Phạm Nhuệ Giang: Tôi là đạo diễn sung sướng nhất

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 15/06/2011 01:33:00 +07:00

(VTC News) – Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã có những phút trải lòng về bộ phim mới nhất "Tâm hồn mẹ” và người bạn đời đa tài – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

(VTC News) – Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã có những phút trải lòng về bộ phim mới sắp ra mắt "Tâm hồn mẹ” do chính chị đích thân viết kịch bản, làm đạo diễn và người bạn đời đa tài – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Chúng tôi đã có may mắn được tiếp chuyện đạo diễn của “Thung lũng hoang vắng” tại một căn phòng rộng rãi, ấm cúng tuy bày biện đơn giản nhưng toát lên không khí đầy chất nghệ thuật bởi bàn tay khéo sắp đặt của chủ nhà. “Ngôi nhà nghệ thuật” ấy nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phố Phan Chu Trinh, là nơi trú ngụ của cặp vợ chồng đạo diễn tài năng bậc nhất của điện ảnh Việt Nam: Phạm Nhuệ Giang và Ngô Thanh Vân.

Vẻ thâm trầm của người Hà Nội biểu hiện trên nét mặt đạo diễn Phạm Nhuệ Giang khi được hỏi về những vấn đề “thế sự” của điện ảnh Việt Nam nhưng lại hồ hởi, cởi mở khi nói về chồng: “Có lẽ tôi là đạo diễn sung sướng nhất vì có chồng làm giám đốc sản xuất đã dành toàn bộ công sức và tiền bạc cho tôi làm phim. Tôi chỉ lo việc đầu tư cho nghệ thuật của phim thôi còn mọi thứ khác anh Nguyễn Thanh Vân đã lo hết. Thật sự, tôi là người may mắn khi có chồng cùng nghề…”

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang

Là con gái rượu của nghệ sĩ Bích Châu, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam và đạo diễn Phạm Văn Khoa, người nổi tiếng với những phim truyện nhựa đình đám một thời như “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang được thừa hưởng cái nôi nghệ thuật từ cha mẹ ngay trong huyết quản.

Mặc dù đã tốt nghiệp đại học Xây dựng, đã là kỹ sư xây dựng nhưng cuối cùng chị vẫn quyết định đến với điện ảnh “như một cơ duyên không thể chối bỏ” như lời chị tâm sự. Có lẽ cũng chính cơ duyên đó đã xúi bẩy Nhuệ Giang gặp và gắn bó cuộc đời với chồng chị bây giờ là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, tác giả của “Đời cát”, bộ phim đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Quốc Gia lần thứ 13 năm 2001. Sự kết đôi của Phạm Nhuệ Giang và Nguyễn Thanh Vân  đã tạo nên một cặp vợ chồng đạo diễn “trời định” tài năng và ăn ý bậc nhất của điện ảnh Việt Nam.

Trong sự nghiệp đạo diễn của mình, Phạm Nhuệ Giang làm phim không nhiều (chủ yếu là phim nhựa và về đề tài thiếu nhi) nhưng bộ phim nào ra mắt đều được công chúng trong nước và quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, với “Thung lũng hoang vắng” đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Quốc Gia lần thứ 13 (2001) và giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP Quốc tế Melbourne lần thứ 51 (2002) đã đưa tên tuổi Phạm Nhuệ Giang lên một tầm cao mới.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và chồng - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

Phóng viên VTC News đã có buổi trò chuyện thân mật với đạo diễn Phạm Nhuệ Giang ngay tại “ngôi nhà nghệ thuật” của hai vợ chồng chị nhân sự kiện bộ phim truyện nhựa “Tâm hồn mẹ” do chính Nhuệ Giang làm đạo diễn và viết kịch bản chuyển thể sắp ra mắt.

- Được biết “Tâm hồn mẹ” là bộ phim mà chị vừa là đạo diễn vừa là người viết kịch bản. Đây có phải lần đầu tiên chị thử sức ở cả hai vai trò trong cùng một bộ phim?

- Thực ra từ bộ phim nhựa đầu tay của tôi có tên “Bỏ trốn”, tôi đã là người trực tiếp chuyển thể từ truyện ngắn của chị Phan Thị Thanh Nhàn sang kịch bản phim. Nhưng vì truyện ngắn này khá dày dặn và đầy đủ nên mọi người vẫn đề tên người viết kịch bản là tác giả Phan Thị Thanh Nhàn.

Bộ phim mới của tôi là “Tâm hồn mẹ” được chuyển thể từ một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi rất thích. Chính ý tưởng sâu sắc lạ lùng của câu chuyện đó đã thôi thúc tôi bắt tay vào viết lại thành một kịch bản phim hoàn chỉnh.

- Sao chị không để một nhà biên kịch có tiếng nào đó viết hay chị thừa tự tin vào khả năng viết kịch bản của mình?

- Truyện ngắn “Tâm hồn mẹ” có cách đây hơn 20 năm rồi. Năm 1996, sau khi làm xong phim “Bỏ trốn”, tôi cũng muốn bắt tay vào làm bộ phim này ngay nhưng cốt truyện quá ngắn ngủi, không có nhiều đất để các nhà biên kịch viết nên cần phải gia công thêm. Tôi cũng đã tìm và nhờ nhiều nhà biên kịch khác nhưng không được. Ngay như người đã chuyển thể rất thành công truyện ngắn “Những người thợ xẻ” của anh Nguyễn Huy Thiệp thấy khó quá cũng đã từ chối. Đến một ngày tự dưng thấy mình có quyết tâm hơn, cảm xúc mạnh mẽ hơn, tôi bắt tay vào viết một mạch và rất mau chóng hoàn thành kịch bản phim này.

Tuy nhiên, theo tôi thì ngoài các khả năng khác, một trong những phẩm chất cần thiết của người làm đạo diễn là khả năng viết kịch bản. Trong một nhà đạo diễn thì cũng đã có một nhà biên kịch rồi, mặc dù hai công việc ấy có vẻ khác biệt nhau.

- Từ “Chú bé cu li”, “Thung lũng hoang vắng” đến “Tâm hồn mẹ”, có vẻ như chị rất mặn mà với việc làm phim về lứa tuổi thiếu nhi, học trò?

- Thực ra tôi cũng không có ý định chỉ làm phim về đề tài thiếu nhi, học trò thôi đâu nhưng đúng là có một cái cơ duyên nào đó tự dưng nó đến. “Thung lũng hoang vắng” thực ra là phim người lớn nhưng trong đó phần về thiếu nhi, trẻ nhỏ cũng đã chiếm đến phân nửa rồi.

Còn trong truyện ngắn “Tâm hồn mẹ” của Nguyễn Huy Thiệp, hình ảnh hai đứa trẻ đã ám ảnh trong tôi từ rất lâu rồi… Đứa bé gái dù chỉ là một đứa bé thôi nhưng đã thường trực một bản năng làm mẹ tuyệt vời. Đó là một trong những vấn đề lớn rất con người, chứng tỏ cái nhân văn, bản năng nữ tính có ngay từ trong đứa bé con. Đặt ra vấn đề này rất hay vì khi con người ta lớn lên, trưởng thành, làm mẹ thì bản năng nữ tính đó lại sai lạc đi.

Với đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, hình ảnh hai đứa bé trong phim "Tâm hồn mẹ" là một ám ảnh lớn 

- Mặc dù được duyệt trong khung phim thiếu nhi nhưng với riêng chị “Tâm hồn mẹ” có phải là một bộ phim thiếu nhi đúng nghĩa?

- Nếu gọi “Tâm hồn mẹ” là phim 100% thiếu nhi thì không đúng vì thực ra ngoài những cái gọi là thiếu nhi thì trong bộ phim nhựa này còn đặt ra được nhiều vấn đề về xã hội, về góc độ của người lớn rất đáng lưu tâm.

Đứa bé mang tâm hồn và bản năng của một người mẹ 

- Tại sao các phim dành cho lứa tuổi thiếu nhi, học trò của chị không hề bay bổng, dịu dàng như phim của nhiều đạo diễn nữ khác mà lại trần trụi, gai góc đến vậy?

- Có rất nhiều vấn đề về thiếu nhi ám ảnh tôi. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm số một nhưng ở Việt Nam thì những thiệt thòi, bất hạnh lại rơi vào chúng… bởi sự nghèo đói, thiếu thốn quanh năm ám ảnh đời sống, con người  tại các vùng núi, vùng quê nghèo và bởi có rất nhiều cặp bố mẹ vô trách nhiệm với những đứa con mình mang nặng đẻ đau. Rồi hàng ngày có nhiều em nhỏ phải lang thang đi đánh giày mưu sinh trên các con phố, trong khi lẽ ra chúng phải được đến trường, được hưởng một tuổi thơ bình yên trong vòng tay bao bọc cha mẹ.

Tất cả những cảnh đời bé nhỏ nhức nhối, tội nghiệp đó, sao tôi không thể không đưa vào phim khi tôi không đủ khả năng để làm được nhiều điều cho chúng?

- Từ “Thung lũng hoang vắng” đến “Tâm hồn mẹ” phải mất hàng chục năm. Chắc hẳn “Tâm hồn mẹ” sẽ là một bước đột phá mới của chị vì phim được đầu tư trong một khoảng thời gian khá dài?


- Tôi có rất nhiều suy nghĩ và tham vọng khi làm bộ phim này. Nó sẽ khác với những cái tôi đã làm trước đó. Các lần trước mình quan niệm thế này, thế kia mới là hay nhưng đến “Tâm hồn mẹ” tôi đã làm khác đi. Cũng có thể như bạn nói, đây là một bước đột phá mới. Còn nó đạt đến đâu là tùy vào sự nhìn nhận của khán giả.

- Cũng qua 2 bộ phim này cho thấy chị và diễn viên Hồng Ánh khá "hợp cạ”?


- Nước mình có rất ít diễn viên tài năng. Trong “Tâm hồn mẹ”, người mẹ là một cô gái rất đời thường, lam lũ, bán hoa quả ngoài chợ Long Biên. Tôi không muốn chọn diễn viên quen biết. Người phụ nữ trong phim này phải ngoài 30 tuổi mà tìm được người ngoài 30 tuổi lần đầu đóng phim đạt vai là rất hiếm. Quả thực tôi cũng đã tìm được rồi nhưng khi xem vai, xem kịch bản người ta không dám diễn vì khó quá. Sau khi tìm khắp trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng Hồng Ánh vẫn là sự lựa chọn số một. Sự quyết liệt của Hồng Ánh phù hợp với vai diễn này và cô ấy đã tạo ra một mảng màu mới cho nhân vật.

- Ấn tượng của chị về những vai diễn mà Hồng Ánh đảm nhận trong phim của mình?


- Riêng với “Thung lũng hoang vắng” thì ngày đó bản năng của Hồng Ánh rất tự nhiên, hồn nhiên. Chính điều này đã tạo nên một cô Giao rất ‘tươi mát’, trong trẻo mặc dù vai này không sâu sắc bằng vai người đàn bà trong “Tâm hồn mẹ”. Hồi đó, Hồng Ánh đóng vai hầu như không diễn bởi cái rất trong trẻo và tự nhiên của cô ấy.

Đến “Tâm hồn mẹ” thì Hồng Ánh đã lí trí hơn, mạnh mẽ và sâu sắc hơn làm chất hồn nhiên của ngày xưa ít nhiều mất đi. Theo tôi nghĩ, nếu là một diễn viên giỏi người ta luôn giữ được sự hồn nhiên trong nhân vật của mình. Có lẽ là do Hồng Ánh đã diễn quá nhiều vai, để thay đổi được mình ngay cũng không hề đơn giản. Nhưng về cái sâu sắc và quyết liệt thì không phải ai cũng làm được như Hồng Ánh. Cô ấy rất là một diễn viên tài năng thực sự, rất chuyên nghiệp và sẵn sàng hết mình cho một vai diễn.

Diễn viên Hồng Ánh trong vai người phụ nữ bán hoa quả ở chợ Long Biên trong phim "Tâm hồn mẹ"

- Bao giờ “Tâm hồn mẹ” sẽ ra mắt khán giả?

- Khoảng 15/7 năm nay, bộ phim sẽ được hoàn thành. Đoàn làm phim của chúng tôi sẽ làm việc với một nhà phát hành để xúc tiến việc đưa phim ra rạp phục vụ khán giả.

- Về phía chồng là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, chắc hẳn anh cũng đã giúp đỡ chị rất nhiều trong lúc thực hiện bộ phim này?

- Tất nhiên rồi! Mỗi lần làm một bộ phim nhựa thì hai vợ chồng tôi gần như sát cánh bên nhau. Trong phim này, anh Vân là giám đốc sản xuất. Có lẽ tôi là đạo diễn sung sướng nhất vì có chồng là một giám đốc sản xuất dành toàn bộ công sức và tiền bạc cho mình làm phim. Tôi chỉ lo việc đầu tư cho nghệ thuật của phim thôi còn mọi thứ khác anh Nguyễn Thanh Vân đã lo hết. Thật sự, tôi là một người may mắn khi có chồng cùng nghề.

- Đều là hai đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt Nam, có bao giờ chị cảm giác mình lấn “át” chồng?


- Ồ, cái đó không có đâu. Trong công việc, hai vợ chồng tôi luôn trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau. Khi anh Vân làm phim thì tôi cũng lăn lộn hết mình, ngược lại với phim của tôi anh Vân cũng làm như vậy.

Một cảnh quay đẹp trong phim mới của Phạm Nhuệ Giang: "Tâm hồn mẹ" 

- Mấy năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam tuồng như gặp nhiều “xúi quẩy” từ những vụ việc như phim nọ đạo ý tưởng phim kia rồi phim ngừng phát sóng giữa chừng, mới đây nhất là câu chuyện lùm xùm quanh 2 bộ phim “Huyền sử thiên đô” và “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” khiến cho khán giả không khỏi nghi ngại về tính chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam. Suy nghĩ của chị về những câu chuyện trên như thế nào?

- Ở đây là lỗi trước hết thuộc về người chọn phim đem phát. Nếu đã là phim chọn chiếu ở giờ vàng thì phải là phim chất lượng tốt vì đó là khung giờ mà hầu hết khán giả cả nước theo dõi. Điều đó thể hiện sự tôn trọng khán giả.

Giữa lúc đang phát phim này mà chuyển sang phát phim kia là một sai lầm rất lớn của Đài truyền hình. Tôi được biết hãng phim tư nhân Sao Thế Giới đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm phim “Huyền sử thiên đô”. Thực sự chỉ có lòng yêu nước, yêu công việc thật sự thì họ mới làm một phim không đem lại nhiều lợi nhuận như vậy. Hơn nữa, “Huyền sử thiên đô” đang nhận được sự hưởng ứng tốt từ dư luận mà bị ngắt giữa chừng thì đúng là một bi kịch đối với cả nhà sản xuất và khán giả.

Việc chiếu thay thế vào đó bằng một bộ phim lấy hoàn toàn bối cảnh Trung Quốc, trang phục Trung Quốc, trường quay Trung Quốc… vốn đã bị khán giả Việt la ó, chê bai ngay từ đầu, lại trong tình hình biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng như thế, theo tôi đó là một quyết định sai lầm, rất thiếu thận trọng. Nhưng may sao vì nhà đài vẫn chưa cho phát “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”. Đây cũng là một bài học lớn mà các nhà sản làm phim và nhà đài cần lưu tâm cho các dự án sắp tới.

- Thực tế từ những Liên hoan phim quốc tế cũng cho thấy một điều rằng, điện ảnh Việt Nam còn kém xa điện ảnh thế giới về đẳng cấp?


- Chỉ riêng với Đông Nam Á thôi chúng ta cũng đã không bằng chứ chưa nói tới thế giới. Ngay như Thái Lan đã có phim tham gia LHP Cannes (Pháp) và đã đoạt giải thưởng Cành cọ vàng rồi. Còn Philippin, thậm chí là Srilanca cũng đã tham gia LHP uy tín này ở những hạng mục quan trọng. Điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ có tác phẩm tham gia LHP Cannes một cách chính thức cả, may ra chỉ nằm ở những hạng mục rất nhỏ thôi.

- Vậy theo chị cái yếu nhất của điện ảnh Việt Nam là gì?

- Đầu tiên phải nói đến khâu đào tạo. Trình độ đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh nước ta mới chỉ ở mức trung bình và chưa chuyên nghiệp. Thời của tôi ngày xưa còn kém hơn nữa. Cái yếu thứ hai là vấn đề tiền bạc, nhưng cái này là khó khăn chung của điện ảnh thế giới rồi. Cái thứ ba là về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam khắt khe quá, đặc biệt đối với dòng phim nghệ thuật.

- Sau “Tâm hồn mẹ”, chắc hẳn chị vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án phim khác?


- Tất nhiên! Tôi đã chọn được một kịch bản hay và cũng đã xin được một ít kinh phí tài trợ từ nước ngoài  rồi. Đó là “Không có Eva”, được nhà văn Nguyễn Quang Lập viết kịch bản cũng khá lâu rồi. Tôi sẽ làm phim và sống với điện ảnh đến lúc nào sức khỏe không còn cho phép nữa! (Cười).

- Vâng! Rất cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện. Chúc chị sức khỏe và có nhiều bộ phim hay phục vụ khán giả!

Hoàng Nghĩa (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn