Phần mềm nhận diện khuôn mặt giúp quảng cáo hiệu quả

Tổng hợpThứ Hai, 07/11/2011 01:11:00 +07:00

Giờ đây, webcam có thể nhận biết được quảng cáo nào gây chú ý cho bạn, có thể đọc được tâm trạng cũng như các dấu hiệu cảm xúc trên khuôn mặt bạn.

Giờ đây, webcam có thể nhận biết được quảng cáo nào gây chú ý cho bạn. Nó có thể đọc được tâm trạng cũng như các dấu hiệu cảm xúc trên khuôn mặt bạn.

 

Hãy tưởng tượng bạn đang trình duyệt một trang web thì một quảng cáo quần áo vui nhộn bất ngờ hiện lên. Bạn không click vào nó, chỉ mỉm cười và rời sang trang khác. Ấy nhưng nó sẽ theo bạn, hiển thị thêm những hình ảnh đặc sắc khác về sản phẩm đó, thậm chí còn đề nghị giảm giá. Tuy nhiên, nếu như bạn không mỉm cười mà miệng trễ xuống hoặc bĩu môi thì “Xin lỗi đã làm phiền” sẽ là dòng chữ hiện lên nhằm xoa dịu và từ đó nó sẽ không trưng ra những quảng cáo tương tự đối với bạn. Bạn có sốc với điều này?

Không chỉ dừng lại ở việc biết bạn chú ý tới nó, quảng cáo online trong tương lai còn có khả năng ứng đáp lại với trạng thái cảm xúc của bạn nhờ phần mềm xử lý hình ảnh và camera tích hợp rộng rãi trên máy tính và các thiết bị di động.

Tất nhiên, việc sử dụng công nghệ này không chỉ giới hạn ở quảng cáo mà còn có thể ứng dụng ở các lĩnh vực khác như an ninh, game máy tính, giáo dục và y tế. Nhà quảng cáo là những người đầu tiên ôm ấp ý tưởng này một cách sốt sắng nhất. Bởi lẽ, nó giúp trả lời câu hỏi tồn tại bấy lâu rằng họ biết một nửa số tiền chi cho quảng cáo đã bị lãng phí nhưng không biết lãng phí ở đâu.

Từ lâu, các hãng quảng cáo đã tiến hành quay phim để ghi lại phản ứng của mọi người trước quảng cáo, thường là ở trong môi trường giả tưởng. Khuôn mặt của những người tham gia được nghiên cứu để phân loại các cảm xúc tiêu cực và tích cực. Nhiều cuộc nghiên cứu và tranh cãi đã diễn ra. Cho đến những năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Ekman mới phát triển ra một hệ thống mã toàn diện được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Một số công ty nghiên cứu khách hàng cũng sử dụng camera máy tính theo dõi chuyển động tròng mắt của khách hàng để nhận biết họ đang nhìn đồ vật nào trên màn hình. Điều này giúp xác định quảng cáo nào hấp dẫn nhất và nên đặt ở vị trí nào là hiệu quả nhất. Camera chất lượng càng tốt thì càng cho kết quả chính xác.

Realeyes ở Luân Đôn là một trong những công ty như vậy. Họ đã phát triển ra hệ thống theo dõi cử động mắt và phân tích cảm xúc. Mihkel Jaatma – người sáng lập ra công ty vào năm 2007 – nói rằng hệ thống này của họ có thể nhận biết trạng thái tình cảm của một người dựa trên cử động của một số bộ phận trên khuôn mặt như lông mày, miệng, lỗ mũi. “Lông mày nhô cao so với vị trí thông thường của khuôn mặt cho thấy họ đang ngạc nhiên, còn nếu hai đầu lông mày cau lại tức họ không mấy hài lòng…” – Mihkel nói.

Hiện nay, hệ thống này đang được sử dụng trên những website xây dựng với mục đích nghiên cứu. Quảng cáo trên đó có khả năng tương tác với người xem – tức khả năng phản ứng lại cảm xúc của họ. Tuy nhiên, Mihkel cũng thừa nhận rằng khi hệ thống này được nhân rộng ra thì tính riêng tư là điều đáng lo ngại bởi cần phải có sự đồng ý của người truy cập website thì công ty mới được phép sử dụng camera máy tính của họ. Một cách để thuyết phục người sử dụng internet cho việc này là chiết khấu cho họ khi mua sản phẩm hoặc miễn phí truy cập website (đặc biệt là các trang báo thu phí).

 
   Realeyes cũng đang làm việc với Kaplan – một công ty cung cấp dịch vụ giáo dục – trong một dự án ở Hungary, sử dụng hệ thống này để đo lường cảm xúc của trẻ em đối với các game ảo dạy tiếng Anh. Hy vọng rằng nó sẽ giúp các nhà marketing xây dựng được những bài tập, nhân vật hấp dẫn hơn đối với trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, công nghệ này giúp cho các trò chơi trên máy tính có sức hút hơn. Sony cho biết trong tương lai họ có thể sẽ sử dụng camera tích hợp trên máy tính để nhận biết cảm xúc của người chơi, nhờ đó mà tạo ra những thứ tương tác nhằm làm tăng cảm giác của họ. Đồng thời, hệ thống cũng có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe của người chơi như nhịp tim, sắc mặt…

Trên thực tế, webcam có khả năng đo nhịp tim sẽ sớm xuất hiện trên thị trường. Thay vì gắn cảm ứng trên da người, hãng điện tử Philips đã phát triển ra hệ thống camera có khả năng đo nhim tim và nhịp thở một cách vô cùng chuẩn xác nhờ vào việc dò tìm sự thay đổi sắc màu trên da dù là nhỏ nhất. Những thay đổi này cho thấy sự vận hành máu trong cơ thể tuy nhiên lại không phát hiện được bằng mắt thường. Trong khi đó, nhịp thở của người ngồi trước màn hình được đo nhờ chuyển động phồng lên, xẹp xuống của lồng ngực. Philips sẽ sớm ra mắt ứng dụng này trên Apple iPad2 và chủ nhân của những chiếc điện thoại ấy sẽ có thể đo nhịp tim cũng như nhịp thở của mình bằng hai webcam tích hợp.

    Không chỉ dừng tại đó, Philips còn đang mở rộng sang lĩnh vực y tế với hệ thống nhận diện cảm xúc và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoặc trẻ sơ sinh bằng camera. Không cần phải lúc nào cũng túc trực bên người bệnh hoặc trẻ nhỏ; tuy nhiên người thân hoàn toàn có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe cũng như tâm lý của người cần chăm sóc thông qua máy tính. Do đôi khi mắt thường không nhận ra được sự biến đổi nhỏ trên cơ thể và khuôn mặt của người bệnh/trẻ nhỏ nên camera có phần ưu việt hơn với khả năng nhận diện, so sánh và phân tích. Vì thế tiềm năng của thiết bị này là rất hứa hẹn.

   Hồng Đào
Bình luận
vtcnews.vn