Phạm Xuân Ẩn bất ngờ khi ngụy quyền tan rã nhanh chóng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 24/10/2013 02:18:00 +07:00

(VTC News) – Chứng kiến sự tan rã nhanh chóng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, quân đội lớn thứ tư thế giới, Phạm Xuân Ẩn có phần bất ngờ.

(VTC News) – Chứng kiến sự tan rã nhanh chóng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, quân đội lớn thứ tư thế giới, Phạm Xuân Ẩn có phần bất ngờ.

Sau khi Phước Long thất thủ, Đại tướng Dũng cùng các đồng sự chăm chú theo dõi phản ứng của Mỹ, nhưng rồi chẳng có phản ứng nào.

Trần Văn Trà nhớ rằng ông Phạm Văn Đồng đã nói, ‘Mỹ đã rút quân theo Hiệp định Paris, mà chúng coi là một thắng lợi sau khi đã hứng chịu nhiều thất bại nhưng không có đường rút chân ra.

Giờ thì không có khả năng chúng sẽ can thiệp trở lại bằng cách đưa quân sang. Chúng có thể sử dụng không quân và hải quân, nhưng điều đó chẳng thể quyết định tới chuyện thắng bại’.


Sau đó ông cười to và nói, ‘Nói đùa nhưng cũng là thật, bây giờ mình có cho kẹo thì người Mỹ cũng không quay trở lại’.


Nghị quyết kết thúc hội nghị tại Hà Nội tuyên bố, ‘Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc'.

Phạm Xuân Ẩn
Phạm Xuân Ẩn cùng các nhân viên văn phòng Time tại Sài Gòn - nguồn: Tư liệu cá nhân Phạm Xuân Ẩn  

Đại tướng Dũng đang trên đường đến Ban Mê Thuột vào đêm giao thừa Tết Ất Mão 1975. Dừng chân tại sở chỉ huy Sư đoàn 470 công binh xây dựng đóng ở Ia Drang, ông Dũng cùng ăn với những người lính của mình, trong bữa sáng Tết cổ truyền có bánh chưng và thịt.

Chặng cuối của hành trình đưa ông Dũng đi xuyên qua khu thung lũng rậm rạp, mù sương ở phía tây Ban Mê Thuột, nơi ông thiết lập sở chỉ huy cho chiến dịch sắp tới. ‘Chúng tôi ở trong rừng rậm, kế bên một khu rừng khộc, loại cây có lá khi rụng tạo thành một tấm thảm vàng óng’.


Mục tiêu sẽ là Ban Mê Thuột, thủ phủ tỉnh Darlac, ‘là đô thị đẹp nhất trong số các thành phố cao nguyên, nơi có những người dân tộc Ê Đê mặc trang phục thêu sặc sỡ đi bộ trên đường phố, nơi vẫn còn khu nhà nghỉ đổ nát của Hoàng đế Bảo Đại gợi lại những ngày xưa thanh bình khi ngài và các đại thần tới đây săn bắn lợn lòi, nai và cọp ở những vùng đồi núi xung quanh’.

Những tuần sau đó là thời gian dành cho việc phối hợp và hoàn thiện các kế hoạch chiến đấu. Trong những năm gần đấy, ông Dũng đã trở thành nhân vật tiên phong trong việc biến quân đội Bắc Việt thành một cỗ máy quân sự hiện đại.

Sau khi ký Hiệp định Paris, ông Dũng được giao trọng trách tái xây dựng lực lượng quân sự miền Bắc và mở rộng mạng lưới đường bộ dọc Đường mòn Hồ Chí Minh.

‘Sản phẩm từ các nỗ lực của ông ta là một lực lượng 200.000 dân quân miền Bắc bảo vệ hậu phương và một lực lượng chiến đấu xa gồm hai mươi hai sư đoàn với sự yểm trợ của hàng trăm xe tăng Liên Xô và Trung Quốc, pháo tầm xa, pháo phòng không cỡ lớn và nhiều loại tên lửa.

Có lẽ điều còn quan trọng hơn cả hỏa lực đơn thuần và sức mạnh qua những con số thống kê là tính cơ động của lực lượng này; vốn có thể tấn công bất kỳ nơi đâu tại miền Nam Việt Nam chỉ sau vài tuần, thậm chí vài ngày’.


Tối 25 tháng 2 năm 1975, ông Dũng ký vào bản đồ phác thảo nhiệm vụ, bố trí lực lượng và các tuyến hành quân trong cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột.

Trong vài ngày sau đó, ông Dũng và các tư lệnh của mình chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để xung trận. Ngày 9 tháng 3, “Tuấn” gửi một bức điện bằng mật mã cho “Chiến” ở Hà Nội: ‘Ngày 10 tháng 3, chúng ta sẽ tấn công Ban Mê Thuột’.


Bốn mươi tám giờ sau đó, Ban Mê Thuột đã nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Việt. Lần này, Tổng thống Thiệu không thể chịu đứng yên nữa nên đã ra lệnh phải chiếm lại, ra chỉ thị rằng tất cả các lực lượng sẽ được triển khai để phục vụ cho nhiệm vụ tái chiếm Ban Mê Thuột.

Kế hoạch được thực hiện mà không có sự tham mưu của Đại sứ Mỹ hoặc bất kỳ ai khác. Thiệu đã đi một bước nguy hiểm bằng cách tái triển khai quân ngay giữa lúc còn chạm mặt với kẻ thù.

Khi dân địa phương thấy binh lính rời các thành phố, họ tưởng nhầm rằng binh lính đang bỏ chạy chứ không phải đang được điều động. Thế là cơn hoảng loạn tập thể đã dâng lên thành làn sóng người chạy về hướng duyên hải.


Ngày 11 tháng 3 năm 1975, 'Tuấn' gửi một bức mật điện nữa cho 'Đồng chí Chiến': ‘Quân ta đã làm chủ hoàn toàn Ban Mê Thuột… Quân ta đang chuẩn bị dọn sạch các mục tiêu lân cận’.

Ngày hôm sau, 'Chiến' trả lời bằng những chỉ thị từ Bộ Chính trị: ‘Các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp nhất trí rằng quân ta phải nhanh chóng quét sạch các đơn vị địch còn lại ở Ban Mê Thuột’ và tiến về phía Pleiku. Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong tư cách là một lực lượng chiến đấu đang trên đường tan rã.

chien dich Buon Ma Thuot
Chiến dịch Buôn Ma Thuột - Quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa rút chạy trên đường số 7 - Ảnh Tư liệu 
Bắc Việt công khai dùng các sư đoàn quân thường trực tiến đánh Nam Việt Nam. Gerald Ford đã ngồi một đời ở Quốc hội nên hiểu rõ rằng Quốc hội sẽ không chấp thuận yêu cầu về ngân sách bổ sung để viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa những phương tiện mà họ cần hòng chặn đứng cuộc tấn công.

Thế là ông Ford đã cử Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Fred Weyand, tới Việt Nam để xem xét tình hình và đề xuất các bước đi trong tương lai. Weyand thăm Việt Nam từ ngày 27 tháng 3 tới 4 tháng 4 năm 1975, điều này có nghĩa là ông đã chứng kiến sự kiện Đà Nẵng thất thủ vào ngày 30 tháng 3.


Cấp tốc trở về Mỹ để họp với Tổng thống Ford tại Palm Springs vào ngày 5 tháng 4, Weyand đồng ý rằng Mỹ còn nợ Việt Nam Cộng hòa lời hứa làm tất cả mọi điều có thể để giúp họ bổ sung nguồn lực nhằm đối phó với cuộc tổng tấn công hiện nay.

Chúng ta đến Việt Nam trước hết là để giúp đỡ dân miền Nam Việt Nam – chứ không phải chống lại người Bắc Việt. Chúng ta chìa tay ra với dân miền Nam và họ đã nắm lấy. Giờ đây họ đang cần bàn tay giúp đỡ ấy hơn bao giờ hết’.


Weyand đề nghị bổ sung một ngân khoản 722 triệu đôla viện trợ quân sự tối thiểu nhằm đối phó với cuộc xâm lược hiện nay. ‘Viện trợ bổ sung của Mỹ nằm trong tinh thần và mục đích của Hiệp định Paris, vốn vẫn còn là một khuôn khổ thực tế cho giải pháp hòa bình ở Việt Nam’.

Kết luận của ông là ‘tình hình quân sự hiện tại rất ngập, và khả năng Nam Việt Nam tồn tại trong hình hài một đất nước bị cắt cụt tại các tỉnh miền Nam là rất thấp’.


Trong lần cầu viện cuối cùng, Tổng thống Thiệu đã chấp bút viết một lá thư cá nhân gửi tới người đàn ông mà ông ta chưa từng gặp mặt, Tổng thống Gerald Ford.

‘Ý định của Hà Nội về việc sử dụng thỏa thuận Paris để phục vụ cho một cuộc xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng quân sự là điều chúng tôi đã biết rõ ngay từ khi đang đàm phán Thỏa ước Paris…

Lúc đó chúng tôi đã nhận được những lời cam kết chắc chắn rằng Mỹ sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và mãnh liệt đối với bất kỳ hành động nào vi phạm tới thỏa thuận…

Chúng tôi coi những lời hứa đó là những đảm bảo quan trọng nhất của Thỏa ước Paris; và những lời hứa đó giờ đây đã trở nên tối quan trọng đối với sự sống còn của chúng tôi’.


Cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn sắp sửa bắt đầu. Buổi chiều ngày 7 tháng 4, một chiếc xe gắn máy chở ông Lê Đức Thọ, người đã chủ trì lễ kết nạp Phạm Xuân Ẩn vào Cộng sản hai mươi năm về trước, chạy tới sở chỉ huy của Đại tướng Dũng.

Ông Thọ mang chiếc túi xách bên trong đựng tờ mệnh lệnh thực hiện cuộc tấn công cuối cùng mang tên, ‘Tiến tới thắng lợi cuối cùng',  trong đó khẳng định ông Dũng là Tư lệnh trưởng, còn Trần Văn Trà và Lê Đức Anh làm tư lệnh phó.

Trong lời chia tay, Lê Đức Thọ nói với các viên tư lệnh của ông rằng ‘ngay cả khi chúng [Mỹ] mạo hiểm can thiệp thì chúng cũng không thể đảo ngược được tình hình. Chúng chỉ có thể nhận thêm thất bại nặng nề hơn mà thôi. Chúng ta nhất định chiến thắng’. Bộ Chính trị đặt tên cho kế hoạch mới là Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Cuộc tấn công vào Xuân Lộc, một khu vực phòng thủ trọng yếu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa dọc theo Quốc lộ 1, khởi sự vào ngày 9 tháng 4. 

Xuân Lộc rồi đây sẽ trở thành một trận chiến mang tính sử thi của cuộc chiến tranh, với việc Sư đoàn 18 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu dũng mãnh trong tình thế quá chênh lệch lực lượng và đã cho thấy vì sao họ được coi là sư đoàn thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

cuoc tan cong vao Xuan Loc
Quân Việt Nam Cộng hòa tại Xuân Lộc Đồng Nai
Tuy nhiên, sau hai tuần đánh nhau ác liệt và đã tiêu diệt hơn năm ngàn quân địch và phá hủy ba mươi bảy xe tăng của Quân đội Bắc Việt, Sư đoàn 18 được lệnh rút quân và Xuân Lộc rơi vào tay Bắc Việt vào ngày 22 tháng 4.

Ngày hôm sau, Tổng thống Ford nói với những người dự khán ở Đại học Tulane rằng, ‘nước Mỹ có thể lấy lại được niềm kiêu hãnh từng tồn tại trước Chiến tranh Việt Nam. Nhưng điều đó không thể đạt được bằng cách trở lại đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà đối với Mỹ nó đã kết thúc’.


Ẩn đã cung cấp cho Shaplen một sự phân tích chi tiết về tình hình. ‘Ẩn sợ nhất là những người lính vô kỷ luật và quân cướp. Ông ta cầu nguyện cho Sài Gòn’, Shaplen viết.

Kết cục đến sớm hơn so với dự đoán của hầu hết mọi người. Ông Ẩn rất sốc khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa với quân số gần một triệu người, quân đội lớn thứ tư thế giới, lại có thể tan rã nhanh đến thế trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 năm 1975.

‘Ẩn nói rằng ông chưa bao giờ nghĩ điều đó lại dễ dàng như thế’, Shaplen ghi chú trong sổ tay vào cuối tháng 4 năm 1975. ‘Thiệu tiếp tục đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân ông ta và sẽ kéo cả ngôi nhà sập xuống cùng với ông ta. Sau tôi là cơn hồng thủy’.

Ẩn nói. ‘Không gì có thể bào chữa cho cuộc sống của chúng ta. Cái thực tế rằng chúng ta đang sống chẳng mang ý nghĩa gì cả’, Nguyễn Hùng Vượng nói với Shaplen.

Diep vien Hoan hao X6
Chen nhau lên trực thăng để di tản ngày 30/4/1975 
Tổng thống Thiệu lúc này đã ra tuyên bố từ chức, nói với các cố vấn thân cận nhất rằng tình hình quân sự giờ đây đã hết hy vọng và rằng việc tiếp tục tại vị của ông có thể được coi là một sự cản trở đối với giải pháp hòa bình.

Vào ngày 25 tháng 4 năm 1975, ông bước lên chiếc máy bay C-118, số đuôi 231, từ Tân Sơn Nhứt đi Đài Bắc. Các lời đồn sau đó cho rằng ông Thiệu đã mang theo hơn hai mươi tấn vàng trong kho dự trữ quốc gia. Phó Tổng thống Trần Văn Hương tiếp nhận ghế tổng thống.


(còn nữa)


Kỳ 11: Phạm Xuân Ẩn hoàn thành sứ mệnh, cứu mạng trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thế nào?

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6 -  First News Trí Việt phát hành

Bình luận
vtcnews.vn