Cựu Phó Tổng Giám đốc PVN rút kháng cáo dân sự, khắc phục xong 7,5 tỷ đồng

Pháp luậtThứ Ba, 08/05/2018 14:59:00 +07:00

Khi phiên toà đang diễn ra, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã chuyển tới tòa biên lai nộp nốt số tiền 1,5 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ số tiền 7,5 tỷ đồng.

Sáng nay, phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Một điểm đáng chú ý tại phiên toà sáng nay là việc bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – cựu Phó TGĐ PVN (bị toà sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù) rút kháng cáo xin giảm trách nhiệm dân sự còn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hình sự.

Cựu Phó Tổng Giám đốc PVN rút kháng cáo dân sự, khắc phục xong 7,5 tỷ - Ảnh 1.

 Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh trả lời HĐXX sáng 8/5.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Quốc Khánh phải bồi thường 7,5 tỷ đồng cũng như khắc phục phần liên đới. Bị cáo cho biết đã cùng gia đình khắc phục được 6 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tác động gia đình để bồi thường số tiền còn lại.

Lúc hơn 10h, khi phiên tòa đang diễn ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cho biết,  gia đình bị cáo đã chuyển tới luật sư biên lai nộp nốt số tiền 1,5 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 7,5 tỷ đồng theo bản án sơ thẩm.

“Bị cáo nhẹ nhõm trong lòng khi hoàn thành tâm nguyện về việc khắc phục phần dân sự của vụ án” – bị cáo Khánh nói sau khi nghe luật sư thông tin.

Chủ toạ cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, PVN có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo như Phùng Đình Thực, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu và cả Nguyễn Quốc Khánh.

photo-3-15256743590791023591712 3

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN) 

Theo lời khai của bị cáo Khánh, ông bị thúc ép về tiến độ nên hợp đồng chưa đủ điều kiện, vẫn đôn đốc ký hợp đồng EPC 33 theo đúng quy trình. Sau khi có cuộc họp của HĐTV rà soát mới biết hợp đồng này thiếu điều kiện và nhất là thiếu điều khoản về thanh toán. Do hợp đồng 33 chưa hoàn thiện nên sau đó phải chuyển về tập đoàn để đàm phán hoàn thiện.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng nêu các lý do xin giảm nhẹ hình phạt mà theo bị cáo là chưa được xem xét một cách đầy đủ ở phiên toà sơ thẩm như hợp tác điều tra, thành khẩn khai báo cũng như chủ động khắc phục trách nhiệm dân sự, bản thân có nhiều thành tích và phạm tội lần đầu.

Video: Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luận tội các bị cáo

Theo bản án sơ thẩm, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc chậm tiến độ làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải trả.

Nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục phát sinh sau vụ án.

Sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của Đinh La Thăng, PVC đã được tạm ứng số tiền hơn 6.607 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. PVC đã dùng số tiền hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích.

Khoản tiền này, sau một thời gian mới được trả lại cho Ban quản lý dự án. Vì tiền đã được trả lại nên các luật sư, bị cáo xác cho là không gây hậu quả. Nhưng theo HĐXX cấp sơ thẩm, hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép.

Nếu tất cả các bộ, ngành đều tùy tiện sử dụng tiền và tạm ứng như vậy sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế, còn việc trả lại chỉ là tình tiết xem xét làm giảm nhẹ chứ không phải là không có hậu quả.

Minh Khánh
Bình luận
vtcnews.vn