Phá Thương xá Tax, xây ga Metro: Người trong cuộc nói gì?

Thời sựChủ Nhật, 21/09/2014 06:48:00 +07:00

(VTC News) - Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Khắc Huỳnh đã có những chia sẻ xung quanh việc phá bỏ Thương xá Tax, xây ga Metro.

(VTC News) - “Chúng tôi cũng xót xa khi đập bỏ tòa nhà Thương xá Tax để xây dựng tháp thông gió nằm trong dự án tuyến Metro” - ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM.

Để giải phóng mặt bằng cho việc thực hiện dự án tuyến Metro (tàu điện ngầm) đầu tiên của Việt Nam tại TP.HCM nhiều công trình nhà cửa, cây cối phải phá bỏ. Trong đó, một trong những công trình bị phá bỏ được dư luận quan tâm nhất là tòa nhà Thương xá Tax 134 năm tuổi.

Tòa nhà vốn gắn bó và mang nhiều giá trị lịch sử với người Sài Gòn sẽ bị thay thế bằng tháp thông gió của nhà ga Metro, phần còn lại sẽ xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn, dự án cao 40 tầng.

Để có có cái nhìn cận cảnh về vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Khắc Huỳnh – Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (BQL ĐSĐT).

  Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM.
Ảnh: Phan Cường

- Việc đập bỏ tòa nhà Thương xá Tax để thi công tháp thông gió của nhà ga Metro và xây dựng Trung tâm Thương mại khiến dư luận bức xúc vì đã phá bỏ một công trình lâu năm có giá trị với người Sài Gòn, thưa ông?

Chúng tôi biết việc phá bỏ đi một công trình có giá trị lâu đời là rất đáng tiếc. Đây là điều chúng tôi không hề muốn. 

Nhưng thực tế không có gì vĩnh cửu. Nếu chúng ta mãi hoài cổ thì sẽ chỉ dậm chân tại chỗ. Muốn phát triển chúng ta phải thay đổi. Đó là xu thế của cuộc sống hiện đại. 

- Vậy tại sao không chọn một vị trí khác làm tháp thông gió như khu vực Thủ Thiêm (Q.2), hay các vùng lân cận, trống trải để không phải phá bỏ tòa nhà có giá trị?

Tôi và rất nhiều người cũng đã nghĩ đến phương án đó. Chúng tôi đã đưa ra phương án đặt tháp thông gió tại đại lộ Nguyễn Huệ nhưng không được. 

Để thực hiện công trình này, chúng ta phải vay của Nhật 2 tỷ đô la Mỹ. Và họ đã tính toán rất kỹ tất cả các phương án về góc độ khoa học kỹ thuật, thiết kế, độ giãn cách, không gian, thời gian… cho phù hợp, khoa học nhất. Phải đặt tháp thông gió thế nào cho phù hợp bởi nó liên quan đến an toàn kỹ thuật. Không phải mình cứ làm theo ý mình là được. 

Ai cũng biết, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Thương xá Tax…. là những công trình kiến trúc cổ, có giá trị văn hóa, tinh thần cao. Khi đập bỏ tòa nhà chúng tôi cũng xót xa lắm chứ. 

Mình làm cái mới nhưng tôn trọng cái cũ, hài hòa nhau, không triệt tiêu mà cùng cộng hưởng để phát triển.

- Vậy khi quyết định phá bỏ Thương xá Tax, Ban Quản lý Dự án đã thông qua ý kiến của người dân?

Chúng tôi đã báo cho Tổng Công ty thương mại quản lý tòa nhà Thương xá Tax mấy năm nay và họp bàn với nhân dân quận 1… 
Nếu mình không đẩy nhanh tiến độ thi công thì cũng có nhiều bất lợi vì vay vốn của nước ngoài nên phải làm cho hiệu quả, đúng tiến độ cam kết. 
Việc thực hiện những công trình hạ tầng làm thế nào cho đồng vốn có hiệu quả, không để thất thoát cũng phải được quán triệt. Nếu xảy ra tiêu cực, tham nhũng là có tội với dân, có tội với đất nước.

 Một phần của dự án nhà ga ngầm khu vực trung tâm TP.HCM. Ảnh: Phan Cường

- Vậy ông có khẳng định không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong dự án?

Cái đó là ý chí chung của lãnh đạo Thành ủy,  UBND TP cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên chức thực hiện dự án. Tuy nhiên, không loại trừ những vấn đề có khả năng phát sinh trong đấu thầu.

Với tư cách là Bí thư phụ trách mặt Đảng BQL ĐSĐT, chúng tôi làm việc lãnh đạo, các phòng ban phổ biến quy chế và khẳng định nếu ai vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.

Đây là đấu thầu quốc tế với các nước Nhật, Đức thì khó có khả năng xảy ra tiêu cực. 

- Trước đây cũng có những dự án do Nhật Bản đầu tư, viện trợ nhưng vẫn xảy ra tiêu cực, tham nhũng như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sỹ (lúc đó là Phó GĐ Sở GTVT TP.HCM kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây)phải lãnh án chung thân, thưa ông?

Phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ, viện trợ cho Việt Nam có điều kiện. Chúng ta phải tiến hành những dự án, công trình, cơ sở hạ tầng hiệu quả.

Người Nhật rất kiên quyết chống tiêu cực, nếu chúng ta để xảy ra một vấn đề nào đó sẽ làm mất uy tín. Các cơ quan an ninh, cảnh sát kinh tế cũng thường xuyên phối hợp với chúng tôi để cùng đảm bảo nguồn vốn không thất thoát, triển khai dự án đúng quy trình, đúng pháp luật. Tính đến hiện tại chưa có điều gì tai tiếng xảy ra.

Ban đầu dự kiến tuyến Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành trong năm 2017, đến năm 2018 hoạt động. Tuy nhiên do quá trình xây dựng ga trung tâm Bến Thành nên phải chờ thiết kế ga đó, phải chờ đồng bộ các tuyến nên khả năng chậm 1 năm, dự kiến đến năm 2019 là hoàn thành, đi vào hoạt động. 

Xin cảm ơn ông!

Phan Cường (thực hiện) 

Bình luận
vtcnews.vn