Phần lớn cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em phản ánh trẻ bị bạo lực, xâm hại

Đời sốngThứ Tư, 24/07/2019 15:34:00 +07:00

Trong nửa đầu năm 2019, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận tỷ lệ các cuộc gọi tư vấn về xâm hại, bạo lực trẻ em cao nhất từ trước tới nay.

Chiều 24/7, ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, vừa qua đơn vị tiếp nhận phần lớn các cuộc gọi liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2019, tỷ lệ các cuộc gọi tư vấn về xâm hại, bạo lực và kết nối, can thiệp bảo vệ trẻ em tăng cao. Điển hình, tháng 4 có hơn 51% cuộc gọi.

bao-luc-tre-em 3

Hàng loạt các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đang trở thành vấn nạn của xã hội. (Ảnh minh họa: VNM)

Theo một số thống kê của Trung tâm, số trường hợp phản ánh trẻ em bị bạo lực năm 2018 là 357 ca (tăng hơn 140 ca so với năm 2017), nổi lên vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh. Điều này cho thấy phụ huynh mất lòng tin ở bảo mẫu, cô giáo mầm non.

Phụ huynh lo lắng sự an toàn của trẻ khi đến trường, thậm chí, họ còn mong muốn lắp camera trường học để tiện theo dõi.

Ngoài ra, 2018 cũng là năm nổi cộm về những vụ dâm ô trẻ bởi chính giáo viên trong trường (Hà Nội, Phú Thọ, Bình Dương...); nhiều trẻ bị xâm hại tình dục đến mang thai và sinh con.

Không những thế, trong các cuộc gọi phản ánh tới Tổng đài 111, có trẻ bị ngăn cản tiếp xúc với cha hoặc mẹ, hay bị sử dụng như một công cụ trả thù đối phương trong trường hợp cha mẹ có mâu thuẫn, ly hôn.

Bà Nguyễn Hải Anh - Viện nghiên cứu quản lý, phát triển bền vững MSD cho biết, riêng 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.

Sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với trẻ, các bậc phụ huynh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể chất. Sau những trận đòn, các em không những phải chịu đau đớn và thương tích trên cơ thể trẻ, bị tổn thương về mặt trí tuệ, thậm chí có thể bị tàn tật.

Không chỉ có vậy, về tâm lý, các em không nhận thức rõ bản chất của sự việc, bị lẫn lộn giữa khái niệm bị phạt do mắc lỗi và bị bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ cũng cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã; các em thấy bản thân hạ thấp lòng tự trọng; có thể khiến trẻ tức giận và mong muốn trả đũa.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn