Phản đối Trung Quốc gấp rút hoàn thiện "Tam Sa"

Thế giớiThứ Bảy, 03/11/2012 04:27:00 +07:00

Cái gọi là "thành phố Tam Sa" (đơn vị hành chính bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả Việt Nam) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012.

Tiếp theo một loạt các hoạt động phi pháp nhằm xây dựng và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa,” các mạng Nhân dân và Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin, ngày 2/11, "thành phố Tam Sa" đã tổ chức gặp gỡ báo chí "nhân 100 ngày thành lập" và cho biết "chính quyền thành phố" này đang gấp rút đi vào xây dựng một loạt công trình như bến cảng, sân bay, cầu tàu, tàu chấp pháp, văn phòng hành chính...

Lá cờ Tổ quốc Việt Nam làm bằng gốm trên nóc nhà văn hóa của đảo Trường Sa lớn - Ảnh: Trần Việt/TTXVN 
Đây là một loạt các hành vi leo thang, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đơn vị hành chính thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Các mạng trên cũng cho biết Tài chính trung ương đã cấp 100 triệu Nhân dân tệ để đóng tàu giao thông tiếp tế có tên “Tam Sa-1,” và dự kiến sang năm sẽ cấp tiếp 160 triệu Nhân dân tệ.

Có 360 triệu Nhân dân tệ đã được cấp để bổ trợ cho đóng tàu trục vớt hải dương, và "thành phố" này đã xác định rõ 8 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về sân bay, bến tàu, tiếp tế, giao thông, văn phòng với tổng đầu tư hơn 10 tỷ Nhân dân tệ.

Không chỉ vậy, tiếp tục các hoạt động phi pháp mà Việt Nam khẳng định là "hoàn toàn vô giá trị," "thị ủy" và "chính quyền" cái gọi là "thành phố Tam Sa" còn dự định sẽ lần lượt khởi công xây dựng các công trình về xử lý chất thải, chung cư, đường đi tại Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với vốn đầu tư 600 triệu Nhân dân tệ.

Cái gọi là "thành phố Tam Sa" (đơn vị hành chính bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả Việt Nam) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế - Ảnh: China Daily 

Tiếp đó, ngày 1/10/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 3/10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa; ngày 8/10/2012, Trung Quốc thành lập Phòng khí tượng thành phố Tam Sa.

Trước đó, ngày 23/9/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/10/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những việc làm này của phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn