'Phải kỷ luật nghiêm hiệu trưởng để giáo trình có đường lưỡi bò vào giảng dạy'

Giáo dụcThứ Năm, 07/11/2019 10:52:00 +07:00

Luật sư đề nghị có hình thức kỷ luật nghiêm với hiệu trưởng và Hội đồng khoa học Đại học Kinh doanh và Công nghệ khi để lọt giáo trình "đường lưỡi bò".

Vụ việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình tiếng Trung có bản đồ in "đường lưỡi bò" phi pháp đang khiến dư luận quan tâm. Nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia giáo dục và luật sư yêu cầu xử lý nghiêm đối với cấp quản lý của đại học này.

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo Khoản 2, điều 23 trong Nghị định 138 của Chính phủ năm 2013 nêu rõ, với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học này buộc phải hủy bỏ.

Vì vậy, việc đưa giáo trình có "đường lười bò" cho sinh viên sử dụng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Hội đồng Khoa học và hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

"Cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với các vị này và những cá nhân liên quan để tăng tính răn đe cho các nhà quản lý giáo dục", Luật sư Bình nói.

74471166_2333849843409303_5038581050112999424_n

 Hình bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò" trong trang 36 của giáo trình Elementary Reading and Writing Course (Đọc-Viết) (bên trái) và hình "đường lưỡi bò" rất nhỏ tại trang 32 của giáo trình Elementary Listening Course (Nghe) (bên phải). (Ảnh: Anh Thư)

Liên quan đến việc khoa và trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ sử dụng sách làm giáo trình chưa khi chưa được sự đồng ý của nhà xuất bản Trung Quốc, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, không đăng ký, không có giấy phép xuất bản hoặc in lậu, in giả trái phép xuất là hành vi nghiêm cấm trong hoạt động xuất bản.

"Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử. Theo đó, Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân", luật sư Cường trích dẫn quy định tại Luật xuất bản.

Về chế tài xử lý hành vi này được quy định tại Nghị định 159 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Theo đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi như in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; in tài liệu không kinh doanh không có giấy phép xuất bản; hoặc in gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công.

Ngoài ra, buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm in vi phạm; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 3 tháng đối với tổ chức đó.

75392730_1458039404352988_4429936596032159744_n 5

Hơn 1.000 cuốn giáo trình tiếng Trung có in "đường lưỡi bò" phi pháp bị thu hồi lên văn phòng khoa ngày 4/11. (Ảnh: Anh Thư)

Bên cạnh đó, với một trong các hành vi như tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên; tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu.

Ngoài ra, xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm sẽ bị buộc thu hồi hoặc tiêu hủy; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động từ 9 đến 12 tháng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Elementary Reading and Writing Course là cuốn sách dạy đọc và viết tiếng Trung có in "đường lưỡi bò" phi pháp nằm trong bộ giáo trình "Developing Chinese" do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản. Giáo trình được photo lại từ sách gốc do sinh viên khóa trước đi thực tập ở Trung Quốc đem về tặng Khoa tiếng Trung - Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ)

Khoa chưa bao giờ đặt vấn đề bản quyền với Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh để đưa giáo trình này vào giảng dạy do "không có kinh phí".

Tổng số sách được in tại Trung tâm phát hành sách của trường đại học là 716 cuốn. Giá một cuốn là 30.000 đồng. Ngoài ra sinh viên cũng photo thêm.

Quá trình thu hồi các giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp này được thực hiện từ tuần trước. Cho đến nay số lượng sách thu hồi lên đến gần 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn