'Pháo cao xạ 37mm' trở thành bảo vật quốc gia

Thời sựThứ Bảy, 30/03/2013 06:17:00 +07:00

Khẩu pháo này cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khẩu pháo này cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức Lễ công bố quyết định Bảo vật quốc gia Pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 (là một trong số 30 bảo vật quốc gia) và khai mạc triển lãm "Bộ đội Pháo cao xạ chiến đấu và chiến thắng".

Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội pháo cao xạ (01/4/1953 - 01/4/2013).

Pháo cao xạ do Liên Xô sản xuất và được viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. 
Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hiện vật Pháo cao xạ 37 mm, số hiệu 510.681 là Bảo vật quốc gia là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, là sự tôn vinh truyền thống, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với hiện vật có giá trị lịch sử, đối với những chiến công và thành tích của Bộ đội Pháo cao xạ nói riêng và bộ đội phòng không, không quân nói chung. Đây là niềm vinh dự, tự hào đáp ứng được nguyện vọng và lòng mong mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Phòng không - Không quân.

Pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 là khẩu pháo do Liên Xô sản xuất và được viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Khẩu pháo được trang bị cho Khẩu đội 3, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và đã gắn liền với tấm gương hy sinh quên mình dũng cảm cứu pháo không để rơi xuống vực sâu của anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Bảo vật quốc gia Pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 
Khẩu pháo này đã cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Pháo cao xạ 37mm được công nhận là bảo vật quốc gia là sự tôn vinh truyền thống, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với hiện vật có giá trị lịch sử, đối với những chiến công và thành tích của bộ đội Pháo cao xạ nói riêng và bộ đội PK-KQ nói chung.


Khẩu pháo gắn liền với tấm gương hy sinh quên mình, dũng cảm cứu pháo của anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện. Đêm 1-2-1954, trong đợt kéo pháo ra theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khi xuống dốc Chuối (là dốc vừa dài vừa hẹp, nằm chênh vênh bên vực sâu) được một đoạn thì dây tời chính của khẩu pháo bị đứt.
Đồng chí Tô Vĩnh Diện 
Lúc đó, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện và đồng chí Chí-pháo thủ số 5 cầm càng lái. Khi pháo đứt dây tời, pháo thủ Chí bị càng pháo đánh bật ra. Trong tình thế hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện dùng hết sức đẩy mạnh càng pháo còn lại vào vách núi.

Tuy nhiên, trước khi dừng lại, bánh khẩu pháo đã chèn lên người Tô Vĩnh Diện. Khi được đồng đội đưa ra khỏi bánh pháo, anh chỉ kịp hỏi “pháo có việc gì không” rồi anh dũng hy sinh. Ngày 7-5-1956, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và trở thành người anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Những khẩu súng, pháo được bộ đội Pháo cao xạ sử dụng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc 
Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, công nhận pháo 37mm mang số hiệu 510681 là Bảo vật quốc gia đợt 1, cùng 29 hiện vật khác trong hệ thống bảo tàng, di tích quốc gia Việt Nam.


Nhân dịp này, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã khai mạc triển lãm “Bộ đội pháo cao xạ chiến đấu và chiến thắng”, trưng bày hơn 400 hiện vật, ảnh và tư liệu. Mỗi hình ảnh, tư liệu, hiện vật tái hiện quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của bộ đội Pháo cao xạ trước đây và Pháo phòng không ngày nay. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 28-3 đến ngày 8-5.






Theo Thethaovietnam
Bình luận
vtcnews.vn