Bị khởi tố, bảo mẫu bạo hành trẻ dã man ở Đà Nẵng có thể đối diện mức án nào?

Pháp luậtThứ Sáu, 25/05/2018 16:48:00 +07:00

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, hành vi bạo hành trẻ dã man của bảo mẫu đã phạm vào khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ một đến ba năm chưa kể các tình tiết tăng nặng

Liên quan đến việc bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non tại Đà Nẵng đang gây phẫn nộ trong dư luận, trả lời PV VTC News, luật sư Trương Quốc Hòe  - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hành vi của bảo mẫu là đáng lên án, gây phẫn nộ xã hội và nhất thiết phải xử lý nghiêm.

truong quoc hoe 3

Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng hành vi của bảo mẫu là hết sức đáng lên án, gây phẫn nộ xã hội và nhất thiết phải xử lý nghiêm.  

Theo luật sư Hòe, hành vi của bảo mẫu (ép cháu bé nằm xuống để liên tục đổ thức ăn vào miệng, trùm áo lên mặt cháu bé, tát vào mặt, dùng tay nắm vào đầu nhấc cháu bé lên...) là hành vi hết sức độc ác, thực hiện đối với các cháu nhỏ hoàn toàn không có khả năng chống cự, tự vệ và đang bị lệ thuộc, gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần cho các cháu, cả các cháu bị xâm phạm trực tiếp cũng như các cháu chứng kiến sự việc.

“Hành vi này có dấu hiệu của tội hành hạ người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 2015. Để kết luận chính xác hành vi phạm tội thì nhất thiết phải tiến hành trưng cầu giám định để xác định xem các cháu có bị xâm phạm về thân thể hay không, có bị thương tích, tổn hại gì không”, ông Hòe nói.

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết thêm, hành vi của bảo mẫu thực hiện đối với các cháu nhỏ phạm vào khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự, tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này “Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ”.

“Người phạm tội theo khoản này có thể phải chịu mức hình phạt tù từ 1 đến 3 năm. Tuy nhiên, để lượng hình cụ thể thì cơ quan tố tụng còn phải xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như các tình tiết khác của vụ án”, luật sư Hòe cho biết.

Nói về việc ngày càng gia tăng những vụ bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, thực chất không phải thời gian gần đây mới xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em như thế này mà đúng hơn, gần đây những vụ việc như vậy mới bị phanh phui và đưa ra ánh sáng.

“Tôi tin rằng, những vụ việc tương tự vẫn còn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu kết thúc nếu việc quản lý các cơ sở trông giữ trẻ còn quá lỏng lẻo như hiện nay. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với người vi phạm còn quá nhẹ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc coi thường pháp luật của một bộ phận người dân” ông Hòe nhận định.

Cũng theo luật sư Trương Quốc Hòe, trẻ em là đối tượng hết sức nhạy cảm, bất cứ hành vi bạo lực nào (dù là đánh đập hay quát mắng, chửi bới, dọa dẫm,...) tác động đến trẻ cũng đều có ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.

Không chỉ những vụ việc liên quan đến việc trẻ em bị bạo hành mà gần đây có quá nhiều vụ việc liên quan đến việc trẻ bị xâm hại nghiêm trọng, đây là tín hiệu đáng buồn và đáng để suy ngẫm.

“Trẻ em được ví “như búp trên cành”, mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng luôn cần được bảo vệ đặc biệt, chính vì vậy, theo tôi nhất thiết phải có những quy định riêng để bảo vệ quyền lợi có các cháu, bất cứ hành vi tác động xấu đến trẻ nhỏ đều cần phải được xử lý nghiêm, với mức hình phạt nặng hơn so với việc tác động vào các đối tượng khác.

Có như vậy mới đủ sức răn đe đối với người có hành vi phạm tội cũng như đối với xã hội, từ đó đẩy lùi tội phạm liên quan đến trẻ nhỏ”, luật sư Hòe chia sẻ.

Video: Bảo mẫu bóp đầu, tát trẻ dã man ở Đà Nẵng: 4 phụ huynh gửi đơn tố cáo

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn