Phân loại rác tại nguồn: Bất cập và cách giải quyết

Gia đìnhThứ Năm, 21/10/2021 06:50:00 +07:00
(VTC News) -

Phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, người dân vẫn gặp khó khăn khi phân loại, thu gom rác.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, đến hệ sinh thái và môi trường kinh tế xã hội. Để giải đáp thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến môi trường, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về ô nhiễm môi trường, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm VOV FM89, Đài Tiếng nói Việt Nam đã lập ra hộp thư Giảm thiểu ô nhiễm bảo vệ môi trường và Hành động của bạn.

Ngay lúc này, thính giả có thể gọi điện đặt câu hỏi qua Hotline 0243 773 8989 hoặc gửi câu hỏi về hộp thư qua địa chỉ email [email protected]. Quý vị cũng có thể gửi tin nhắn về fanpage theo địa chỉ tìm kiếm là VOV FM89. Hộp thư sẽ nhận tất cả các ý kiến quan tâm, phản ánh, giải đáp thắc mắc của thính giả về bảo vệ môi trường.

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí. Thế nhưng, sau khi triển khai mô hình phân loại thu gom rác tại nguồn ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Vậy những vấn đề bất cập trong quá trình thu gom phân loại rác tại nguồn là gì? Và đâu là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc đó?

Phân loại rác tại nguồn: Bất cập và cách giải quyết - 1

Thời gian qua, hộp thư Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và hành động của bạn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của quý vị thính giả trên cả nước về vấn đề này. Qua email của chương trình là [email protected], hòm thư cũng đã nhận được câu hỏi từ thính giả có địa chỉ email là [email protected] với nội dung như sau:

"Khi phân loại rác thải tại nhà, tôi vẫn chưa nắm rõ được cách phân biệt các loại rác thải nguy hại và rác thải tái chế. Tôi có thể tìm hiểu thông tin này ở đâu?"

Với câu hỏi này, chương trình đã mời TS Trần Văn Điều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giải đáp giúp thính giả.

Theo TS Trần Văn Điều, quy định trong Luật bảo vệ môi trường phân thành 4 loại rác khác nhau. Thứ nhất là rác hữu cơ, tức là rác có thể phân hủy được. Thứ hai là rác vô cơ, tức là rác không thể phân hủy được như mảnh sành, các vật liệu xây dựng, sắt vụn, thủy tinh. Loại thứ ba là rác độc hại, ví dụ như bình ắc quy, chất phóng xạ hoặc là pin. Loại rác thứ tư là rác y tế.

"Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường có một Trung tâm Truyền thông Môi trường, có những quyển sách, sổ tay, cẩm nang về thu gom rác. Hoặc trên các cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cũng có hướng dẫn cho người dân biết cách phân loại rác như thế nào cho đúng", TS Trần Văn Điều bổ sung thêm.

Cùng vấn đề phân loại, thu gom rác thải, chương trình nhận được câu hỏi của thính giả có 3 số điện thoại cuối là 973 với nội dung như sau:

"Xin chào kênh VOV FM89. Tôi muốn hỏi rằng trong trường hợp tôi đã phân loại rác nhưng không thể giao trực tiếp cho người thu gom mà lại để rác ở trước cửa nhà mình, nếu sau đó có ai đó đến mở túi rác và làm rác bị bừa bãi thì tôi có bị phạt hay không ạ?"

Với câu hỏi này, TS Trần Văn Điều tiếp tục phụ trách giải đáp thắc mắc cho thính giả. Theo ông, người dân phải tự giác đem rác đổ đúng nơi quy định.

"Nếu người dân để rác trước cửa nhà mình thì đấy là vi phạm rồi. Nếu nhà nào cũng để rác trước cửa nhà mình thì sẽ gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị. Rõ ràng, trách nhiệm thuộc về hộ dân đó", ông khẳng định.

Phân loại rác tại nguồn: Bất cập và cách giải quyết - 2

Về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vứt rác bừa bãi, hiện nay, có 2 văn bản quy định về chế tài xử phạt hành vi này. 

Theo Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Trong khi đó, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, vi phạm quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Từ 2 Điều luật quy định về đổ rác thải không đúng nơi quy định nêu trên thì mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng được quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP và mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng được quy định theo Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi số tiền được pháp luật quy định.

Trên thực tế, do có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP nên Nghị định 155/2016/NĐ-CP được áp dụng nhiều hơn để răn đe, nghiêm khắc xử phạt các đối tượng có hành vi vứt rác bừa bãi.

Hiện nay, ở một số địa phương đã áp dụng hình thức phạt nguội bằng cách lắp đặt camera quan sát, từ đó dễ dàng phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Để môi trường ngày càng sạch đẹp, mỹ quan đô thị ngày càng khang trang, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời tố giác hành vi vứt rác bữa bãi của các đối tượng vi phạm để chung tay cùng lực lượng chức năng trong việc bảo vệ môi trường vì cuộc sống trong lành, tốt đẹp hơn.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn