Pháp luật chưa quy định 'đất ở không hình thành đơn vị ở'

Bất động sảnThứ Ba, 03/03/2020 06:36:52 +07:00
(VTC News) -

Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai (Bộ TN&MT) về loại hình đất ở không hình thành đơn vị ở.

Bà Phạm Thị Thịnh cho biết, thời gian qua có nhiều địa phương đưa ra loại đất ở không hình thành đơn vị ở. Điều này là vượt quá khuôn khổ của pháp luật.

“Nếu đã là đất ở thì quy hoạch sử dụng phải cho nó là đất ở, khi giao đất căn cứ vào quy hoạch thì nó là đất ở. Để được duyệt quy hoạch thì nhà lập quy hoạch phải căn cứ vào quy mô dân số, các điều kiện cho dân số phát triển... Đất ở không hình thành đơn vị ở thì pháp luật chưa quy định, dẫn đến thông tin đầu vào chưa chuẩn, sự mù mờ giữa nhà đầu tư sơ cấp và nhà đầu tư thứ cấp.

Do đó, văn bản 703 sẽ giúp sự quảng bá dự án của nhà đầu tư chuẩn xác về thời gian giao đất, cũng như mục đích sử dụng đất; Sản phẩm nhà ở tuân thủ đúng công năng theo mục đích được giao”, bà Thịnh thông tin.

Pháp luật chưa quy định 'đất ở không hình thành đơn vị ở' - 1

Pháp luật chưa quy định đất ở không hình thành đơn vị ở. (Ảnh minh họa)

 

Ngoài ra, bà Thịnh cho rằng, nếu công trình xây dựng trên thửa đất để thực hiện dự án đầu tư có cả căn hộ chung cư để ở và có cả căn hộ nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ thì xác định mục đích chính của họ là đất ở.

Chính vì mù mờ về thông tin giữa nhà đầu tư sơ cấp với nhà đầu tư thứ cấp, đầu vào ở nhiều địa phương thực hiện việc giao đất ở (không hình thành đơn vị ở), có dự án được cấp, có dự án không được cấp; có dự án cấp rồi lại thu hồi… nếu như xác định mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy định pháp luật thì các địa phương sẽ rà soát, xem xét các điều kiện cụ thể, cùng với yếu tố quy hoạch để xem xét việc điều chỉnh.

“Bộ TN&MT cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, chính tôi đã góp ý với Bộ Xây dựng căn hộ nghỉ dưỡng khác với căn phòng trong khách sạn; vì thế cần có quy chuẩn xây dựng, phải xác định rõ diện tích chung – riêng và phải thể hiện vào hợp đồng mua bán căn hộ nghỉ dưỡng này để tránh tranh chấp”, bà Thịnh nói thêm.

Liên quan đến văn bản số 703 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, theo bà Thịnh, công văn 703 có 2 nội dung quan trọng.

Thứ nhất, về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, văn bản áp dụng theo quy định tại điều 48 của Luật Du lịch 2017 thì căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống quy định tại danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Theo đó, thời hạn cho thuê đất sẽ là 50 năm, tối đa 70 năm.

Thứ hai, về việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại điều 32 của Nghị định số 43 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai, khoản 26 điều 2 của Nghị định số 01 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn