Phanh xác hổ dữ, báo thù cho thiếu nữ bạc mệnh

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 25/07/2013 10:35:00 +07:00

(VTC News) - Chẳng biết vì sự kiêu ngạo chủ quan của chúa sơn lâm hay sự thâm sâu lão luyện của người báo thù, đêm đó, hổ dữ oai hùng sa thân vào bẫy.

(VTC News) - Oán hận vì người em gái bị hổ dữ sát hại, người sơn tràng nuôi chí trong lòng, thề có trời đất chứng giám, sẽ có cuộc báo thù thật độc địa sâu xa với loài hổ: Tự tay mình xé xác, phanh thây hổ dữ ra thì cơn hận phần nào mới được nguôi ngoai.


Kỳ 6: Phanh xác hổ dữ, báo thù cho người thiếu nữ bạc mệnh


Kể lại câu chuyện của cha mình, trong lòng cụ Ly đầy những cảm xúc xung đột. Lúc thì như cảm thương, lúc lại có vẻ trách móc, lúc là sự đau đớn đến tột cùng. Vẻ mặt cụ Ly căng thẳng, từng nếp nhăn trên trán co giật liên hồi.
thần hổ
Khiếp sợ oai linh thần hổ, người dân miền sơn cước luôn thờ cúng chúa sơn lâm 
Cứ theo lời cụ Ly, người dân Mường Mõ bao đời nay thờ hổ, tôn kính hổ như thần linh. Không ai dám báng bổ chứ nói gì đến chuyện ôm mộng giết hổ. Đến tận ngày nay, vẫn ít người Mường Mõ dám có ý nghĩ ấy. Duy nhất có một người là cha của ông. 

Cũng phải nói lại, quanh chân hệ thống núi Pù Luông - Cúc Phương, xưa nay rất nhiều người bỏ mạng vì hổ, nhưng dân Mường Mõ ngay kề chân núi thì không gặp chuyện dữ đó, vì mọi người đã thành kính cầu xin sự chở che của thần rừng, thần hổ.

Chính niềm tin thiêng liêng bị bội bạc đã kích động ghê gớm đến nỗi đau của người anh đối với người em gái son trẻ bạc mệnh. Không chỉ lớn tiếng nhục mạ hổ, ông Riệc còn tự mình vào rừng đặt bẫy, bắn thú, lấy miếng ăn trước miệng chúa sơn lâm như một sự thách thức, bõ cơn thương hận về oan hồn người em bỏ mình trong móng vuốt hổ dữ.

Run rủi thế nào, suốt bao nhiêu năm âm thầm tìm kiếm, mai phục, ông Đinh Văn Riệc không thấy bóng chúa sơn lâm đâu, dù rừng Cúc Phương thuở ấy bạt ngàn hổ dữ. Mối thâm thù chất chứa không có chỗ phát tiết càng thêm nung nấu.
thần hổ
Lối mòn vào rừng Cúc Phương – nơi một thời là vương quốc của hổ dữ 
Cho rằng loài hổ cố tình tránh mặt mình, ông càng ngạo mạn. Những người xung quanh chỉ biết rùng mình nhìn ông bằng niềm lo sợ mơ hồ. Đến một ngày kia, nghe đám sơn tràng nói có hổ về núi, mấy nay lởn vởn quanh bản, người ta thoáng thấy ông Riệc lạnh lùng cười nhạt.

Một vài gia súc trong làng bị hổ dữ sát hại, dân bản vội vã kêu cầu thần hổ rủ lòng thương xót. Có người thầm oán ông Riệc cả gan xúc phạm oai linh thần hổ, để gió mang lời độc địa đến tai thần, mà có cơ sự ngày hôm nay. Ông vẫn lặng thinh, không nói.

Quanh nhà ông Riệc, cách cây sở cổ thụ chỉ vài bước chân, xuất hiện nhiều dấu chân hổ. Rồi con chó vàng nhà ông bị hổ dữ tha đi ngay trước mắt nhiều người. Niềm tin về sự giận dữ của thần hổ trong đám sơn tràng càng dâng lên mãnh liệt.

Trong câu chuyện “Thần hổ” mà nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn lấy huyện Thạch Thành thời điểm cách đây gần một thế kỷ trước làm bối cảnh chính, chuyện thần hổ trở về trừng phạt những kẻ ngỗ ngược xúc phạm oai linh của mình được thể hiện rất rõ. 

Đó là những tín hiệu rất rõ ràng trong niềm tin chất phác của người Mường bản địa: tội nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con chó để cảnh cáo; tội nặng thì chỉ một cú tát, kẻ ngỗ ngược sẽ sớm thành con ma trành không dễ gì được siêu thoát.

Như 3 cha con nhà người thợ săn lão luyện Đèo Văn Bỉnh, được quan tri huyện Thạch Thành nhờ giúp dân trừ họa hổ dữ. Ông Bỉnh vác súng rình gặp hổ. Nhưng người thợ săn can trường phải lặng lẽ lùi bước trước oai linh khủng khiếp của chúa sơn lâm.

Bày mưu tính kế cao sâu, cha con ông Bỉnh khiến hổ dữ chịu một trận đau đớn khủng khiếp, nhưng cũng đầy hài hước: Mình đầy máu tươi, mất một con mắt, rụng mấy chiếc răng và bộ phận duy trì nòi giống thì bị một nhát đoản đao sắc như nước cắt xoẹt một nhát đứt lìa.
thần hổ
Phút sa cơ của một chúa sơn lâm (ảnh minh họa) 
Theo thầy mo cao tay của xứ ấy dự đoán, hổ dữ đó không chết, tự chữa vết thương, trở nên hung dữ điên cuồng. Khi đã ở trong hang núi tu luyện đến mức thành tinh, hổ quay trở lại báo thù. Ban đầu là những dấu chân, rồi con chó, con dê của gia đình nạn nhân bị xé xác.

Thần hổ tàn sát gia tộc họ Đèo thảm khốc. Có những lúc nó rình bên đường vồ chết người đi bộ một mình, có khi nó nhảy xổ vào ngôi nhà đông người đã bỏ xứ đi trốn, lạnh lùng tát chết từng người một. Vồ chết, móc mắt và ngoạm nát bộ phận sinh dục của người họ Đèo, bất kể nam nữ già trẻ, để trả lại mối thâm thù huyết hải. 
thần hổ
Núi cao vực sâu thêm huyền bí vì những truyền kỳ về hổ 
Đang nói tiếp chuyện ông Đinh Văn Riệc thấy hổ về bản để cảnh cáo kẻ ngỗ ngược xúc phạm mình, vẫn lạnh lùng như không, chỉ canh phòng cẩn mật cho người nhà. Đến khi hổ cướp con chó vàng trước mắt, ông vẫn lặng thinh. 

Chỉ đến khi màn đêm đã đen đặc núi rừng, người dân Mường Mõ mới kinh hoàng bật choàng dậy vì tiếc gầm thét kinh động của hổ dữ. Tiếng gào thảm khốc, đau đớn, bàng hoàng, uất ức trong đêm tối của một con hổ dữ trước khi tuyệt mệnh. 

Thì ra, phía sau sự nhẫn nhịn cam chịu ấy, ẩn giấu một mưu toan ghê gớm động trời của người mất đi ruột thịt. Hơn ai hết, người thợ săn lão luyện biết rõ, chỉ có sự bí mật tuyệt đối thì mới tránh được tai mắt của lũ "ma trành" luôn vây quanh thần hổ, và kể cả thần rừng bảo hộ cho kẻ đầu sai hung hãn ấy.

Ông Riệc âm thầm làm một chiếc bẫy lớn ở phía cửa hang Lý Chùn, cách bản chừng 1km đường rừng, nơi hổ dữ để lại nhiều dấu chân. Chẳng biết vì sự kiêu ngạo chủ quan của chúa sơn lâm hay sự thâm sâu lão luyện của người báo thù, đêm đó, hổ dữ oai hùng sa thân vào bẫy.
thần hổ
Ánh mắt buồn thăm thẳm của cụ Ly khi kể chuyện cha mình giết hổ 
Kể đến đây, giọng cụ Ly trầm hẳn, ánh mắt lộ rõ sự khủng khiếp hãi hùng: “Bố tôi mang xác hổ về nhà, vật ra giữa sân xẻ thịt. Chính mắt tôi và nhiều người dân bản nhìn thấy, lúc mổ bụng hổ ra, con chó vàng bầy nhầy một đống.

Rồi bố tôi lột da, lóc hết thịt hổ. Riêng bộ xương thì ông cho vào sọt nứa, chọn chỗ nước xiết, ngâm dưới suối Cô Tiên nhiều ngày. Rồi vác trên vai, tự mình đi bộ ra tận Nho Quan (Ninh Bình), ông bán bộ xương cho người ta nấu cao hổ cốt”.

Trong bóng chiều chạng vạng, tôi thoáng thấy đôi mắt già nua tinh anh của người sơn tràng gắn bó hơn 80 năm nay với đại ngàn, một nỗi buồn sâu thăm thẳm. Nỗi buồn chỉ ai từng có cảm giác bị đứt lìa đôi chân, máu me lầm đất mới có thể hiểu nổi…

Còn tiếp...

Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn