Phạm nhân được hút 10 bao thuốc lá

Pháp luậtThứ Năm, 11/09/2014 11:24:00 +07:00

Mỗi tháng, phạm nhân được phép hút 10 bao thuốc lá hoặc 0,3 kg thuốc lá dạng sợi.

Mỗi tháng, phạm nhân được phép hút 10 bao thuốc lá hoặc 0,3 kg thuốc lá dạng sợi.

Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an vừa ban hành Quy định số 1065/QyĐ-C81 về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và một số quy định về việc hút thuốc lá đối với phạm nhân ở trại giam, trại tạm giam, trại viên ở cơ sở giáo dục bắt buộc. Quy định này ngoài việc tuyên truyền cho phạm nhân hiểu được tác hại của thuốc lá thì cũng nêu rõ số lượng thuốc lá phạm nhân được hút và khu vực hút thuốc dành cho họ.

Được hút 10 bao thuốc lá/tháng

Theo đó, phạm nhân và trại viên từng thường xuyên sử dụng thuốc lá phải đăng ký với cán bộ quản giáo. Sau đó, cán bộ quản giáo có trách nhiệm kiểm tra từng trường hợp, lập danh sách báo cáo lãnh đạo phụ trách phân trại, phân khu duyệt để tránh xảy ra trường hợp không sử dụng thuốc lá nhưng vẫn đăng ký để nhằm mục đích khác.

Mỗi tháng, phạm nhân, trại viên được sử dụng không quá 10 bao thuốc lá điếu hoặc 0,3 kg thuốc lá dạng sợi. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mà thủ trưởng đơn vị quy định biện pháp kiểm soát đối tượng sử dụng và nguồn cung cấp thuốc lá.
Phạm nhân cải tạo tại trại giam Z30, Bình Thuận 

Các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc phải quy định khu vực hút thuốc lá cho phạm nhân, trại viên nhưng phải bảo đảm an toàn về cháy nổ và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của những phạm nhân khác.

Đối với phạm nhân, trại viên lao động ở khu sản xuất và các điểm sản xuất lẻ ở các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc thì khu vực hút thuốc do giám thị quyết định nhưng phải bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho công tác quản lý, theo dõi và an toàn cháy nổ. Phạm nhân, trại viên chỉ được hút thuốc lá vào thời gian nghỉ giải lao hoặc hết giờ lao động.

Mỗi đơn vị trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc thành lập ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm giúp phạm nhân, trại viên thấy được tác hại của thuốc lá để tự nguyện hạn chế và từ bỏ việc sử dụng thuốc lá. Ban chỉ đạo do giám thị làm trưởng ban, ngoài ra còn có các phó giám thị, đội trưởng đội tham mưu, đội trưởng các đội nghiệp vụ, đội y tế - môi trường, đại diện hội phụ nữ, đoàn thanh niên tham gia.

Lo lắng chất gây nghiện trá hình


Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có những quy định cụ thể nhằm khuyến cáo ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân người hút, gia đình và cộng đồng.

Phạm nhân là người bị phạt tù vì những vi phạm pháp luật hình sự, họ chỉ bị hạn chế một số quyền công dân chứ không có quy định nào cấm họ hút thuốc lá.

Vì thế, những người nghiện thuốc được quyền hút thuốc ở những nơi được phép với liều lượng được quy định. Giám thị phải có trách nhiệm kiểm soát chặt, tuyên truyền cho họ giảm dần, tiến tới bỏ hẳn thuốc lá.


“Cái khó của vấn đề là làm sao để biết được người nào có nhu cầu thật sự về thuốc lá để tránh việc lợi dụng chủ trương rồi thực hiện hành vi mua bán thuốc lá giữa các phạm nhân trong trại giam? Đặc biệt, làm sao để không bị lợi dụng việc hút thuốc lá rồi đưa những chất gây nghiện trá hình vào trại giam?” - bà Thu nhấn mạnh.

Còn theo tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm Trường Đại học KHXH - NV TP HCM, việc quy định rõ số lượng, nơi phạm nhân được hút thuốc thể hiện quyền của phạm nhân, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của họ, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng, giúp phạm nhân thoải mái để cải tạo tốt hơn. Tuy nhiên, cũng nên suy nghĩ thêm việc bên ngoài xã hội đang kêu gọi hạn chế hút thuốc thì trong tù phạm nhân được hút thuốc cũng như biện pháp  quản lý chặt chẽ để tránh phát sinh những hệ quả tiêu cực.

Luật không cấm


Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích theo Luật Thi hành án hình sự năm 2011, phạm nhân ngoài việc được hưởng chế độ ăn, ở, sinh hoạt theo quy định, họ còn được nhận quà từ thân nhân (trừ trường hợp quà, đồ vật thuộc danh mục cấm). Theo Thông tư 58/2001/TT-BCA ngày 9/8/2011 của Bộ Công an quy định về danh mục đồ vật cấm đưa vào trại giam, có 11 loại đồ vật thuộc trường hợp cấm nhưng không có thuốc lá.

Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân, tại khoản 3 điều 8 cấm phạm nhân sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác nhưng không bao gồm thuốc lá.

Do đó, việc Tổng cục VIII Bộ Công an ban hành Quy định số 1065/QyĐ-C81 là không trái với các văn bản pháp luật. Vấn đề là việc kiểm tra, kiểm soát phải làm thật tốt mới mong tránh được tình trạng phạm nhân trục lợi và tuồn ma túy vào trại giam.

Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn