Bị cáo Trương Minh Tuấn: Ông Nguyễn Bắc Son không hề đưa tôi lên Bộ trưởng

Pháp luậtThứ Hai, 16/12/2019 07:15:00 +07:00

Trình bày tại tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn khẳng định: "Ông Nguyễn Bắc Son không hề đưa tôi lên Bộ trưởng, trong quá trình điều tra có thể có hiểu lầm nào đó".

Video: Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm tới hầu toà

Ngày 16/12, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" trong thương vụ Mobifone mua AVG làm thất thoài tài sản Nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.

Ký theo yêu cầu của Bộ trưởng

14h35: Đại diện VKS đọc xong cáo trạng. Sau đó, HĐXX đề nghị cảnh sát dẫn giải cách ly bị cáo Nguyễn Bắc Son ra khỏi phòng xét xử. HĐXX xét hỏi bị cáo Trương Minh Tuấn.

Thẩm phán hỏi bị cáo Trương Minh Tuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từ bao giờ. Ông Tuấn cho biết, từ cuối tháng 2/2014 ông giữ chức Thứ trưởng bộ này cho đến khi trở thành Bộ trưởng năm 2016.

"Vì sao bị cáo không phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán, không phụ trách MobiFone nhưng bị cáo vẫn ký các văn bản thực hiện dự án này?", thẩm phán, chủ toạ phiên toà hỏi.

truongminhtuan-ttx-15764671280491263965094 18

Bị cáo Trương Minh Tuấn. (Ảnh: TTXVN) 

Bị cáo Tuấn đáp: "Bộ trưởng (Nguyễn Bắc Son - PV) đã có bút phê phê duyệt văn bản, rồi chỉ đạo tôi ký. Mặc dù không thuộc lĩnh vực được phân công, nhưng được Bộ trưởng giao ký thì theo quy chế làm việc tôi vẫn phải ký".

Bị cáo Tuấn nhận thức, việc ký các văn bản liên quan đến dự án là vi phạm pháp luật. 

Ông Tuấn cũng khẳng định không được giao phụ trách dự án MobiFone mua AVG mà chỉ được ông Son giao từng việc.

Thẩm phán hỏi nội dung quyết định 236 có phải là văn bản chỉ đạo MobiFone triển khai dự án không. Ông Tuấn nói đó văn bản giao MobiFone thực hiện dự án. Thẩm phán lại hỏi nếu nội dung văn bản này nói rõ dự án, giao việc cụ thể người nào việc gì, thì có phải là chỉ đạo không? Ông Tuấn trả lời rằng ông ký văn bản này sau khi có bút phê cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

"Khi nhận dự thảo văn bản 236, tôi nói với vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp là đây không phải nhiệm vụ của tôi nên tôi không ký. Nhưng Bộ trưởng bút phê yêu cầu tôi ký, chấp hành chỉ đạo của Bộ trưởng nên tôi phải ký", ông Tuấn khai.

 Ông Tuấn nói thêm rằng khi ký công văn số 44 đề nghị Bộ Công an đưa dự án này vào danh mục mật, ông cũng chỉ được giao ký chứ không tham gia dự án ngay từ đầu.

Về cáo trạng của VKS công bố, bị cáo Tuấn cho biết, không có nội dung hay lời khai gì thay đổi. Tuy nhiên, có một số nội dung gửi VKS về kí công văn số 44 đề nghị làm rõ.

Cụ thể, ông Tuấn trình bày: “Tôi không được trao đổi bàn bạc, mà chỉ có sau khi có bút phê của Bộ trưởng, nên tôi chỉ thực hiện, không được trao đổi. Ông Nguyễn Bắc Son không hề đưa tôi lên Bộ trưởng, trong quá trình điều tra có thể có hiểu lầm nào đó.

Đến gần Tết 2016, Bị cáo Phạm Nhật Vũ có đến phòng làm việc của tôi có lẵng hoa và gói quà tặng chúc mừng tôi trúng cử thì sau đó tôi có mở ra thì có 200.000 USD.

Có rất nhiều người đến chúc mừng tôi sau đại hội, nếu như mình không kí quyết định 236 thì chắc là không được. Vì vậy, tôi cũng đã nhận thức được số tiền này và nộp đủ hết số tiền này cho cơ quan điều tra”, ông Tuấn trình bày. 

Không chấp nhận xử kín một số giai đoạn

9h30: Luật sư đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT và một số đơn vị khác. Đồng thời, luật sư đề nghị giải mật một số tài liệu liên quan đến vụ án. Nếu không giải mật thì cũng để cho luật sư tiếp cận và cần thiết, có thể xét xử kín vụ án trong một số giai đoạn.

Đại diện VKS cho rằng, trong phiên tòa, có một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, những người này đã có lời khai, do đó, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đối với việc triệu tập thêm những cá nhân, đơn vị, đại diện VKS cho hay, đây là vụ án xét xử dài ngày nên trong quá trình xử, thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập đến phiên tòa.

Về vấn đề giải mật, đại diện VKS nhấn mạnh, hồ sơ vụ án, đến thời điểm hiện tại phần lớn tài liệu đã được giải mật, đối với một số văn bản chưa được giải mật thì nội dung không được nêu trong kết luận điều tra, thanh tra, bút lục...

Về việc luật sư đề xuất cần xử kín trong một số giai đoạn, đại diện VKS nêu rõ, TAND TP Hà Nội quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai nên đề nghị HĐXX không hoãn phiên tòa và xét xử theo đúng quy định pháp luật. Ngay sau khi đại diện VKS nêu quan điểm, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ để vào hội ý về ý kiến của luật sư đưa ra.

toa5 (1) 17

Toàn cảnh phiên toà. (Ảnh chụp qua màn tivi) 

Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, về vấn đề luật sư đề nghị giải mật tài liệu, trước phiên tòa, HĐXX đã có văn bản đề nghị giải mật các văn bản, tuy nhiên, đến giờ phút này chưa có kết quả.

Trong quá trình xét xử, HĐXX có thể tiếp tục kiến nghị các cơ quan giải mật, tuy nhiên, về nội dung của các văn bản trong hình thức mật, tuyệt mật thì nội dung đó đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra, điều tra và các vị luật sư đã được sao chép.

Về vấn đề luật sư nêu trong trường hợp không được giải mật thì cho xử kín một phần, HĐXX thấy vụ án này, TAND TP Hà Nội có quyết định đưa ra xét xử công khai nên đề xuất xử kín một phần không được chấp nhận.

Ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên tòa, bước sang phần đọc cáo trạng.

Hai cựu Bộ trưởng bị còng tay dẫn đến phiên tòa

Ngay từ sáng sớm, 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng đồng phạm bị còng tay dẫn giải tới TAND thành phố Hà Nội. Nhiều bị cáo tỏ rõ vẻ lo lắng. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trông tiều tụy, tóc bạc đi nhiều so với trước.

son 4

Bị cáo Nguyễn Bắc Son được dẫn giải tới tòa.

tuan 8

Bị cáo Trương Minh Tuấn.  

tra-ok 9

Cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà. 

8h30: Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Thành phần Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng bố trí thêm 6 thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và 1 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa.

Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 14 bị cáo. Trong số này, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT có 3  luật sư; bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT có 5 luật sư; cựu Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ có 3 luật sư.

Theo quyết định của TAND TP Hà Nội, vụ án xét xử kéo dài 16 ngày (từ 16 - 31/12, bao gồm cả thứ Bảy và Chủ nhật).

toaok 10

Bên trong phòng xử án. (Ảnh chụp qua màn hình)

HĐXX gồm 5 người, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu là Chủ tọa phiên tòa. Viện KSND TP Hà Nội phân công 3 kiểm sát viên cao cấp tham gia giữ quyền công tố tại tòa, gồm: ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng.

Do tính chất quan trọng của vụ án, tòa án và viện kiểm sát còn bố trí dự khuyết thêm 6 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân và 1 kiểm sát viên.

8h40: Thư ký tòa điểm danh bị cáo và các luật sư có và vắng mặt tại phiên toà.

8h45: Thẩm phán kiểm tra lý lịch bị cáo Nguyễn Bắc Son. Cựu Bộ trưởng TT - TT được ngồi tại chỗ trả lời, không phải lên bục khai báo do sức khỏe yếu.

toa-son 12

Ông Nguyễn Bắc Son được ngồi tại chỗ trả lời do sức khỏe yếu.

Tiếp đó, HĐXX kiểm tra lý lịch ông Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn cũng được ngồi tại chỗ trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ông Tuấn trả lời rõ ràng quê quán, chỗ ở trước câu hỏi của HĐXX.

8h50: Tòa tiếp tục thẩm tra lý lịch của bị cáo Phạm Đình Trọng. Trước khi trả lời, tòa yêu câu bộ phận liên quan chỉnh lại mic, tòa cũng nhắc bị cáo Trọng khi trả lời phải đứng sát mícTiếp đó, bị cáo Lê Nam Trà bước lên bục khai báo.

8h51: Bị cáo Cao Duy Hải bước lên bục khai báo.
9h10: HĐXX gọi 5 người đại diện MobiFone trả lời về lý lịch.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng 11 bị can bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải và Lê Nam Trà còn bị Viện Kiểm sát  truy tố thêm tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước, mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.

VKSND cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án này, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 11 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Mobifone và AVG có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG. Hành vi vi phạm của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bắc Son có quen biết với Phạm Nhật Vũ - nguyên Chủ tịch HĐQT AVG nên giới thiệu cho MobiFone mua lại dịch vụ truyền hình của AVG khi đơn vị này có nhu cầu. Sau đó, ông Vũ nhiều lần thúc giục ông Son sớm chỉ đạo để bán được cổ phần.

Ông Nguyễn Bắc Son biết sẽ hết nhiệm kì vào tháng 4/2016 nên muốn MobiFone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Bên cạnh đó, ông Son cho rằng nếu việc mua bán thành công, ông sẽ được cổ đông AVG cảm ơn bằng vật chất.

Ngày 27/1/2015, ông Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV MobiFone) ký văn bản xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình mua lại của một hãng truyền hình kĩ thuật số. Ngày 6/2/2015, thừa lệnh ông Nguyễn Bắc Son, ông Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp Bộ TT-TT, kí quyết định phê duyệt văn bản trên.

Tiếp đó, ngày 10/3/2015, thực hiện chỉ đạo của ông Lê Nam Trà, ông Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng giám đốc MobiFone trình Bộ TT-TT ký văn bản ghi nhớ việc mua cổ phần của AVG. Thừa lệnh của ông Nguyễn Bắc Son, ông Phạm Đình Trọng kí văn bản này.

Trong thời gian kể trên, ông Trương Minh Tuấn - Thứ Trưởng Bộ TT-TT - kí quyết định phê duyệt đầu tư dự án theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, dù quyền này là của Thủ tướng quyết định.

Video: Vi phạm của ông Trương Minh Tuấn trong vụ AVG - MobiFone

Ngày 20/3/2015, ông Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng giám đốc MobiFone và ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG ký Bản ghi nhớ về việc mua cổ phần AVG với vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng.

Việc MobiFone mua cổ phần của AVG với 8.900 tỷ đồng gây thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng cho Nhà nước. 

MobiFone đã sử dụng kết quả thẩm định giá AVG của Công ty AMAX do bị can Võ Văn Mạnh làm Giám đốc. Tuy nhiên, kết quả thẩm định được lấy từ nguồn số liệu đầu vào không hợp pháp và quá trình thẩm định còn đưa 2 khoản đầu tư ngoài ngành và giá trị sau năm 2026 làm tăng thêm giá trị doanh nghiệp AVG.

Sau khi hoàn thành xong dự án, MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ - cổ đông chiếm hơn 55% cổ phần - đến nhà ông Son để cảm ơn và đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Ngoài ra, vào dịp lễ Tết, ông Son còn nhận của ông Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám đốc Mobifone số tiền 200 triệu đồng và nhận của ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone 200.000 USD.

Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu H. trong những lần chị này từ TP.HCM ra thăm gia đình (khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD) nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Ngoài ông Nguyễn Bắc Son "được cảm ơn", ông Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone cũng được nhận số tiền 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ vào trước và sau Tết âm lịch 2016. Số tiền này ông Trà sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã "giúp đỡ" ông Phạm Nhật Vũ nên cũng được ông Vũ đưa 200.000 USD để cảm ơn.

Bình luận
vtcnews.vn