Diễn biến đáng chú ý tại phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm

Pháp luậtThứ Hai, 14/05/2018 10:42:00 +07:00

Phiên toà xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm có nhiều diễn biến mới đáng chú ý.

Chiều nay (14/5), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm với ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí – PVN) cùng 13 người xin xem xét lại tội danh, kêu oan, xin giảm án, giảm trách nhiệm dân sự về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản (điều 165, 278 Bộ luật Hình sự 1999).

Bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên đầu năm 2018 xác định ông Thăng cùng 21 bị cáo đã có các hành vi: chỉ định thầu xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái luật, ký hợp đồng thi công tổng thầu không đủ cơ sở pháp lý (hợp đồng 33), tạm ứng 6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng vốn trái quy định, sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích gây thiệt hại 119 tỷ đồng, "rút ruột" 13 tỷ đồng quỹ dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch.

Tại phiên phúc thẩm mở từ ngày 7/5, nhiều bị cáo đã "gỡ" trách nhiệm của mình bằng việc chứng minh đó là nhiệm vụ của người khác.

Các cựu lãnh đạo cao cấp của PVN cho rằng chỉ có lỗi trong vai trò của người đứng đầu. Còn thuộc cấp của họ lại khăng khăng có việc làm sai do phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên.

Ông Trịnh Xuân Thanh rút toàn bộ kháng cáo

Ngay trong ngày khai mạc phiên tòa (7/5), thư ký phiên tòa công bố cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút toàn bộ kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn sau đó cho hay ngày 2/5, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin rút đơn kháng cáo của toàn bộ hai bản án mà ông Thanh đã bị đưa ra xét xử.

Cũng trong đơn, ông Thanh nêu vì lý do sức khỏe nên xin vắng mặt tại phiên tòa. HĐXX sau đó đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

F0A5886A-5225-4450-8252-AB7426310625_cx0_cy8_cw0_w1023_r1_s 5

 Ông Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa sơ thẩm.

Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã kháng cáo kêu oan đối với cả hai tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản mà bản án sơ thẩm đã tuyên.

Cạnh đó, ông Trịnh Xuân Thanh cũng đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ trách nhiệm dân sự của ông.

Cũng trong ngày 7/5, anh Trịnh Hùng Cường (con trai ông Trịnh Xuân Thanh) đã nộp đơn rút kháng cáo. Anh Cường kháng cáo đề nghị cơ quan chức năng trả lại cho anh một số tài sản gồm biệt thự, căn hộ và ô tô… là tài sản bị kê biên trong vụ án.

Ông Thăng nhận tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Trong vụ án này, tại phiên sơ thẩm, ông Đinh La Thăng chỉ nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu PVN.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, ông Thăng thừa nhận mình đã có hành vi thiếu trách nhiệm - đây là điều kiện, nguyên nhân dẫn đến hậu quả của vụ án như được đánh giá.

Video: Ông Đinh La Thăng nhận tội thiếu trách nhiệm

Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội, trong phần tranh luận đã khẳng định, ông Thăng phạm tội theo Điều 165 BLHS (tội cố ý làm trái) chứ không phải Điều 285 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Vị đại diện VKS cũng cho rằng có điều kiện áp dụng cho bị cáo Thăng tình tiết giảm nhẹ là “khai nhận hành vi phạm tội” (trước đây là điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”).

“Mức án 13 năm có phần nghiêm khắc với bị cáo nhưng đây là sự nghiêm khắc cần thiết” - đại diện VKS nói thêm khi thực hiện đối đáp lần hai.

Cựu Phó Tổng Giám đốc PVN rút kháng cáo dân sự, khắc phục xong 7,5 tỷ đồng

Sáng 8/5, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – cựu Phó TGĐ PVN (bị toà sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù) rút kháng cáo xin giảm trách nhiệm dân sự còn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Quốc Khánh phải bồi thường 7,5 tỷ đồng cũng như khắc phục phần liên đới. Bị cáo cho biết đã cùng gia đình khắc phục được 6 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tác động gia đình để bồi thường số tiền còn lại.

Lúc hơn 10h, khi phiên tòa đang diễn ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cho biết,  gia đình bị cáo đã chuyển tới luật sư biên lai nộp nốt số tiền 1,5 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 7,5 tỷ đồng theo bản án sơ thẩm.

Theo lời khai của bị cáo Khánh, ông bị thúc ép về tiến độ nên hợp đồng chưa đủ điều kiện, vẫn đôn đốc ký hợp đồng EPC 33 theo đúng quy trình.

Sau khi có cuộc họp của HĐTV rà soát mới biết hợp đồng này thiếu điều kiện và nhất là thiếu điều khoản về thanh toán. Do hợp đồng 33 chưa hoàn thiện nên sau đó phải chuyển về tập đoàn để đàm phán hoàn thiện.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng nêu các lý do xin giảm nhẹ hình phạt mà theo bị cáo là chưa được xem xét một cách đầy đủ ở phiên toà sơ thẩm như hợp tác điều tra, thành khẩn khai báo cũng như chủ động khắc phục trách nhiệm dân sự, bản thân có nhiều thành tích và phạm tội lần đầu.

Ông Thăng ‘đổ lỗi’ cho PVPower và PVC

Sáng 9/5, cựu Chủ tịch PVN tiếp tục khẳng định không phạm tội. Ông Thăng lý giải, phiên tòa hồi tháng 1 chưa xem xét toàn diện bối cảnh dự án Thái Bình 2 trong hoàn cảnh chung. Lúc đó, các tập đoàn kinh tế được phép đầu tư, phát triển kinh tế đa ngành.

la-thang1 14

Các bị cáo tại phiên tòa.   (Ảnh: TTXVN)

Theo lời bị cáo, giai đoạn đó, các dự án trọng điểm như thế được phép vừa thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ.

Thứ hai là tòa sơ thẩm không xem xét toàn diện bối cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt  điện Thái Bình 2.

Bị cáo Thăng cho rằng việc PVN chỉ định thầu (Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) đã được Thủ tướng chính phủ đồng ý. Tiếp đến là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm của nhà nước và nó được vừa thiết kế vừa thi công.

Trước tòa, người từng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho rằng, dự án này đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng.

Lúc đó, TGĐ thực hiện với trách nhiệm rất cao và đã phân công cụ thể. Từ đó, bị cáo Thăng mong muốn trách nhiệm, chức năng hội đồng thành viên phải được làm rõ.

Cựu Chủ tịch tập đoàn khẳng định, vai trò của ông là đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện chủ trương khởi công dự án, còn thực hiện như thế nào là việc của nhà đầu tư, tức là PVC và PVPower.

Với quy kết của tòa sơ thẩm, việc bị cáo biết rõ năng lực tài chính của PVC không đủ nhưng vẫn chỉ định làm tổng thầu, ông Thăng giãi bày lúc đó, theo báo cáo của đơn vị này, các chỉ tiêu tài chính đều đạt. Các năm 2009, 2010 và 2011 PVC đều có lãi. Thậm chí, năm 2011 lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Giải thích về việc PVN giao cho PVC làm tổng thầu dự án Thái Bình 2, ông Thăng trả lời, ban đầu, tập đoàn tìm liên danh tổng thầu. Tuy nhiên, sau đàm phán, một nhà thầu nước ngoài không đồng ý nên PVN đã giao PVC làm tổng thầu duy nhất.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các thuộc cấp phải ứng tiền cho đơn vị này dù biết hợp đồng số 33 chưa đủ pháp lý. 

Giải thích trước tòa phúc thẩm, Đinh La Thăng nói bản thân không được cấp dưới báo cáo về nội dung hợp đồng số 33 trong các cuộc họp.

Ông Thăng thừa nhận việc ép tiến độ khởi công dự án là điều đương nhiên, giám sát đẩy nhanh tiến độ là việc bắt buộc. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng là quyền của các đơn vị PVC và PVPower, lãnh đạo tập đoàn không ai chỉ đạo 2 đơn vị này phải ký theo nội dung nào. 2 đơn vị đó đã tự bịa ra các hợp đồng khống.

Triệu tập nhân chứng đặc biệt

Sáng 9/5, sau khi nghe những lời khai của Đinh La Thăng, lúc 9h30, chủ tọa bất ngờ tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Theo HĐXX, để làm rõ lời khai của ông Thăng và các bị cáo, tòa triệu tập ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011) vào 14h ngày 9/5.

photo-1-15258547361591124239016 15

 

Ông Kỳ, nguyên là chánh văn phòng PVN vào thời điểm vụ án cố ý làm trái diễn ra tại tập đoàn này (2011), đã được mời tới phiên toà để làm rõ nhiều nội dung quan trọng. 

Chiều 9/5, có mặt tại tòa theo triệu tập, ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN), hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVPower xác nhận, từ tháng 11/2010, ông được giao làm Chánh văn phòng PVN và kết thúc nhiệm vụ vào tháng 4/2013.

Theo lời khai của ông Kỳ, văn phòng PVN đã sử dụng một hệ thống quản lý văn thư lưu trữ điện tử, có thể lưu trữ chu đáo, cẩn trọng trên hệ thống. Nhân chứng này cho rằng nếu cần thiết truy xuất từng văn bản thì văn phòng có thể làm cụ thể để báo cáo.

Về nguyên tắc, việc chuyển văn bản cho ai, đến ai xử lý thì hoàn toàn thực hiện theo phân công nhiệm vụ trong HĐQT, HĐTV và Ban TGĐ.

Ông Kỳ cho rằng, thời gian đó, đã phân công cho ông Khương Văn Đạt, Phó Chánh văn phòng trực tiếp phụ trách công tác văn thư, lưu trữ của văn phòng xử lý văn bản các đơn vị gửi lên Tập đoàn, các thành viên HĐTV, Ban TGĐ. Ông Đạt là người trực tiếp phân phối công văn đến lãnh đạo PVN.

PVN không xin giảm án cho ông Đinh La Thăng

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của PVN cho hay ngày 27/4/2018, PVN có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có HĐXX và TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xem xét thành tích, đóng góp của một số bị cáo nguyên là lãnh đạo của tập đoàn.

Văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bốn bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh và Lê Đình Mậu.

Như vậy, văn bản của PVN không đề cập đến việc xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng.

Được sự đồng ý của Thủ tướng

Ngày 10/5, tại tòa, Thăng cho biết, thời điểm PVC được chỉ định làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không có bất kỳ một nhà thầu VN nào có kinh  nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện có công suất 1200 MW và 2 tổ máy.

Chỉ duy nhất một nhà thầu được CP chỉ định làm tổng thầu dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 là nhà thầu Lilama. Lilama cũng là lần đầu tiên thực hiện chứ không phải có kinh nghiệm rồi, và dự án này cũng bị chậm tiến độ hơn 3 năm.

bi-cao-dinh-la-thang-nghe-toa-tuyen-an2c-ngay-293_kpmq-1357476 7

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm.  (Ảnh: TTXVN)

Ông Thăng cũng khẳng định, quá trình triển khai phương án lập liên danh nhà thầu, không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào đồng ý làm liên danh. Đây là lý do chủ yếu để phải xin phép Thủ tướng chỉ định tổng thầu đối với PVC.

Về trình tự chỉ định tổng thầu theo điều 41 NĐ 85, ông Thăng cho biết, chủ đầu tư phải lựa chọn được nhà thầu chỉ định trước, sau đó sẽ được mời và xem xét hồ sơ mời thầu.

Nhà thầu được chỉ định sẽ chuẩn bị hồ sơ về năng lực, kỹ thuật... theo yêu cầu của hồ sơ thầu. Chủ đầu tư sẽ xem xét đánh giá, nếu được thì chỉ định, không được thì tiếp tục lựa chọn nhà thầu trước. Như vậy phải chỉ định trước, sau đó mới tiến hành đàm phán.

“Thủ tướng đồng ý. Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tập đoàn cũng đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật....”- ông Thăng nói và khẳng định nếu PVC không bảo đảm các yêu cầu thì vẫn có thể báo cáo lựa chọn nhà thầu khác.

“Việc chỉ định thầu đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng. Thực tế, sự chỉ đạo của Tập đoàn rất quyết liệt, nhưng quá trình thực hiện, một số đơn vị đã sai phạm...” - ông Thăng nói.

Về việc sử dụng tiền tạm ứng, ông Thăng khẳng định "PVC là đơn vị hạch toán độc lập, đó là quyền của PVC. Tuy nhiên, việc này PVC đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo trực tiếp của tôi tại công trường".

Đề nghị bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù với ông Đinh La Thăng

Đại diện VKS nhận định, trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” này, bị cáo Đinh La Thăng là người đứng đầu một tập đoàn kinh tế mũi nhọn được Nhà nước tin tưởng giao cho thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng đã không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý kinh tế.

xu-phuc-tham-ong-dinh-la-thang-bi-de-nghi-y-an 16

VKS đề nghị bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù với ông Đinh La Thăng

 Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng kinh tế trong khi không có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng, vượt qua cả Nghị quyết của HĐTV; chỉ đạo việc cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng không đúng, vi phạm các quy định của pháp luật.

Mặc dù tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo và các luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo không có tội hoặc phạm tội khác. Tuy nhiên, với chứng cứ và lời khai của các bị cáo cũng như tài liệu có trong hồ sơ đủ căn cứ khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Vị đại diện VKS khẳng định truy tố của Viện kiểm sát tại cấp sơ thẩm là có căn cứ và không oan, sai. Bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo kêu oan, đề nghị thay đổi tội danh nhưng kháng cáo này không có căn cứ và cũng không có tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Trước đó, toà sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.

Ông Đinh La Thăng bức xúc "có 6 cấp lãnh đạo nhưng chỉ tôi phải chịu hết"

Ngày 11/5, tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng không đồng tình với quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát.

“Tại tòa sơ thẩm, thông qua việc tranh tụng, thẩm vấn, tôi có nêu các căn cứ xác đáng, luật sư bào chữa cũng nêu các căn cứ rõ ràng nhưng không được HĐXX xem xét. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định kháng cáo, coi đây là cơ hội để làm rõ những quy kết chưa thỏa đáng, mong tòa cấp cao xem xét…” - ông Thăng nói.

“Nhiều tình tiết mới chưa được đánh giá nên phần buộc tội với cá nhân tôi gần như nguyên văn án sơ thẩm, không có sự cập nhật các tình tiết mới.

dinh_la_thang_sang_21_fhbx 8

Ông Thăng cho rằng, dù 6 cấp lãnh đạo, từ Chính phủ trở xuống liên quan đến vụ án này nhưng ông là người phải chịu hết.

Tôi cảm nhận rằng hình như đối với cá nhân tôi, tất cả những gì dù không phải là trách nhiệm của tôi cũng đều buộc cho tôi, chỗ nào cũng liên quan đến ông Thăng. Dù 6 cấp lãnh đạo, từ Chính phủ trở xuống liên quan đến vụ án này nhưng tôi là người phải chịu hết.

Tôi càng nói, càng trình bày, dẫn chứng các bằng chứng thể hiện tôi không phạm tội cố ý làm trái thì lại càng bị cáo buộc nặng hơn, cho rằng quanh co chối tội, không thành khẩn" - cựu Chủ tịch PVN bức xúc.

Ông Thăng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét trách nhiệm của ông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã giao theo quy chế của PVN.

Về việc ký Hợp đồng EPC số 33, ông Thăng cho rằng đây là mấu chốt của vụ án.

xu-phuc-tham-ong-dinh-la-thang-bi-de-nghi-y-an-1 16

Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại tòa phúc thẩm.

“Không có hợp đồng này thì không ai phải ra tòa. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và của tổng thầu. Ban Tổng Giám đốc không biết thì tôi với tư cách là Chủ tịch HĐTV càng không thể biết. Việc ký kết là 2 bên hoàn toàn tự nguyện với nhau. Tài liệu, chứng cứ đưa ra đều là sự bàn bạc của PVPower mà vẫn gắn tôi chỉ đạo”.

Ông Thăng đề nghị HĐXX gọi ông Vũ Huy Quang (nguyên TGĐ PVPower) hỏi rõ xem ông và bị cáo Phùng Đình Thực (cựu TGĐ PVN) và Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó TGĐ PVN) có chỉ đạo, ép buộc ký hợp đồng không.

Các luật sư của bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng, ông Vũ Huy Quang là người trực tiếp ký hợp đồng 33.

Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đưa hàng chục cán bộ, lãnh đạo PVN, PVC ra toà với tư cách bị cáo. Vậy nhưng ông này lại ngồi ngoài với tư cách nhân chứng là điều bất hợp lý.

Minh Khánh
Bình luận
vtcnews.vn