Hành trình tìm lại cuộc đời của 'tiểu thư 9X' nghiện ma túy

Pháp luậtThứ Sáu, 09/11/2018 12:20:00 +07:00

“Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến bố mẹ, các con của mình, sẽ cố gắng rèn luyện, sớm được trở về với gia đình, làm lại cuộc đời”- Nguyễn Thị H. chia sẻ sau khi nhìn lại quãng thời gian 2 năm chìm đắm trong ma túy.

“Tiểu thư 9X” ngày đêm “phê” trong ma túy

Chúng tôi tìm đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, ở thị xã Yên Bài, huyện Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội 50km.

Lúc này là 8h sáng, Nguyễn Thị H. và các học viên nam, nữ trong trung tâm cũng vừa hoàn thành công việc lao động, dọn dẹp đơn vị - đây là công việc hàng ngày trong thời gian biểu của mỗi học viên. Sau giờ lao động ngoài vườn rau, H. lại cùng với một số học viên nữ say sưa tập văn nghệ chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

4 3

 

H. sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Là con một trong gia đình nên H. được bố mẹ nuông chiều, chăm chút từ bé. Từ nhỏ đến lớn, H. luôn là niềm tự hào, hãnh diện của gia đình, bởi em luôn là đứa con ngoan, trò giỏi, được thầy cô yêu, bạn mến.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, H. lấy chồng và có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc, công việc ổn định. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chung sống, cuộc hôn nhân tưởng chừng sẽ hạnh phúc viên mãn bỗng tan vỡ, bởi chồng H. đã có người khác. Chán chường, H. buông xuôi tất cả, theo chúng bạn rủ rê, tìm đến những cuộc vui vô bổ và sa vào ma túy từ lúc nào không hay?

H. kể, từ những ngày đầu chỉ biết đi “bay” cùng chúng bạn đến các câu lạc bộ, vũ trường, sau đó chơi kẹo, chơi ke. Sau một thời gian, H. sa vào chơi cả ma túy đá.

“Mình có thể chơi kẹo, chơi ke 1- 2 lần/tuần, chơi xong là thôi, nhưng khi chơi ma túy đá thì sẽ cuốn, nghiện lắm, có thể hút bất cứ lúc nào. Ban đầu, mình chỉ hút vài ba hơi/ngày, nhưng sau đó, cứ ngồi cả ngày ôm bình hút”- H. kể. 

1 3

 

Sự lôi cuốn của chất trắng đầy ma lực đã khiến H. không làm chủ được bản thân. Càng ngày, H. càng lấn sâu và trượt dài, không quan tâm đến gia đình và con cái. Có thời điểm, H. chơi 40-50 viên hồng phiến/ngày, 3-4 viên ke, kẹo/đêm.

“Không chơi thì thấy buồn buồn, cứ muốn chơi để tìm cảm giác “phê”. Nhiều lúc không muốn đi đâu, cứ ở trong nhà ôm bình hút hít ma túy. Đợt đầu chơi ma tuý đá, 4 ngày tôi không ngủ dù người rất mệt. Sau khi em chơi quá nhiều, em lại ăn ngủ điều độ, như người bình thường”- H. kể.

Mong trở về làm lại cuộc đời

Sau 2 năm chìm trong ma túy, ngày 16/1/2018, trong một lần đang chơi ma túy cùng bạn ở Long Biên, Hà Nội, Nguyễn Thị H. đã bị lực lượng công an bắt và đưa đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

H. chia sẻ, 15 ngày đầu tiên trong cơ sở cai nghiện gọi là 15 ngày cắt cơn - khoảng thời gian khó khăn nhất với H.

Untitled 3

 

Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến bố mẹ, các con của mình, sẽ cố gắng rèn luyện, sớm được trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.

Học viên Nguyễn Thị H.

“Cảm giác thiếu thuốc người nôn nao, toàn thân nhức mỏi, đau ê ẩm, như có cả nghìn mũi kim đâm vào người, khổ sở vô cùng. Khoảng 1 tuần sau, cơ thể bắt đầu thích nghi, tôi đỡ cơn vật thuốc. Qua được 15 ngày cắt cơn, tôi được lên đội, được đi lao động, tinh thần thoải thoải mái hơn”- H. cho biết.

Môi trường kỷ luật tại Cơ sở cai nghiện ma túy nghiêm ngặt, ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ, lao động nghiêm túc khiến H. - một tiểu thư cành vàng lá ngọc, vô tâm vô tính, chỉ biết đến những cuộc vui ngày nào giờ đã hiểu hơn về giá trị cuộc sống. 

Nỗi nhớ con, thương cha mẹ già đã hối thúc H. quyết tâm cai nghiện thành công, rèn luyện thật tốt để sớm đoàn tụ với gia đình, dành nhiều thời gian chăm sóc cho các con. Từ ngày vào trung tâm, H. tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị. H. còn được các thầy cô giáo tin tưởng, chọn là một trong những học viên ưu tú để tham gia cuộc thi tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy.

“Tôi muốn gửi lời xin lỗi bố mẹ và mong bố mẹ bỏ qua cho những việc tôi đã làm trước đây, tạo lòng tin chính ở tôi là động lực giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước đây, tôi cứ nghĩ có tiền thì con cái sẽ được sống hạnh phúc, nhưng không phải. Các con của tôi cần tình thương của một người mẹ. Vì vậy, tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi đến các con của mình, sẽ cố gắng vượt qua quãng thời gian còn lại ở đây để về với xã hội, về với gia đình”- H. cho biết.

Từ “con nghiện” trở thành TS tâm lý hỗ trợ người cai nghiện

Nhìn vẻ ngoài to béo, nụ cười thân thiện và hài hước của anh Lê Trung Tuấn, không ai có thể nghĩ rằng, trước đây anh là đệ tử của chất gây nghiện chết người nổi tiếng ở ngôi làng nhỏ của 1 tỉnh thuần nông nghiệp như Hà Nam. 

9 3

 

Đua đòi với chúng bạn, năm 1996, Lê Trung Tuấn - lớp trưởng một lớp học tại Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh (Hưng Yên) đã sa vào nghiện ma túy. Để thỏa mãn cơn nghiện, đã có thời, Tuấn từng làm tất cả những việc xấu xa nhất, từ ăn trộm, vượt biên đến bảo kê, đâm chém miễn sao có tiền mua ma túy. Cho đến giờ, những năm tháng bị ma túy dày vò, với anh, vẫn là sự ám ảnh khó phai mờ. Tuấn không thể nào quên những cái chết tức tưởi và tàn khốc của những người bạn vì ma túy.

“Hơn 6 năm trời, gia đình tôi khánh kiệt, nhà chỉ còn 1 tivi hỏng và 2 cái giường cũ. Gia đình tôi phải chống chọi với sự kỳ thị của xã hội vô cùng lớn. Mỗi lần mẹ tôi đi chợ, họ nói bà chết đi, con bà nghiện như thế, bà sống làm gì? Những lúc như vậy, mẹ tôi đều cúi mặt đi về.

Bố tôi là Phó Chủ tịch Cựu chiến binh thị trấn Hòa Mạc (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), trong các cuộc họp, ông cũng bị chính những người lính vào sinh ra tử cùng mình trong hai cuộc chiến, nói ông từ chức vì con ông là một thằng nghiện”- anh Lê Trung Tuấn kể.

Anh Tuấn chia sẻ, thời gian đầu bố mẹ gửi anh đi cai nghiện hết trung tâm này đến trung tâm khác. Nhưng chỉ cần ra khỏi trung tâm được 15 phút, anh lại tái sử dụng ma túy. Vợ anh cũng đã hai, ba lần cắt mạch máu tự tử để cố gắng thức tỉnh chồng từ bỏ ma túy.

8 3

 

Sau một lần sốc thuốc, Tuấn tỉnh lại trong vòng tay của mọi người, trong tiếng gào khóc xé lòng của người mẹ già. Đến lúc này, lương tri trong anh lại một lần nữa trỗi dậy. Bấy giờ, anh mới thấm hiểu thêm một điều: Cái chết không giải quyết được tất cả. Chết đi, anh vẫn là con dao sắc nhọn lẹm sâu vào trái tim bố mẹ vốn đã nhiều lần rỉ máu vì anh. Dù có tan biến trong cõi trần này, anh vẫn là nỗi ám ảnh, kinh sợ của dân làng, là nỗi tủi hổ, nhục nhã của bố mẹ. Vì vậy, anh tự hứa với lòng sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy, quyết tâm làm lại cuộc đời, bằng nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để quên đi ma túy.

Dần dần cai nghiện thành công, Lê Trung Tuấn thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn mà một người nghiện ma túy phải trải qua. Anh luôn đau đáu, ấp ủ suy nghĩ phải có phương pháp truyền thông hữu hiệu trong việc phòng chống ma túy. Làm thế nào để nâng cao nhận thức cho cộng đồng?

3

 

Tháng 3/2014, anh Tuấn quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người sử dụng ma túy (bây giờ là Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) - do anh là Chủ tịch Hội đồng quản lý. Đây là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam tiến hành nghiên cứu tâm lý của người sử dụng các loại ma túy.

5 3

 

Anh Lê Trung Tuấn cho biết, ngoài mục tiêu giúp người sử dụng ma túy cai nghiện một cách bền vững dựa trên những phân tích, nghiên cứu tâm lý của nhóm đối tượng này, PSD còn hướng tới làm giảm các tác hại với sức khỏe và xã hội liên quan tới sử dụng ma túy.

Từ đó giúp người sử dụng ma túy thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong cộng đồng. Khi hoàn thành quy trình cai nghiện tại PSD người nghiện ma túy sẽ có cơ hội được làm việc tại hệ thống doanh nghiệp, tái hòa nhập xã hội.

“Thông điệp với các bạn trẻ học sinh, sinh viên là đừng bao giờ sử dụng ma túy dù chỉ một lần. Bởi vì những con đường đến với nó chỉ là những cái chết. Tôi mong xã hội sẽ có cái nhìn nhân văn hơn, khách quan hơn và bớt đi sự kỳ thị, giúp đỡ những người đã từng sử dụng ma túy thật lòng và bằng trái tim của chính mình”- anh Tuấn chia sẻ.

TS. Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý PSD cũng cho biết, từ khi thành lập đến nay, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã giúp hàng nghìn người làm lại cuộc đời. Hàng trăm nghìn người được tập huấn phòng chống ma túy, nhiều đề tài khoa học về phòng chống ma túy đã được bảo vệ, nhiều giải pháp phòng chống ma túy cho quốc gia được PSD đề xuất.

Dự phòng tái nghiện vẫn là thách thức của thế giới

11 3

 

Theo thống kê của Bộ Công an, trên thế giới, số người sử dụng ma túy trong độ tuổi 15-64 tuổi tăng từ 226 triệu người năm 2010 lên 255 triệu người năm 2017.

Số người sử dụng ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á chiếm 1/2 số người sử dụng loại ma túy này trên thế giới.

Cũng theo Bộ Công an, hiện các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng, che dấu sự kiểm tra, giám sát, phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.

Năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292, đến nay sau 3 năm danh mục đã tăng lên gấp đôi với tổng số 559 chất và tiền chất. Có những chất ma túy mới xuất hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Điều đáng nói, không chỉ gia tăng về số lượng, các loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng nồng độ gây ảo giác, nguy cơ tử vong cao.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, việc sử dụng ma túy, sử dụng các chất gây nghiện gây tổn thương não khiến việc hồi phục khó khăn. Điều này dẫn đến việc tái nghiện đối với những người sử dụng ma túy là khá phổ biến.

“Khi những tổn thương não không phục hồi và giảm các chất nội tiết do hậu quả của việc sử dụng ma túy dẫn đến người sử dụng ma túy lệ thuộc vào ma túy. Việc lệ thuộc ấy thôi thúc họ tái nghiện nếu có điều kiện. Việc cai nghiện rất khó khăn, việc dự phòng tái nghiện đang là một thách thức của cả thế giới”- TS Hoàng Đình Cảnh cho biết.

(Nguồn: agazine.vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn