỉ giới thiệu bán thực phẩm chức năng với giá cao hơn giá niêm yết.

Các nhân viên trung tâm dùng lời nói ngon ngọt lôi kéo người dân tham gia mạng lưới đa cấp của chương trình "Trái tim Việt Nam". Mỗi người dân khi đóng tiền vào trung tâm sẽ được cấp mã số thành viên. Nếu nông dân nộp 1,2 triệu đồng sau 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5,2 triệu đồng, nếu nộp 1,9 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, nếu nộp 7,5 triệu đồng sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng... Số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Thấy mức “lãi suất” khi đóng tiền cho trung tâm lên đến hơn 4 lần số tiền phải đóng vào. Và chỉ sau thời gian ngắn (6 tháng) đã được nhận lại, nhiều người dân nhẹ dạ đã dốc túi đóng tiền vào trung tâm, thậm chí có người còn vay mượn để tham gia với hy vọng đổi đời.

Điều đáng nói, nhân viên chương trình "Trái tim Việt Nam" chờ người dân nộp tiền xong xuôi mới đưa phiếu thu và bảo phải ký vào giấy tự nguyện tham gia đóng góp. Nhiều người cả tin ký theo yêu cầu rồi mới ngã ngửa biết mình bị lừa.

Ngoài mức lãi suất vẽ ra, Trung và Hằng còn vẽ ra những giải thưởng hấp dẫn dành cho những người giới thiệu được người mới nộp tiền vào chương trình. Thành viên của Trung tâm nếu giới thiệu được thêm một thành viên mới sẽ được nhận phần quà 500.000 đồng.

Bằng những thủ đoạn đánh vào lòng tham, "Trái tim Việt Nam" đã hút được sự tham gia của hàng ngàn người dân, thu về hàng chục tỉ đồng.

Chỉ riêng tại Bắc Giang, đến cuối năm 2015, chương trình "Trái tim Việt Nam" đã hút được 129 người tham gia với trên 1.000 mã quản lý. 

Còn ở Thanh Hóa từ tháng 5/2015 đến nay, trung tâm của Trung và Hằng đã thu hút 1.000 người tham gia đóng góp tiền.

Giải thể Trung tâm, vẫn “hút máu” dân, lừa hàng tỷ đồng

Biết mình bị lừa, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Đầu năm 2016, phát hiện dấu hiệu bất thường của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, Bộ Nội vụ đã có văn bản khẳng định Trung tâm này hoạt động trái pháp luật. Sau đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam đã ra quyết định đóng cửa trung tâm này.

Mặc dù vậy, Trung và Hằng vẫn chưa chịu dừng lại khi tiếp tục "vẽ" ra nhiều chương trình khác để tiếp tục lừa người dân. Để người dân tin tưởng, Trung tự xưng là Phó Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận.

Cơ quan điều tra vào cuộc và các chiêu trò của Trung đã bị lật tẩy. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2011, sau nhiều sai phạm, báo Nhà báo và Công luận đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trần Đức Trung và thu hồi Thẻ nhà báo mang số hiệu IBT 00050.

Video: Lê Thị Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo "biến" thư chúc mừng thành thành thư kêu gọi ủng hộ

Trong lúc cơ quan chức năng đang điều tra hoạt động của trung tâm, Trung và Hằng vẫn ngoan cố, tiếp tục lừa những người nhẹ dạ bằng cách hạ xuống mức 800 nghìn đồng/ mã tham gia để vét nốt mẻ lưới cuối cùng.  

Với chiêu bài này, nguyên lãnh đạo Trung tâm này lại tiếp tục lừa được nhiều tỷ đồng của người dân.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra Bộ Công an và Công an các tỉnh thành tiếp tục làm rõ.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn