Phân bón Bình Điền tiếp tục trượt dốc

Kinh tếThứ Năm, 18/04/2019 11:32:00 +07:00

Kết quả kinh doanh thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2019 của Phân bón Bình Điền tiếp tục trượt dốc so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tuột dốc

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Mã chứng khoán: BFC) - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành phân bón vừa phát đi thông báo không mấy tích cực về kết quả kinh doanh thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2019.  Cả doanh thu và lợi nhuận tiếp tục trượt dốc so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý I/2019, sản lượng phân bón sản xuất của Bình Điền ước đạt 115.794 tấn, giảm 22%; sản lượng tiêu thụ đạt 100.124 tấn, giảm 28% dẫn đến doanh thu hợp nhất giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 1.004 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 7 tỉ đồng, giảm đến 85,5% so với cùng kỳ.

Trước đó, Bình Điền cũng đã trải qua năm 2018 với kết quả suy giảm đầu tiên sau nhiều năm, sản lượng tiêu thụ trong năm 2018 giảm 3,3%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm đến 26,5% xuống còn 210 tỷ đồng.

Trả lời VTC News, đại diện Phân bón Bình Điền cho biết kết quả suy giảm mạnh trong quý I có sự ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố thời tiết. Nắng nóng kéo dài trong quý I năm nay đã khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm sút.

Ban lãnh đạo công ty hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong quý II năm nay khi mùa mưa đến. Chỉ tính riêng tháng 4, sản lượng tiêu thụ đã vượt chỉ tiêu cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch xây dựng cho quý II/2019, Bình Điền đặt kế hoạch sản lượng sản xuất dự kiến 185.959 tấn, sản lượng tiêu thụ 203.254 tấn, doanh thu 1.936 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 102 tỉ đồng.

Cho cả năm 2019, Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.280 tỉ đồng, lãi trước thuế hợp nhất 290 tỉ đồng, giảm lần lượt 3% và 7% so với năm ngoái. 

BinhDien252

 Thương hiệu Đầu Trâu rất nổi tiếng của Phân Bón Bình Điền 

Khó khăn trong dài hạn

Nói về các khó khăn, ban điều hành Bình Điền cho biết do tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như thời tiết phức tạp, tình hình nông sản giảm giá, đặc biệt như hồ tiêu, cao su, cà phê giảm mạnh khiến nông dân cắt giảm đầu tư, ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ phân bón trong năm 2018.

Thông tin thêm về nhóm nông sản tiêu thụ nhiều NPK như hồ tiêu, cà phê, cao su đều đang giảm nghiêm trọng, giá bán thấp nên nông dân không mặn mà gì để đầu tư, diện tích cây trồng đang co hẹp lại. Ngay cả người dân trồng mía cũng không còn đầu tư phân bón nhiều như trước.

Những điều này cũng tiếp tục ảnh hưởng kéo dài sang năm 2019. Thậm chí, năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn nhất của ngành phân bón. 

"Năm 2019, mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt nhất từ trước đến nay", ban điều hành công ty nhận định.

nongsan

 Giá nông sản giảm sâu khiến nông dân không còn đầu tư nhiều vào phân bón

Ngoài ra, chính sách thuế tiếp tục có lợi cho nhập khẩu phân bón nên lượng phân bón nhập khẩu trong năm 2018 tăng cao, đặc biệt là phân NPK cho cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Điều này tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm NPK của công ty. 

Theo chia sẻ của đại diện BFC, biên lợi nhuận trong ngành hiện nay đã về mức thấp khi mức độ cạnh tranh cao, có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành, lợi nhuận trong ngành này chỉ khoảng một vài %. Kể từ khi thuế nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc về giảm từ 6% về 0% đã dẫn đến lượng NPK nhập từ Trung Quốc về tăng lên rất nhiều.

Trong khi đó, nhu cầu phân bón vô cơ cũng được dự báo sẽ còn giảm trong dài hạn do xu hướng tăng hữu cơ và giảm vô cơ đang được khuyến khích, các kỹ thuật mới cũng làm giảm lượng phân bón đến 30 – 40%.

“Thay vì trước đây doanh nghiệp chỉ cạnh tranh ở các nhà máy nhỏ, thì giờ đây phải cạnh tranh với cả hàng nhập khẩu và các nhà máy lớn, chỉ riêng 3 nhà máy lớn nhất vừa đi vào hoạt động hiện nay đã tăng sản lượng lên đến cả triệu tấn.” đại diện BFC cho hay.

Huy Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn