Pháp đề xuất giải pháp thay thế dầu Nga

Thời sự quốc tếThứ Ba, 28/06/2022 11:23:03 +07:00
(VTC News) -

Chính phủ Pháp muốn thay thế dầu thô Nga bằng cách cho phép dầu thô bị trừng phạt từ Iran và Venezuela quay trở lại thị trường toàn cầu.

Thông tin này được Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố hôm 27/6. Reuters dẫn lời quan chức điện Elysee cho biết thêm, Pháp cũng muốn một cơ chế để giới hạn giá dầu càng rộng càng tốt và không hạn chế với hàng xuất khẩu của Nga.

Tuyên bố của Pháp được đưa ra trong bối cảnh nhóm các quốc gia G7, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản đang nhóm họp tại Đức để thảo luận về các cách thức gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga với hy vọng buộc Moskva dừng hoạt động quân sự ở Ukraine.

Pháp đề xuất giải pháp thay thế dầu Nga - 1

Một cơ sở lọc dầu của Nga. 

Iran là quốc gia chiếm 1/4 trữ lượng dầu mỏ ở Trung Đông. Nước này hiện bị Mỹ và các đồng minh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn do chương trình phát triển hạt nhân. Iran vẫn xuất khẩu dầu thô, trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.

Mặc cho các lệnh trừng phạt, tháng trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết, xuất khẩu dầu của Tehran tăng gấp đôi kể từ năm ngoái.

Trong khi đó, Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Nước này bị Mỹ trừng phạt trong hơn 15 năm qua. EU đã áp đặt các hạn chế đối với Caracas vào năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, trong khi Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu của Moskva, Washington ra tín hiệu có thể giảm bớt sức ép kinh tế với Venezuela, trong đó cho phép quốc gia Nam Mỹ này tăng xuất khẩu dầu. 

Đầu tháng này, Iran và Venezuela đã ký một thỏa thuận hợp tác có thời hạn 20 năm về năng lượng, cụ thể là dầu và khí đốt, cùng với các lĩnh vực khác.  

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - phương Tây ngày càng leo thang vì xung đột Ukraine, các nước EU, trong đó có Pháp đang loay hoay tìm nguồn cung năng lượng thay thế dầu và khí đốt từ Nga.

EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Thời gian qua, EU đã bị chia rẽ về các bước đi nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Người dân châu Âu đang phải vật lộn với lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi EU áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay đối với Nga.

Kông Anh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp