Hai cô gái chết bất thường ở Hưng Yên: Thực nghiệm hiện trường khác cáo trạng?

Pháp đìnhThứ Năm, 17/09/2020 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

Quá trình tự dựng lại hiện trường vụ việc, luật sư và gia đình 2 nạn nhân chỉ ra điểm mâu thuẫn trong cáo trạng vụ 2 cô gái chết bất thường trên cầu ở Hưng Yên.

Clip: Luật sư và gia đình dựng lại hiện trường vụ hai cô gái chết trên cầu ở Hưng Yên

Theo dự kiến, vào ngày 21/9, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Bị cáo trong vụ án là Vũ Tuấn Anh (tức Mạnh, SN 1998, trú tại xã Hoàn Long, Yên Mỹ, Hưng Yên). Bị hại trong vụ án là em L.T.N. (SN 2004, xã Thanh Long, Yên Mỹ, Hưng Yên) và N.T.T. (SN 2006, trú tại xã Hoàn Long, Yên Mỹ, Hưng Yên).

Trải qua 2 phiên tòa sơ thẩm, 1 phiên tòa phúc thẩm, luật sư cùng gia đình bị cáo, nạn nhân đều không đồng tình với quan điểm của Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông. Họ nhận định đây là vụ giết người dựng hiện trường giả nên tiếp tục kháng cáo.

Dựng lại hiện trường

Luật sư bào chữa cho bị báo và bị hại từng nhiều lần đề nghị cơ quan tố tụng thực nghiệm hiện trường vụ án để làm rõ những điểm tranh cãi nhưng đề nghị này không được chấp thuận.

Ngày 15/9, luật sư và các gia đình nạn nhân, bị cáo tự tổ chức thực nghiệm hiện trường tại khu vực cầu vượt Yên Phú nơi hai cô gái thiệt mạng.

Hai ông bố của các nạn nhân quyết định đi xe máy chạy 35-45km/h để thực nghiệm hiện trường.  Buổi thực nghiệm còn được lập vi bằng để có tài liệu khách quan gửi HĐXX trong phiên tòa tới đây.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho buổi thực nghiệm, gia đình nạn nhân bố trí người phân luồng, báo hiệu cho làn xe đi về hướng xã Đồng Than. Hai ông bố của hai nạn nhân trang bị mũ bảo hiểm, quần áo dài, miếng xốp lót tay, chân để tránh trầy xước khi va chạm.

Hai cô gái chết bất thường ở Hưng Yên: Thực nghiệm hiện trường khác cáo trạng? - 1

Vị trí cành cây là điểm xe máy tông vào dải tôn hộ lan khiến 2 thiếu nữ thiệt mạng.

Do xe máy nhãn hiệu Sirius của bị cáo Vũ Tuấn Anh vẫn là vật chứng của vụ án nên gia đình nạn nhân lấy chiếc xe máy tương tự để thực nghiệm.

Dưới thời tiết nắng nóng, mọi ánh mắt đổ dồn về phía hai người đàn ông lái xe máy đi ngược chiều lên cầu vượt Yên Phú và tông vào dải hộ lan.

“Được rồi, để lần này tôi chạy với vận tốc khoảng 50km/h trước khi tông vào dải hộ lan, anh Thành ngồi sau sẽ nhảy ra trước, còn tôi nhảy ra sau”, anh Sáu – bố nạn nhân T. nói.

Hai cô gái chết bất thường ở Hưng Yên: Thực nghiệm hiện trường khác cáo trạng? - 2

Chiếc xe đâm vào dải tôn hộ lan.

Theo hồ sơ vụ án, khi xe máy chở hai cô gái đi ngược chiều lên cầu vượt Yên Phú đã tông vào dải hộ lan khiến cho cả hai thiệt mạng. Tiếp đó, xe máy lao tự do lên cầu về phía bên phải đường và va chạm vào thành cầu bên phải làm rơi đèn pha phía trước.

Trong khi đó, luật sư và gia đình các nạn nhân cho rằng, nếu đâm vào dải hộ lan thì đầu xe phải vỡ, chứ không phải chỉ vỡ đèn pha.

Đồng thời, họ cho rằng, đèn pha xe cao hơn dải hộ lan nên khi va chạm không thể vỡ hộp đèn. Và xe không thể tự lao lên dốc cầu cao hơn 3m về làn đường đối diện, rồi cách nạn nhân 100m.

Trải qua 5 lần thực nghiệm đi với vận tốc từ 35-45km/h, may mắn anh Thành và anh Sáu không bị thương tích.

“Kết quả cho thấy, khi tông vào dải hộ lan, xe máy không bị vỡ đèn pha, cũng như để xe tự lao vào dải hộ lan nhưng chiếc xe không hề lao sang bên kia cầu…

Dưới góc độ của gia đình chúng tôi nhận định, đây không thể là vụ tai nạn giao thông, mà là vụ án giết người, dựng hiện trường giả.

Chúng tôi rất mong cơ quan chức vào cuộc sát sao hơn nữa, trả lại hồ sơ, điều tra lại vụ án”, anh Thành - bố nạn nhân N. nói.

Anh Thành chia sẻ, gia đình chỉ chấp nhận những bằng chứng phân tích logic và cho rằng cáo trạng của VKSND Yên Mỹ vào năm 2019 là không khách quan.

Hai cô gái chết bất thường ở Hưng Yên: Thực nghiệm hiện trường khác cáo trạng? - 3

Đèn xe khi tông vào dải hộ lan tại buổi thực nghiệm hiện trường không bị vỡ, còn theo cáo trạng thì ngược lại.

Luật sư Phạm Thị Thu (bào chữa cho bị cáo Vũ Tuấn Anh) cho biết, trong những vụ án có nhiều điểm hoài nghi, không logic thì việc thực nghiệm hiện trường là rất cần thiết.

“Trong nội dung cáo trạng của VKS huyện Yên Mỹ, chúng tôi thấy có những điểm bất hợp lý nên chúng tôi thực nghiệm hiện trường. Qua 5 lần dựng với nhiều tốc độ khác nhau cho ra kết quả không như trong cáo trạng nêu. Tài liệu chứng cứ này chúng tôi sẽ cung cấp cho phiên tòa tới đây”, luật sư Phạm Thị Thu nói.

Tai nạn hay bị giết?

Trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2020, luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn Anh và luật sư bảo vệ quyền lợi bị hại cho rằng, cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình lấy lời khai; các kết luận giám định chưa làm rõ được nguyên nhân chết và chỉ rõ vật gây ra thương tích cho 2 nạn nhân; chưa có căn cứ vững chắc xác định em N. là người lái xe chở T. đâm vào dải tôn hộ lan cầu; có sự bất thường về chiếc xe mô tô nên đề nghị thực nghiệm lại hiện trường…

“Tại hiện trường không có mẫu răng của các nạn nhân nên đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung”, các luật sư đề nghị.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định, các dấu vết thu được tại hiện trường không thể hiện việc 2 cô gái bị giết hoặc va chạm với phương tiện khác, ngược lại hình dạng vết thương trên cơ thể nạn nhân do va chạm với mặt đường và dải tôn hộ lan.

Bởi vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Vũ Tuấn Anh 1 năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt đầu thi hành án.

Theo cáo trạng, khoảng 19h15 ngày 19/6/2018, L.T.N. và N.T.T. cùng Vũ Tuấn Anh với hơn chục người nữa dự sinh nhật của Nguyễn Thị Hà (SN 2003, trú xã Hoàn Long) ở nhà riêng.

Trong bữa cơm, nhóm người trên uống hết 4 keg bia hơi Hà Nội (loại 2 lít/keg) và 1 chai rượu 500ml.

Sau đó, những người này đến quán karaoke ở xã Yên Phú (Yên Mỹ) để hát. Tại đây, nhóm này tiếp tục uống hơi 20 chai bia các loại.

Đến 21h30 cùng ngày, nhóm của Hà không hát nữa và ra về. Khi này, L.T.N. hỏi mượn xe mô tô BKS: 36M1-01915 của Vũ Tuấn Anh để chở N.V.D. (trú tại thôn Đại Hạnh, xã Hoàn Long) về nhà.

Tuy biết N. chưa đủ tuổi lái xe nhưng Tuấn Anh vẫn đồng ý cho mượn và dặn N. đi cẩn thận. Sau khi chở D. về nhà, N. quay lại quán karaoke và đón N.T.T. đến nhà A. để lấy chìa khóa xe đạp điện của A. để đi.

L.T.N lái xe máy chở N.T.T đi theo chiều xã Đồng Than đi xã Yên Phú. Tuy nhiên, hai người này đi vào làn đường ngược chiều.

Khi đến dốc cầu Yên Phú, xe máy va chạm mạnh vào dải tôn hộ lan ở lề đường bên trái hướng đi, làm N. và T. văng ra, va đập vào dải tôn hộ lan và ngã xuống đường thiệt mạng.

“Xe máy tiếp tục đi tự do lên cầu về phía bên phải đường, rồi va chạm vào thành cầu bên phải làm rơi đèn pha phía trước, sau đó đổ nghiêng dựa vào thành cầu”, cáo trạng nêu.

Theo kết luận giám định pháp y của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, nạn nhân N.T.T. thiệt do chấn thương ngực, vỡ rách cuống tim và bị đa chấn thương, đồng thời có ma túy trong mẫu máu và nồng độ Ethanol là 56,8mg/100ml.

Còn nạn nhân L.T.N. thiệt mạng do chấn thương sọ, hàm mặt, mất máu cấp trên người bị đa chấn thương và tìm thấy ma túy trong mẫu máu của nạn nhân, cùng nồng độ Ethanol là 304mg/100ml.

Tuy nhiên, camera an ninh tại quán karaoke, cũng như kết quả test ma túy những người tham dự buổi sinh nhật đều không cho thấy nhóm này sử dụng ma túy. Gia đình nạn nhân N. cũng cho rằng, cô bé với nồng độ cồn 304mg/100ml tương đương sử dụng 3 lít rượu là điều không thể.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn