Pháp kêu gọi đưa tàu chiến vào tuần tra ở Biển Đông ngăn chặn Trung Quốc leo thang quân sự

Thế giớiThứ Ba, 07/06/2016 19:11:00 +07:00

Theo Foreign Policy, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp kêu gọi các nước châu Âu tăng cường tuần tra ở Biển Đông trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vừa qua.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi hải quân các nước châu Âu nên có các hoạt động thường xuyên và rõ ràng để duy trì tự do hàng hải và luật biển tại khu vực Biển Đông.

Jean-Yves Le Drian nói: "Nếu muốn hạn chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền này và tự mình làm việc đó".

chien ham

 Các chiến hạm châu Âu được kêu gọi tuần tra ở Biển Đông - Ảnh minh họa

Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lên tiếng chỉ trích việc nạo vét, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Le Drian nhấn mạnh: "Nếu luật biển hiện nay không được tôn trọng ở Biển Đông thì tương lai sẽ không được tôn trong ở Địa Trung Hải, Bắc Cực hay các nơi khác".

Theo Foreign Policy, động thái của Pháp cho thấy phản ứng của cộng đồng quốc tế trước những hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có các tuyến hàng hải sở hữu giá trị hàng hóa lưu thông mỗi năm lên đến 5.000 tỷ USD.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn quy tụ những lãnh đạo quốc phòng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến trao đổi nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề an ninh châu Á, đặc biệt là những tranh cãi quanh tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

phap

 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Đối thoại Shangri-La

Mặc dù Trung Quốc bảo vệ các lập trường của mình đồng thời cáo buộc Mỹ tham gia vào vấn đề khu vực nhưng Bắc Kinh vẫn phải nhận sự chỉ trích gián tiếp từ đại diện các nước và Washington cũng lên tiếng cảnh báo trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter tại đối thoại này, Foreign Policy cho biết thêm.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ phải chịu rủi ro tự cô lập mình với cách hành xử hiện nay của nước này. Ông Carter nói: "Nếu những hành động này tiếp diễn, Trung Quốc có thể nhận kết cục là tự dựng một "Vạn lý Trường Thành tự cô lập".

Trong khi đó, dù đang trong chuyến thăm Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn gửi lời cảnh báo tới Bắc Kinh: "Chúng tôi sẽ xem ADIZ ở Biển Đông như một hành động khiêu khích và gây mất ổn định, hành động này sẽ tự động làm gia tăng căng thẳng và đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có thực sự muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường ngoại giao".

Cả thế giới phản đối

Foreign Policy cũng nhận định rằng, từ khi đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và tổ chức cải tạo trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách nhé tránh nhắc đến vấn đề này một cách 'quốc tế hóa', thích giải quyết bằng con đường song phương.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước châu Á khác hiện cũng tỏ ra lo ngại với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2015, Nhật Bản cho biết có thể sẽ tổ chức tuần tra hàng hải ở Biển Đông trong khi đang có những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Năm nay, đến lượt Ấn Độ đề cập đến việc tuần tra, di chuyển tự do ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động trái phép của mình ở khu vực này.

Đến nay, Pháp đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu tổ chức tuần tra, phản ứng lại những động thái bành trướng của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Le Drian, các nước châu Âu tuần tra ở Biển Đông không chỉ để duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không mà còn để giữ gìn trật tự và luật pháp quốc tế.

Ông Le Drian cho biết sẽ sớm công bố chi tiết đề nghị của mình về việc tuần tra ở Biển Đông với các lực lượng hải quân ở châu Âu.

Về động thái này của Pháp, bà Mira Rapp-Hooper, thành viên cao cấp của Trung tâm an ninh New American cho rằng: "Thêm các nước châu Âu tuần tra ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng được nhìn thấy từ lâu. Ngoài ra, việc Pháp đưa ra đề nghị này cho thấy các nước châu Âu có thể sẽ ủng hộ quyết định của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc sắp được đưa ra".

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn